Các doanh nghiệp được yêu cầu có phương án về nguồn hàng, duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn để sẵn sàng cung ứng khi cần thiết.
Đề nghị này được Bộ Công Thương nêu tại văn bản gửi các địa phương ngày 3/8 về bình ổn thị trường gạo, thóc trong bối cảnh giá lương thực trong nước tăng nhanh sau tuyên bố ngừng xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Nga và UAE.
Theo đó, cơ quan này yêu cầu các địa phương chỉ đạo Sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường có phương án về nguồn hàng thóc, gạo để kiểm soát mức tăng giá lương thực trong nước. Việc này cũng nhằm đảm bảo cung ứng gạo cho thị trường từ này tới cuối 2023, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.
"Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết. Việc thu mua giao hàng theo tiến độ cần được doanh nghiệp thực hiện hợp lý, cân đối lượng xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước", Bộ Công Thương nêu.
Bộ này cũng lưu ý, các doanh nghiệp tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá thóc, gạo trong nước tăng bất hợp lý.
Nói với VnExpress đầu tuần này, đại diện Bộ Công Thương cho biết theo dõi sát tình hình thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp cân đối cung cầu. Bộ cũng đề nghị các thương nhân xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu 5% số lượng gạo mà họ đã xuất trong 6 tháng trước đó. Trường hợp hụt cung, sẽ có biện pháp kiểm soát xuất khẩu gạo, theo đại diện Bộ Công Thương.
Tại TP HCM, Sở Công Thương cho biết, gạo là một trong những mặt hàng lương thực được bình ổn hàng năm. Từ đầu năm đến nay, gạo bình ổn không điều chỉnh giá, bán thấp hơn thị trường 5-10%. Trường hợp có bất thường, doanh nghiệp muốn điều chỉnh phải xin Sở Tài chính, chỉ thay đổi trong khoảng 5-10%. Với những khu vực sức mua tăng, các doanh nghiệp cung ứng phải cân đối và tăng cung để tránh giá leo thang.
Sau tuyên bố cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Nga, UAE, giá gạo Việt Nam trên thị trường thế giới tăng liên tục trong hai tuần qua và sắp vượt 600 USD một tấn. Nhiều thị trường như Trung Quốc, Philippines, Indonesia đang tranh mua gạo Việt với số lượng tăng 40% đến vài chục lần. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 1/8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam bán ra ở mức 588 USD một tấn (tăng 55 USD một tấn so với cách đây 10 ngày).
Năm nay sản lượng xuất khẩu gạo có thể đạt 7,5 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ. Ngày 1/8, cơ quan này đề xuất Thủ tướng ban hành chỉ thị về tăng cường xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
Báo cáo của Hải quan cho thấy, hết tháng 7, xuất khẩu gạo đạt 2,58 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ, giá gạo bình quân 534 USD một tấn, tăng 9,2%. Dự kiến, cả năm 2023 xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo và thu về 4,1 tỷ USD.