18 nhà máy, phần nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp, tổng công suất hơn 952 MW vận hành thương mại, phát điện lên lưới quốc gia.
Theo số liệu cập nhật từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến hết 11/8, gần 93% dự án điện tái tạo chuyển tiếp đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá, hợp đồng mua bán điện (PPA), sau hơn 3 tháng đốc thúc. Còn 6 dự án, tổng công suất gần 285 MW vẫn chưa gửi hồ sơ đàm phán giá điện đến EVN.
Trong nhóm đã gửi hồ sơ, 67 dự án (công suất gần 3.850 MW) đề nghị giá tạm bằng một nửa mức trần khung giá của Bộ Công Thương, tức 754-908 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), tùy loại nguồn điện mặt trời hay gió. EVN và chủ đầu tư đã đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 59 dự án, và 58 dự án trong số này được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm (tổng công suất hơn 3.181 MW).
Đến nay, 18 dự án hoàn thành vận hành thương mại (COD), phát điện lên lưới, tổng công suất hơn 952 MW. Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp từ thời điểm COD đến ngày 10/8 khoảng 268 triệu kWh. Mức mức huy động này tăng gần gấp đôi so với cách đây gần một tháng. Bình quân mỗi ngày, số dự án này "góp" cho hệ thống điện quốc gia khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.
Tổng công suất số dự án điện tái tạo bị chậm vận hành tiến độ là hơn 4.600 MW. Trong đó, gần 2.100 MW của 34 dự án chuyển tiếp đã hoàn thành thi công, thử nghiệm. Các dự án này không được hưởng giá ưu đãi (giá FIT) trong 20 năm và phải đàm phán giá điện với EVN theo khung phát điện của Bộ Công Thương đưa ra đầu năm nay, với giá thấp hơn 20-30% trước đây.
Bộ Công Thương từng giải thích chậm đàm phán, vận hành các dự án điện tái tạo chuyển tiếp do nhiều chủ đầu tư vi phạm các quy định pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng. Số khác chưa hoàn thiện hồ sơ để được cấp giấy phép hoạt động điện lực, nên dự án chưa đáp ứng thủ tục pháp lý.