Năm 2011, Filip Tysander dành hết tiền tiết kiệm để làm đồng hồ. Sau 5 năm, công ty anh đã có doanh thu 170 triệu USD một năm, với biên lợi nhuận hơn 50%.
Mọi việc đều bắt đầu khá tình cờ. Cũng như những người trẻ Thụy Điển khác muốn khám phá bản thân và thế giới, sau khi học xong trung học, Tysander đi du lịch khắp nơi. Tại Australia, anh gặp một người Anh có tên Daniel Wellington. Anh ta đeo một chiếc đồng hồ Rolex với dây Nato cổ điển.
Tysander ấn tượng mạnh với phong cách này. Và đó là lúc anh nghĩ đến ý tưởng về một thương hiệu tên Daniel Wellington.
"Tôi nhận thấy thị trường còn khoảng trống cho các loại đồng hồ phong cách thế này", anh cho biết trong một bài phỏng vấn với Veckans Affärer. Cái tên này cũng rất phù hợp với một thương hiệu đồng hồ quốc tế nữa.
Filip Tysander - ông chủ hãng đồng hồ Daniel Wellington. Ảnh: Ergo |
Tuy nhiên, thành công không đến trong một đêm. Tysander sau đó bị mất việc vài lần, rồi nộp đơn học Đại học chuyên ngành kinh tế. Anh thành lập 2 công ty - bán caravat và đồng hồ nhựa online, để vừa học vừa làm. Khi tốt nghiệp, Tysander dành toàn bộ 24.000 USD kiếm được từ các công ty trước để bắt đầu khởi nghiệp lần 3. Đây là công ty đã thay đổi đời anh.
"Tôi mở một cửa hàng nhỏ trên mạng và thiết kế mẫu dây bằng photoshop. Rồi tôi gửi ảnh cho một nhà máy ở Trung Quốc để sản xuất dây đồng hồ NATO", Tysander cho biết.
Loại đồng hồ này nhanh chóng trở nên nổi tiếng, không chỉ vì thiết kế và giá trị, mà còn vì Tysander biết tận dụng khoảng trống marketing mà các đối thủ bỏ lại. Đó là truyền thông xã hội.
Một mẫu đồng hồ của Daniel Wellington. Ảnh: Daniel Wellington |
Chiến lược của anh là sử dụng những người nổi tiếng trên mạng xã hội, có nhiều người theo dõi, để quảng cáo đồng hồ. Cách này hiện tại rất phổ biến. Nhưng cách đây vài năm, nó là một sự đột phá. Hiện thương hiệu Daniel Wellington đã có hơn 2 triệu người theo dõi trên Instagram, áp đảo nhiều đối thủ khác.
Năm 2014, Daniel Wellington bán được hơn 1 triệu sản phẩm và đạt mốc 70 triệu USD doanh thu. Đến năm 2015, con số tăng vọt lên 170 triệu USD. Với biên lợi nhuận hơn 50%, Tysander kiếm lời hơn 66 triệu USD năm ngoái.
Số tiền này giúp anh có thể mua căn chung cư đắt đỏ nhất Stockholm với giá 12,8 triệu USD năm 2015. "Năm 2013, tôi chẳng hề nghĩ là công ty sẽ tăng trưởng đến quy mô này. Nhưng giờ, nó đã là một phần cuộc sống của tôi rồi. Tôi cảm thấy cực kỳ may mắn", Tysander cho biết.
Tysander cho biết bất kỳ ai cũng có thể trở thành một doanh nhân thành đạt. Chỉ là họ cần thời gian và một chút may mắn mà thôi. Anh rất thích câu nói của diễn giả Anh - Malcolm Gladwell rằng mọi doanh nhân cần 10.000 giờ để hiểu được mọi thứ liên kết với nhau như thế nào.
Hà Thu (theo BI)