GDP theo quý tăng trưởng âm 6,17% nhưng vẫn còn những yếu tố để tin vào kết quả tích cực hơn trong quý cuối năm.
Tổng cục Thống kê bắt đầu công bố số liệu tăng trưởng GDP theo quý từ năm 2000, trước đó, cơ quan này tính toán tăng trưởng bán niên và theo năm. Quý III năm nay, GDP được ghi nhận tăng trưởng âm, lần đầu kể từ khi công bố GDQ quý. Mức âm 6,17% cũng là con số vượt xa dự báo của nhiều nhóm phân tích.
"GDP quý III giảm sâu hơn nhiều so với dự báo đầu tháng 9 của chúng tôi, chứng tỏ tác động rất ghê gớm của dịch bệnh, nhất là vào lĩnh vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ", TS Cấn Văn Lực nói với VnExpress.
Trong dự báo trước đó, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng GDP quý III có thể giảm 2%, với khu vực dịch vụ giảm khoảng 10%. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng tương đồng với dự báo này, khi ngành dịch vụ giảm 9,28%. Tuy nhiên, chỉ tiêu khiến dự báo của nhóm phân tích BIDV thấp hơn thực tế là mức tăng trưởng âm của khu vực công nghiệp - xây dựng, so với dự báo tăng trưởng dương. Kết quả này cũng được xem là khó khăn lớn nhất của kinh tế trong ba tháng quý III.
Đợt bùng phát dịch lần thứ tư, với ảnh hưởng nặng nhất là các tỉnh Đông Nam Bộ, đã giáng đòn mạnh lên bức tranh tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp. 19 tỉnh thành phía Nam bị ảnh hưởng bởi Covid-19 bao phủ 44,4% tổng GDP của cả nước, với nhiều trọng điểm về sản xuất như TP HCM, Bình Dương.
Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Hệ thống Tài khoản Quốc gia, cho biết duy nhất Bình Phước tăng trưởng 1% trong quý III, 18/19 tỉnh còn lại đều tăng trưởng âm. Trong đó, 12/19 tỉnh Đông Nam Bộ tăng trưởng âm trên 10%, riêng TP HCM âm trên 20% trong quý III. Phía bắc, Hà Nội là thành phố duy nhất tăng trưởng âm. Đối chiếu với "bản đồ dịch" trong 3 tháng qua, đây cũng là các tỉnh đang ảnh hưởng nặng nề về dịch.
Ảnh hưởng tới kinh tế đã hiện rõ, nhưng khó khăn của khu vực công nghiệp không chỉ dừng ở những con số. Câu chuyện phía sau là sự đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy nguồn lao động và tương lai bất định về khả năng phục hồi.
Để hạn chế sự lây lan Covid-19, các địa phương đặt ra yêu cầu cao cho sản xuất, như "ba tại chỗ", "một cung đường, hai điểm đến", đồng thời giám sát chặt việc lưu thông hàng hóa. Những biện pháp này giúp kiểm soát mức độ lây lan của đại dịch, nhưng lại khiến ngành sản xuất lao đao.
97% số doanh nghiệp trên cả nước là quy mô vừa và nhỏ, với nguồn lực khiêm tốn. Trong đợt bùng phát đầu tiên, nhiều doanh nghiệp chọn cách "ngủ đông". Đến đợt hai và đợt ba, sức chống chịu bị bào mòn đến kiệt quệ. Đợt bùng phát thứ tư - với mức độ được đánh giá hơn cả ba đợt trước cộng lại - nhiều doanh nghiệp, từ tự nguyện cho tới bắt buộc, chọn cách rời khỏi thị trường.
"Giờ không gọi là nguy cơ nữa mà chuỗi cung ứng đã thực sự đứt gãy. Trong tương lai, nếu việc kiểm soát dịch không tốt, mức độ đứt gãy sẽ còn mạnh hơn nữa", ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, nhận xét.
