Vì sao du lịch sông Sài Gòn vẫn 'giậm chân tại chỗ'?

Du lịch đường sông TP HCM có nhiều sản phẩm tour nhưng du khách khó tiếp cận trực tiếp là một trong những nguyên nhân khiến ngành này vẫn "giậm chân tại chỗ".

"Kế hoạch phát triển du lịch đường thủy khởi động rất nhiều năm đến nay đã có bộ sản phẩm cơ bản, định hình được tài nguyên. Vấn đề đặt ra là làm sao để phát triển thêm bán sản phẩm hiệu quả", ông Trần Tường Huy, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch xã hội, nói tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy giai đoạn 2023 - 2025 tổ chức hôm 4/12 trong khuôn khổ Tuần lễ du lịch TP HCM 2023.

Ông Huy nhận định TP HCM có đủ tài nguyên và tiềm lực để phát triển du lịch đường sông với 17 sản phẩm tour, 73 bến đủ điều kiện phục vụ du lịch và hơn 100 doanh nghiệp tham gia khai thác các sản phẩm du lịch trên sông Sài Gòn. Bên cạnh những vướng mắc về cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách, đáp ứng kỹ thuật, bến, bãi cho tàu neo đậu tàu, ông Huy chỉ ra "cái còn thiếu" dễ thấy và dễ giải quyết trước mắt là tìm cách để mọi du khách có thể đặt vé, mua tour đường sông dễ dàng.

Tàu du lịch phục vụ ăn tối, du ngoạn sông, neo đậu ở cảng Sài Gòn, quận 4. Ảnh: Bích Phương

Tàu du lịch phục vụ ăn tối, du ngoạn sông, neo đậu ở cảng Sài Gòn, quận 4. Ảnh: Bích Phương

"Sản phẩm đường sông được giới thiệu rất nhiều, nhưng không phải ai cũng biết. Nhiều du khách chia sẻ với tôi rất muốn trải nghiệm các sản phẩm du lịch trên sông nhưng không biết phải liên hệ ai và đặt thế nào", ông Huy nói.

Chị Thanh Huyền, du khách Hà Nội vừa có chuyến du lịch TP HCM vào tháng 10 chia sẻ trước chuyến đi chị tìm hiểu nhiều điểm tham quan tại thành phố, trong đó có các hoạt động thưởng ngoạn sông, nhưng "mất nhiều thời gian" để tìm hiểu thông tin về những hoạt động này. Chỉ có hai hoạt động là waterbus (buýt sông) và ăn tối trên du thuyền ngắm sông Sài Gòn là có thông tin cụ thể, dễ đặt vé qua website và ứng dụng du lịch.

"Tôi đọc nhiều thông tin Sài Gòn có tour đường sông mới nhưng không rõ công ty du lịch nào tổ chức. Tìm kiếm trên Google cho vài kết quả, tôi phải gọi điện để kiểm tra xem có phải công ty lừa đảo không. Tôi đi du lịch tự túc nên muốn mua vé nhanh chóng, tiện lợi, không cần qua công ty du lịch", chị Huyền nói.

Ông Nguyễn Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch TP HCM, cho biết thêm kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch sông Sài Gòn đã thực hiện 10 năm qua nhưng chưa thật sự có bước đột phá. "Các sản phẩm nhiều nhưng dàn trải, mười mấy tour nhưng tour nào cũng gần giống nhau và thiếu điểm nhấn", ông Việt Anh nói.

Đại diện công ty du lịch Vietluxtour cho biết công ty đang triển khai tour nội đô sông Sài Gòn và tour khám phá sông ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tour ở ĐBSCL có lịch trình cố định, khách có thể đặt qua hotline hoặc website công ty. Nhưng tour nội đô trên sông Sài Gòn lại là tour thiết kế riêng theo yêu cầu của khách, thường được khách đoàn hoặc khách inbound (khách nước ngoài du lịch Việt Nam) đặt nhiều hơn nhóm khách lẻ.

Phó viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch xã hội cho biết có thể học hỏi cách làm của một số nước để bán sản phẩm tour sông hiệu quả. Tại Singapore chỉ có 3 sản phẩm du lịch đường sông là bumboat (đi thuyền trên sông), ducktour (sử dụng xe đi được cả trên cạn và dưới nước), tour kết hợp xe buýt hai tầng và ducktour. Khách du lịch đều dễ dàng mua vé qua ứng dụng, lấy mã QR và tham quan dễ dàng.

Tại Thái Lan có hai kiểu du lịch sông là du thuyền và thuyền công cộng, phần lớn chạy trên sông Chao Phraya theo lịch trình chứ không theo chuyến. Du khách cũng dễ dàng tiếp cận các tour này thông qua OTA (đại lý du lịch trực tuyến) hoặc mua vé tại bến.

Tương tự, tour du thuyền dọc sông Seine cũng phổ biến với mọi du khách đến Paris, Pháp. Chỉ cần gõ tên là hiện ra website đặt tour hoặc kênh bán tour OTA.

Trong khi ở Thụy Sĩ, du khách chỉ cần mua một tấm thẻ Swiss Travel Pass là có thể đi không giới hạn các loại phương tiện như tàu hỏa, tàu ngắm cảnh, thuyền và xe buýt.

Ông Huy cho hay có thể phát triển tấm thẻ gần giống Swiss Travel Paas, kết hợp tour xe buýt hai tầng và buýt sông. Thẻ có thể tích hợp vé một số điểm tham quan nổi bật trong thành phố. Khách mua thẻ trực tuyến, dễ dàng lựa chọn hành tour phù hợp, chọn càng nhiều dịch vụ càng nhiều ưu đãi. Ứng dụng những tiện ích về công nghệ sẽ giúp mọi du khách dễ dàng tiếp cận các sản phẩm du lịch hơn. Theo ông Huy, TP HCM nên có sản phẩm du lịch kết hợp lịch trình khám phá thành phố và đường sông. Hai sản phẩm này hiện còn tách rời.

Ngoài ra, TP HCM cần đẩy mạnh quảng bá sản phẩm du lịch đường sông và kết nối với thị trường khách nước ngoài một cách trực tiếp. Ông Huy cho biết thực tế sản phẩm đường sông tại TP HCM mới chỉ tiếp cận được với khách thông qua thị trường gửi khách.

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch TP HCM, giai đoạn 2024-2025, thành phố nên tập trung phát triển tour nội đô và sản phẩm du thuyền, gắn kết với nhiều hoạt động như du lịch golf, tổ chức festival du thuyền, kết nối câu lạc bộ du thuyền nước ngoài để kéo thêm về thành phố nguồn khách tiềm năng, chi tiêu cao.

Bích Phương

Adblock test (Why?)