'Chờ đợi từng ngày' hướng dẫn chính sách visa mới

Các đơn vị lữ hành cũng như khách quốc tế "đang chờ từng ngày" văn bản hướng dẫn chính thức sau khi Quốc hội thông qua chính sách nới visa mới hồi tháng 6.

Nhiều doanh nghiệp lữ hành khai thác mảng inbound (đón khách nước ngoài vào Việt Nam) cho biết vẫn đang chờ văn bản chính thức về việc thay đổi chính sách visa từ cơ quan có thẩm quyền. Đa số nói đã nắm được những sự thay đổi tích cực trong chính sách mới như thời hạn thị thực điện tử (e-visa) sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày, với số lần nhập, xuất cảnh không giới hạn. Công dân của nước Việt Nam đơn phương miễn thị thực được tăng thời gian tạm trú từ 15 lên 45 ngày và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định. Các thay đổi này sẽ có hiệu lực từ 15/8. Tuy nhiên, nếu chưa có văn bản chính thức, việc xúc tiến, quảng bá với đối tác nước ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ông Phạm Hà, CEO Lux Group, đơn vị chuyên kinh doanh du thuyền 5 sao, nói các đối tác đều đánh giá tích cực về sự thay đổi trong chính sách visa của Việt Nam. Dù vậy, họ không thể tin 100% khi chưa nhìn thấy văn bản chính thức từ cơ quan có thẩm quyền.

"Các đối tác nước ngoài cũng cần sớm nắm thông tin để lên kế hoạch cho giai đoạn cao điểm, từ tháng 10 đến tháng 4", ông Hà nói.

Đại diện Lux Group mong muốn sớm nhận được thông tin chính thức về việc thay đổi chính sách visa. Theo ông Hà, việc xây dựng các sản phẩm mới để phù hợp với điều kiện thuận lợi hơn của chính sách visa tốn khá nhiều thời gian. Các đối tác cần sang trực tiếp Việt Nam khảo sát, làm việc với hãng hàng không, landtour tại Việt Nam trước khi đưa ra sản phẩm mới. Do đó, ông Hà mong muốn văn bản chính thức "có sớm ngày nào, hay ngày đó".

Khách nước ngoài du lịch Hạ Long trước Covid-19. Ảnh: World Mate Travel

Khách nước ngoài du lịch Hạ Long trước Covid-19. Ảnh: World Mate Travel

Ông Nguyễn Thanh Sơn, PGĐ Trung tâm Du lịch Quốc tế Benthanh Tourist, nói công ty đã gửi thông báo đến một số đối tác tại các thị trường quan trọng như Rumania, Hà Lan, Đức, Pháp, Mỹ để thông báo về chính sách visa mới của Việt Nam. Các bên đều rất hào hứng trước thông tin tốt này.

Tuy nhiên, công ty hiện vẫn chưa nhận được văn bản chính thức từ cơ quan chức năng về chính sách visa mới như quốc gia nào sẽ được áp dụng nâng thời hạn visa điện tử lên 90 này; quốc gia nào được nâng thời hạn tạm trú đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày; lộ trình áp dụng chính sách visa mới sẽ diễn ra như thế nào.

"Chỉ sau khi có được văn bản hướng dẫn chi tiết, công ty mới có thể phối hợp cùng các đối tác để thiết kế chương trình du lịch mới, làm mới sản phẩm và tiến hành các hoạt động quảng bá, tiếp thị tới du khách", ông Sơn nói.

Đại diện phòng làm visa cho người nước ngoài vào Việt Nam của Top Ten Travel cũng nói "đang chờ từng ngày" để thấy văn bản chính thức. Theo người này, nhiều khách quốc tế đã biết về thông tin Việt Nam chuẩn bị thay đổi chính sách visa và rất quan tâm, đặc biệt là khách lẻ. Do khách đoàn thường chuẩn bị trước từ 6 tháng nên nhóm quan tâm chính từ giờ tới cuối năm là khách lẻ.

Đại diện Top Ten Travel nói nhận được nhiều câu hỏi như "nên xin visa bây giờ hay đợi 15/8?", "xin visa bây giờ, tới 15/8 có được áp dụng chính sách mới không?". Dù vậy, người này cho biết không thể giải thích, hứa hẹn gì với khách hàng bởi chưa có văn bản chính thức. Lời khuyên duy nhất là nếu thực sự cần thiết, hãy làm ngay, nếu không thì chờ tới 15/8.

"Chúng ta chưa biết cụ thể chính sách mới áp dụng thế nào, hình thức ra sao, kéo dài bao lâu, chi phí xin có thay đổi không hay hệ thống xin e-visa được cải thiện không", đại diện công ty nói.

Tới chiều 3/8, website của Cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh Việt Nam chưa có thông báo mới liên quan đến việc thay đổi chính sách visa.

Bản thân nhiều khách nước ngoài cũng bối rối vì thông tin này. Sharman, đến từ Anh, dự định tới Việt Nam du lịch trong một tháng và biết thông tin thay đổi chính sách visa qua các kênh truyền thông. Dù vậy, khi hỏi một số người nước ngoài đang sống tại Việt Nam, cô nhận được câu trả lời là "chưa chắc chắn điều gì".

Sharman khá bối rối bởi hiện tại, cô thuộc diện miễn visa nhưng chỉ có thể lưu trú tối đa 15 ngày. Nếu muốn ở thêm, Sharman phải xuất cảnh và nhập cảnh lại Việt Nam theo dạng miễn thị thực. Cách này khá phổ biến với một số khách quốc tế khi họ chọn đến Lào, Campuchia rồi trở lại Việt Nam để tiếp tục du lịch hoặc bay về nước. Trong khi đó, nếu theo thông tin về chính sách visa mới, Sharman có thể lưu trú tới 45 ngày và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.

Tú Nguyễn

Adblock test (Why?)