Bộ trưởng Công Thương mở rộng rà soát bổ nhiệm cán bộ

Từ trường hợp ông Vũ Quang Hải, lãnh đạo Bộ đã yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát việc đề bạt, thuyên chuyển tất cả cán bộ trong giai đoạn 2013–2015, báo cáo kết quả ban đầu vào cuối tuần sau.

Thông tin nêu trên được Bộ trưởng Công Thương - Trần Tuấn Anh chia sẻ với VnExpress cuối ngày 15/6. “Việc rà soát sẽ bao gồm cả các trường hợp tiếp nhận người từ bên ngoài về và các trường hợp được điều động từ Bộ Công Thương về nắm giữ vị trí trong Hội đồng quản trị, Ban giám đốc của các tập đoàn, tổng công ty, công ty thuộc Bộ”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Đồng thời, lãnh đạo Bộ cũng yêu cầu các đơn vị báo cáo về công tác quy hoạch cán bộ trong khoảng thời gian từ năm 2011 tới 2015. “Các đơn vị liên quan đang khẩn trương triển khai và báo cáo Ban Cán sự Đảng bước đầu kết quả rà soát vào cuối tuần tới”, Bộ trưởng cho biết.

Trước đó, những lùm xùm về việc bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ tại Bộ Công Thương được dư luận chú ý sau những văn bản Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) về công tác cán bộ tại Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), cụ thể là trường hợp ông Vũ Quang Hải (con trai cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng) được điều động về làm lãnh đạo khi còn trẻ tuổi.

25-tuoi-lam-tong-giam-doc-con-trai-nguyen-bo-truong-vu-huy-hoang-bi-phan-doi

Vũ Quang Hải (hàng trên, bên trái) khi 25 tuổi đã được bổ nhiệm chức Tổng giám đốc tại PVFI.

Phản hồi trên báo Tiền Phong sau trường sự kiện này, ông Vũ Huy Hoàng cho biết vào cuối năm 2014, Hội đồng quản trị Sabeco mà trực tiếp là Chủ tịch Phan Đăng Tuất đã có công văn gửi lãnh đạo và Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương về việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo, trong đó đề nghị Bộ cho phép điều động đích danh ông Vũ Quang Hải về làm công tác quản lý.

"Thẩm quyền bổ nhiệm và đề bạt là của tổng công ty. Hải lúc đó là phó phòng, về mặt quản lý cán bộ, Bộ phải đồng ý thì mới đi được. Căn cứ đề nghị của Sabeco và tính đến các tiêu chuẩn, Bộ đồng ý cho Hải vào trong đó để Sabeco làm quy trình bổ nhiệm", ông Hoàng cho biết.

Trong khi đó, khi trả lời báo Tuổi trẻ, ông Vũ Quang Hải cũng cho rằng việc về công tác tại Sabeco xuất phát từ đề xuất của doanh nghiệp, không phải do Bộ bổ nhiệm và hoàn toàn không có chuyện “bố bổ nhiệm con”.

“Sabeco còn cổ đông bên ngoài là Heineken, nên Bộ không quyết định được chuyện này", ông Vũ Quang Hải chia sẻ. Vị này cũng phủ nhận mình là đại diện phần vốn Nhà nước và cho rằng từ khi về Sabeco cho tới nay, ông chỉ là người làm thuê cho doanh nghiệp này. 

Trong khi đó, ông Phan Đăng Tuất – nguyên Chủ tịch HĐQT Sabeco cũng xác nhận việc chủ động đề xuất và cho biết lý do muốn đưa ông Hải về là muốn bổ sung nhân sự trẻ tuổi, phù hợp cho chức vụ Phó tổng giám đốc của doanh nghiệp.

Cho rằng những phản hồi của “người trong cuộc” là động thái tích cực, nhưng trong văn bản mới nhất gửi tới báo chí chiều 15/6, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó chủ tịch VAFI vẫn chưa hài lòng và tiếp tục chất vấn ông Vũ Quang Hải về việc ông Hải về Cục Xúc tiến thương mại (trước khi về Sabeco) “theo đề nghị của Cục”, cũng như những đóng góp của ông trong quá trình làm việc tại đây để được thăng lên hàm Phó vụ trưởng. Bên cạnh đó, VAFI cũng tiếp tục chất vấn tính pháp lý của các văn bản điều động ông Hải về Sabeco cũng như nhiều vấn đề khác...

Trường hợp ông Vũ Quang Hải không phải sự việc cá biệt được dư luận chú ý thời gian qua liên quan đến công tác cán bộ tại Bộ Công Thương. Ngoài ra còn phải kể đến Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang - Trịnh Xuân Thanh, người gần đây bị phát hiện nhiều bất thường khi dùng xe sang tư nhân, nhưng gắn biển xanh. Ông Thanh trước đó có 4 năm điều hành và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí, một doanh nghiệp thuộc Bộ.

Trong giai đoạn lãnh đạo của ông Thanh, PVC thua lỗ triền miên do đầu tư ngoài ngành lớn (luỹ kế lỗ hơn 3.000 tỷ đồng vào cuối 2013). Vị này sau đó lại được bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng Bộ Công Thương, trưởng đại diện Bộ tại Đà Nẵng vào tháng 9/2013. Đầu năm 2015, ông Thanh lại được bổ nhiệm hàm Vụ trưởng, giữ nhiều trọng trách trước khi điều chuyển về làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Trước đó, từng có những trường hợp quyết định, bổ nhiệm cán bộ hy hữu xảy ra tại Bộ Công Thương, điển hình như việc bổ nhiệm hai người (ông Kiều Nghiệp và Thân Đức Công) cùng giữ chức Trưởng phòng Phòng chống hàng giả (Cục Quản lý thị trường) năm 2013 - 2014. Phải sau 6 tháng, sự việc mới được phát hiện và sau đó nhiều lãnh đạo của cơ quan này bị kiểm tra, khiển trách...

Let's block ads! (Why?)