Các cú sốc nguồn cung do triển vọng kinh tế ảm đạm, xung đột quân sự và El Nino đang đẩy thế giới đến bờ vực khủng hoảng lương thực.
Chỉ trong vài tuần, thế giới liên tiếp đón nhận các cú sốc trên thị trường lương thực. Ngày 17/7, Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Thỏa thuận này được Liên Hợp Quốc (UN) và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đàm phán vào tháng 7/2022, cho phép Ukraine tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc bằng đường biển, từ đó giải quyết an ninh lương thực toàn cầu do xung đột ở châu Âu.
Chỉ vài ngày sau, Ukraine cáo buộc đòn tập kích của Nga vào thành phố cảng chiến lược Odessa đã phá hủy 60.000 tấn ngũ cốc, song Moskva nói chỉ nhắm mục tiêu vào cơ sở quân sự. Theo Đại sứ Anh tại Liên hợp Quốc Barbara Woodward, số lương thực này đủ cho 270.000 người trong một năm.
"An ninh lương thực thế giới một lần nữa gặp nguy hiểm", Bộ Nông nghiệp Ukraine cho biết. Trong cuộc phỏng vấn với CNN tháng trước, Samantha Power - một lãnh đạo tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cho biết bà "rất lo ngại" về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Giá lúa mỳ thế giới đã tăng 10% chỉ trong 10 ngày sau khi Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận.
Số liệu của Ủy ban Châu Âu (EC) cho biết Ukraine đóng góp lớn vào nguồn cung lương thực toàn cầu. Trong đó, họ chiếm 10% thị trường lúa mỳ thế giới, 15% ngô và 13% lúa mạch. Hai phần ba lúa mỳ rời Ukraine từ Biển Đen là hướng tới các nước đang phát triển, Power cho biết.
"Ukraine giờ buộc phải xuất khẩu phần lớn ngũ cốc qua đường bộ và các cảng ở sông Danube. Việc này sẽ làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển, ăn mòn lợi nhuận của các nông dân Ukraine. Năm sau, họ có thể giảm trồng trọt, càng tăng thêm sức ép lên nguồn cung", Carlos Mera – Giám đốc phụ trách các thị trường nông sản tại ngân hàng Rabobank (Hà Lan) cho biết hôm 17/7.
Đến ngày 20/7, Ấn Độ thông báo cấm xuất khẩu các loại gạo không phải là Basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á) để bình ổn giá trong nước. Chỉ vài ngày sau, hàng loạt video xuất hiện trên báo chí cho thấy người dân hoảng loạn mua tích trữ gạo và các kệ hàng trống trơn trong các cửa hàng bán đồ Ấn Độ ở Mỹ và Canada.
Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đóng góp 40% hoạt động kinh doanh gạo toàn cầu. Một trong những nước mua lớn là Trung Quốc, Philippines và Nigeria. Ngoài ra, họ còn bán cho một số khách mua vãng lai, như Indonesia hay Bangladesh – chỉ nhập khẩu khi nguồn cung trong nước thiếu.
Năm ngoái, Ấn Độ xuất khẩu 22 triệu tấn gạo sang 140 quốc gia. Gạo cũng ngày càng được tiêu thụ nhiều ở châu Phi. Tại các nước như Cuba hay Panama, đây còn là nguồn dinh dưỡng chính của người dân.
Năm 2022, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% với gạo trắng, lứt, do xung đột Nga - Ukraine kéo giá lương thực thiết yếu lên cao. Vì vậy, lệnh cấm xuất khẩu mới nhất của nước này đang làm dấy lên lo ngại về giá gạo toàn cầu. Kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Pierre-Olivier Gourinchas cho rằng lệnh cấm sẽ kéo giá ngũ cốc nói chung lên 15% năm nay.
Lệnh cấm của Ấn Độ cũng được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm. Shirley Mustafa – nhà phân tích thị trường gạo tại Tổ chức Nông lương Liên hợp Quốc (FAO) cho biết giá gạo toàn cầu đã nhích dần từ đầu năm 2022. Tính từ tháng 6 năm ngoái, giá đã tăng 14%.
Trong khi đó, nguồn cung lại đang căng thẳng, khi ba tháng nữa mới tới vụ thu hoạch mới tại các thị trường. Thời tiết khắc nghiệt tại Nam Á – với lượng mưa không đều ở Ấn Độ và mưa lũ ở Pakistan – đã ảnh hưởng đến mùa màng. Chi phí trồng lúa cũng tăng do giá phân bón lên cao.
Việc các tiền tệ mất giá so với USD khiến chi phí nhập khẩu với nhiều nước tăng vọt. Lạm phát cũng làm tăng chi phí đi vay với hoạt động ngoại thương. "Các hãng nhập khẩu đang căng thẳng. Hãy chờ xem liệu họ có thể đối phó với việc giá tăng hay không", Mustafa cho biết.
Lệnh cấm của Ấn Độ cũng kéo theo động thái tương tự từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Hôm 28/7, Bộ Kinh tế UAE quyết định dừng xuất khẩu gạo trong 4 tháng. Quy định này có hiệu lực ngay lập tức, áp dụng với tất cả loại gạo. Gạo nhập từ Ấn Độ sau ngày 20/7 cũng bị cấm tái xuất.
