Masan muốn 'thu quả ngọt' từ công ty sở hữu VinCommerce

Ông Danny Le, CEO Masan dự tính công ty mới thành lập The CrownX - sở hữu 83,74% vốn VinCommerce sẽ có doanh thu 250.000 tỷ vào năm 2025.

Tại phiên họp thường niên sáng 30/6, Tập đoàn Masan công bố thành lập Công ty cổ phần The CrownX để sở hữu 85,71% vốn công ty hàng tiêu dùng nhanh Masan Consumer và 83,74% vốn nền tảng bán lẻ VinCommerce.

The CrownX được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh giữa tháng 6 với vốn điều lệ ban đầu 516 tỷ đồng. Công ty này có ba cổ đông sáng lập, trong đó một đơn vị thành viên được Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang ví như "người hùng thầm lặng" sở hữu cổ phần gần như tuyệt đối.

"Đây là một thực thể kinh doanh mạnh, nhắm đến mục tiêu đưa nền tảng bán lẻ VinCommerce trở thành một trong 50 nhãn hiệu bán lẻ mạnh nhất thế giới", ông Trương Công Thắng - Chủ tịch The CrownX nói.

Trong khi đó, ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan cho biết, công ty mới thành lập sẽ có năm ưu tiên chiến lược. Trong số này, ưu tiên hàng đầu là xây dựng danh mục hàng độc quyền với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, chuyển đổi mô hình từ bán hàng hoá sang xây dựng thương hiệu và mở rộng mạng lưới cửa hàng, chuỗi cung ứng phủ khắp cả nước. The CrownX có nhiệm vụ cắt bỏ dần các trung gian để đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng nhanh nhất, tiết kiệm chi phí mua hàng cho họ.

Với kịch bản cơ bản, ông Danny Le ước tính doanh thu của công ty này đến năm 2025 sẽ đạt 100.000-150.000 tỷ đồng và biên lợi nhuận vận hành khoảng 13%. Nếu tích cực hơn, doanh thu khi đó có thể đạt 200.000-250.000 tỷ đồng. Công ty dự kiến sở hữu khoảng 10.000 cửa hàng trực tiếp và 20.000 cửa hàng nhượng quyền để tiếp cận 30-50 triệu người tiêu dùng trung thành.

Ông Danny Le, CEO Masan chia sẻ tại phiên họp thường niên sáng 30/6. Ảnh: Quỳnh Trần.

Ông Danny Le, CEO Masan chia sẻ tại phiên họp thường niên sáng 30/6. Ảnh: Quỳnh Trần.

Ban lãnh đạo Masan cũng thông qua nghị quyết mua thêm 15% cổ phần The CrownX với giá trị tiền mặt khoảng 1 tỷ USD. Giao dịch này dự kiến được thực hiện trong quý II và quý III năm nay.

"Chúng tôi có thể tìm nhà đầu tư có nền tảng công nghệ, thành tựu nhất định về bán lẻ. Tuy nhiên, Masan sẽ luôn nắm cổ phần kiểm soát tại doanh nghiệp này", ông Danny nói, nhưng cho biết thời điểm hiện tại chưa có ý định chào bán cổ phần riêng lẻ ra công chúng (IPO).

Masan đặt mục tiêu doanh thu thuần năm nay khoảng 75.000-85.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.000-3.000 tỷ đồng. Ban lãnh đạo dự báo lợi nhuận sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm khi nhu cầu của người tiêu dùng ổn định trở lại sau dịch bệnh.

Công ty hàng tiêu dùng Masan dự kiến tăng 15% doanh thu và có lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông 4.600-4.900 tỷ đồng. Ngành thịt dự kiến đóng góp 20% doanh thu, trong khi khai khoáng và sản xuất vật liệu công nghệ cao sẽ tập trung tích hợp nền tảng kinh doanh vonfram của H.C.Starck.

Một phần lợi nhuận thu được từ các đơn vị thành viên dự kiến bù đắp cho VinCommerce khi hợp nhất doanh nghiệp này. Ban lãnh đạo Masan kỳ vọng thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao cuối năm nay sẽ đạt mức hoà vốn trong nửa cuối năm.

Theo đánh giá của ông Danny, sáp nhập VinCommerce là thương vụ có lợi cho Masan. Ông cho hay các cổ đông chiến lược, nhà đầu tư nước ngoài đều ủng hộ thương vụ này. Trước mắt, giá cổ phiếu và kết quả kinh có thể biến động nhưng khi công ty hoàn tất việc xây dựng mô hình bán lẻ hiện đại thì bắt đầu thu quả ngọt.

Phương Đông

Let's block ads! (Why?)