Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ nói Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư lĩnh vực bán dẫn của nước này.
Đây là chia sẻ của ông John Neffeur, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) trong cuộc làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, chiều 7/12. Buổi làm việc còn có lãnh đạo các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu của Mỹ như Intel, Qualcom, Ampere, ARM...
"Mỹ đang trong cơn khát nhân lực chất bán dẫn. Và ngay từ trong Covid-19, nguồn nhân lực Việt Nam đã là nguồn bù đắp quan trọng cho sự thiếu hụt này. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn và có thể đóng vai trò đối tác chiến lược trong cung cấp nguồn nhân lực", ông John Neffeur nói.
SIA cũng đánh giá Việt Nam có những bước tiến ấn tượng trong lĩnh vực này, trở thành điểm đến có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam cũng đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, cùng với cơ chế ưu đãi phù hợp để thu hút doanh nghiệp sản xuất, thiết kế, phát triển sản phẩm chip bán dẫn hàng đầu của nước ngoài.
Theo Thủ tướng, Việt Nam hiện có khoảng 6.000 kỹ sư làm việc ở lĩnh vực công nghiệp bán dẫn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư chất lượng cao, trong đó ưu tiên đào tạo các kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn.
Tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh trong quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vừa được thiết lập, Việt Nam và Mỹ đã thống nhất đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thành một trụ cột mới quan trọng trong quan hệ hai nước. Do đó, cần tập trung nguồn lực, ưu tiên cho một số lĩnh vực là trọng tâm của Việt Nam, đặc biệt ngành công nghiệp bán dẫn.
Thủ tướng và ông John Neffeur đều đánh giá tiềm năng hợp tác trong ngành này là rất lớn. Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì phối hợp với các bộ liên quan để tiếp tục triển khai việc hợp tác cụ thể với SIA.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị SIA thúc đẩy phía Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và bãi bỏ những kiểm soát không cần thiết trong chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, xây dựng các phòng thí nghiệm, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu của Mỹ...
Chủ tịch SIA cũng cho biết các doanh nghiệp Mỹ hào hứng chờ đón chiến lược quốc gia về bán dẫn của Việt Nam, mong muốn Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhanh chóng tận dụng được những cơ hội mới đang mở ra, đặc biệt là khâu thiết kế chip vốn không đòi hỏi nhiều đầu tư so với sản xuất.
Trước đó, tại cuộc làm việc của Thủ tướng với Chủ tịch SIA và các lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp bán dẫn Mỹ vào tháng 9, hai bên thống nhất thúc đẩy các đoàn doanh nghiệp bán dẫn Mỹ thăm, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam và hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp hai nước.
SIA được thành lập năm 1977, là hiệp hội đại diện cho ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ, một trong những ngành xuất khẩu hàng đầu của nước này và là động lực chính cho sức mạnh kinh tế, an ninh quốc gia và khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ. Đến nay, SIA quy tụ mạng lưới các doanh nghiệp thành viên chiếm tới 99% doanh thu ngành bán dẫn Mỹ, trong đó hơn 65% là doanh nghiệp nước ngoài.
Quỳnh Trang