UAE phải nhập khẩu tới 90% lương thực hàng năm. Họ mua gạo chủ yếu từ Ấn Độ, Pakistan, Việt Nam và Thái Lan. Theo Bộ Kinh tế UAE, lệnh cấm tạm thời này nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước, sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo.
Một ngày sau, đến lượt chính phủ Nga thông báo cấm xuất khẩu gạo cho đến hết ngày 31/12 năm nay. Mục đích là bình ổn thị trường trong nước. Nga không phải là nước xuất khẩu lớn trên thế giới. Tuy nhiên, họ có trồng lúa và là nước cung cấp chính gạo Japonica cho các nước lân cận, như Azerbaijan và Georgia. Họ cũng bán gạo sang Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Jordan, theo số liệu của S&P Global.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên họ cấm xuất khẩu lương thực. Trên thực tế, tháng 7/2022, Bộ Nông nghiệp Nga quyết định cấm xuất khẩu gạo, ngũ cốc và các axit amin dùng trong thức ăn chăn nuôi cho đến cuối năm.
Tại Thái Lan – nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, chính phủ đang khuyến khích người dân giảm trồng lúa để chuyển sang trồng các loại thực vật khác cần ít nước hơn. Thái Lan đang ghi nhận lượng mưa giảm sút trong bối cảnh thời tiết năm sau được dự báo khô hạn vì El Nino. Tổng lượng mưa tại miền Trung nước này hiện thấp hơn 40% mức bình thường.
Việc hạn chế trồng lúa được cho là sẽ giúp bảo đảm nước cho sinh hoạt của các hộ gia đình. Tuy nhiên, nó cũng sẽ đe dọa nguồn cung gạo toàn cầu, trong bối cảnh Ấn Độ cấm xuất khẩu.
Từ năm ngoái, an ninh lương thực đã trở thành vấn đề nóng trên toàn cầu. Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, hàng loạt quốc gia lần lượt áp lệnh cấm xuất khẩu lương thực. Ấn Độ hạn chế xuất khẩu lúa mỳ và đường. Indonesia giới hạn bán dầu cọ. Malaysia cấm xuất khẩu thịt gà. Argentina cấm xuất khẩu thịt bò. Thổ Nhĩ Kỳ và Kyrgyzstan cấm xuất khẩu hàng loạt ngũ cốc.
Hồi tháng 5, Báo cáo về khủng hoảng lương thực toàn cầu (GRFC) cũng được Mạng lưới Chống khủng hoảng lương thực (GNAFC) công bố. GNAFC là liên minh của UN, EU và nhiều cơ quan chính phủ, phi chính phủ khác, nhằm giải quyết khủng hoảng lương thực.
Theo đó, năm ngoái, số người rơi vào tình trạng cần thực phẩm khẩn cấp và hỗ trợ dinh dưỡng đã tăng năm thứ tư liên tiếp. Nhóm này lên tới 258 triệu người ở 58 quốc gia và vùng lãnh thổ - cao nhất 7 năm.
Các cú sốc kinh tế cũng lần đầu tiên vượt xung đột và thời tiết để trở thành nguyên nhân hàng đầu gây mất an ninh lương thực. Trong đó, báo cáo phân tích chiến sự tại Ukraine gây tác động tiêu cực lên an ninh lương thực toàn cầu, do cả Ukraine và Nga đều đóng góp nhiều cho sản xuất và kinh doanh nhiên liệu, thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp.
Chiến sự đã gây gián đoạn sản xuất lương thực và thương mại ở Biển Đen, châm ngòi đợt tăng giá chưa từng có tiền lệ nửa đầu năm 2022. Năm nay, báo cáo cho rằng biến đổi khí hậu, triển vọng ảm đạm tại các nền kinh tế toàn cầu và xung đột quân sự vẫn tồn tại. Ước tính sơ bộ với 38 trên 58 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy khoảng 153 triệu người rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực năm nay.
Khảo sát công bố hôm 2/8 của Reuters cũng cho thấy dự trữ lúa mỳ của các nước xuất khẩu lớn trên toàn cầu sẽ xuống thấp nhất hơn một thập kỷ, do thời tiết khô hạn. Các nước nhập khẩu có dự trữ thấp sẽ dễ tổn thương trước các cú sốc giá và nguồn cung năm nay.
Dù vậy, thị trường lương thực toàn cầu vẫn có hy vọng cải thiện. Nhiều chuyên gia cho rằng lệnh cấm của Ấn Độ chỉ là tạm thời. Ấn Độ hiện có dự trữ 41 triệu tấn gạo - gấp 3 lần mức cần thiết.
"Tôi cho rằng động thái của họ chỉ mang tính phòng trừ, và hy vọng nó chỉ là tạm thời", Joseph Glauber của Viện Nghiên cứu Chính sách Thực phẩm Quốc tế (Ifpri) cho biết trên BBC.
Devinder Sharma – một chuyên gia về chính sách nông nghiệp tại Ấn Độ cũng cho rằng chính phủ nước này đang phòng trừ trường hợp sản xuất thiếu hụt. Các vùng trồng lúa ở miền Nam nước này đang đối mặt với rủi ro khô hạn do El Nino.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố sẽ tái gia nhập Thỏa thuận Ngũ cốc trên Biển Đen nếu các điều kiện của ông được đáp ứng. Đó là gỡ bỏ hạn chế với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của nước này, cũng như chấm dứt lệnh trừng phạt với Ngân hàng Nông nghiệp Nga.
Hà Thu