Những con số về tình hình doanh nghiệp cũng phần nào phản ánh gam màu xám của bức tranh này. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tháng 9 giảm kỷ lục, trong khi số doanh nghiệp rời khỏi thị trường tiếp tục tăng. Bình quân mỗi tháng từ đầu năm, cứ 4 doanh nghiệp thành lập mới đồng thời có 3 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.
Việc đứt gãy trong sản xuất để lại nhiều hệ lụy, một trong số đó là khả năng thiếu hụt lao động trong tương lai. Khi các doanh nghiệp dừng sản xuất, lao động không còn việc làm. Họ chuyển nghề hoặc chọn cách rời thành phố. Đến khi hoạt động được nối lại, những doanh nghiệp này lại không còn lao động sản xuất. Hiện tình trạng này đã xuất hiện.
Hệ quả là khu vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng âm hơn 5% trong quý III - điều cũng chưa từng có trong lịch sử khi khu vực này luôn là đầu tàu kéo của kinh tế.
Động lực tăng trưởng thứ hai của kinh tế - khu vực dịch vụ - còn nghiêm trọng hơn, với tăng trưởng âm hơn 9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 giảm 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ tiêu này với quý III giảm hơn 28%.
Dragon Capital đánh giá, nếu coi giai đoạn trước khi đợt bùng phát dịch thứ tư xảy ra là 100%, thì chỉ sau ba tháng, khu vực dịch vụ giảm tới 50%. Sức cầu nội địa sụt giảm, ảnh hưởng tới khả năng tiêu thụ hàng hóa và cũng gián tiếp làm trầm trọng thêm sự đứt gãy của sản xuất.
Trong khi hai khu vực quan trọng của nền kinh tế chịu đòn giáng mạnh, nhiều động lực thay thế vẫn chưa ở đúng vị trí. Như đầu tư công, giải ngân 9 tháng đầu năm chưa tới 50% kế hoạch. So với kế hoạch Thủ tướng giao vốn đầu tư công năm nay, vẫn còn hơn 240.000 tỷ đồng chưa giải ngân. Con số được Tổng cục thống kê nhìn nhận là "thách thức" khi thời gian chỉ còn ba tháng.
Tuy nhiên, bức tranh kinh tế không chỉ toàn gam màu xám. Một trong những yếu tố quan trọng nhất, theo đánh giá của Dragon Capital, là tính ổn định của kinh tế vĩ mô vẫn được Chính phủ giữ vững bất chấp ảnh hưởng của dịch.
"Tăng trưởng quan trọng nhưng sự ổn định của kinh tế vĩ mô còn quan trọng hơn rất nhiều. Nếu kinh tế vĩ mô không ổn định, các kênh đầu tư sẽ rất thê thảm", ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Hoạch định chiến lược đầu tư Dragon Capital, bình luận.
Nếu xét về khía cạnh này, các chỉ tiêu quan trọng của kinh tế vẫn đang giữ ở mức tốt, bất chấp tác động của đại dịch.
Đầu tiên về lạm phát. Mặc dù các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá dầu tăng mạnh, CPI chỉ tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước - mức thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát lõi chỉ tăng dưới 1%.
Nếu nhìn từ vị thế kinh tế, dòng vốn FDI là một trong những chỉ báo quan trọng. Gần đây, thị trường xôn xao trước những thông tin về việc các doanh nghiệp FDI có thể rời khỏi Việt Nam, song số liệu cho thấy dòng vốn này vẫn giữ ở mức ổn định. Việt Nam vẫn đứng trong nhóm các nước thu hút FDI tốt nhất trong khu vực. Số liệu 9 tháng đầu năm với FDI cũng đã tăng trở lại so với cùng kỳ, sau ba tháng liên tiếp giảm.
Với tỷ giá, Covid-19 làm cho xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng, thâm hụt cán cân thương mại. Nhưng với dự trữ ngoại hối ở mức cao, tiền đồng vẫn giữ ổn định, thậm chí tăng giá so với đồng bạc xanh.
Một điểm sáng khác so với những lần bùng phát trước là khả năng phục hồi sau đợt dịch này cao hơn, dù mức giảm mạnh hơn, do sự thay đổi trong định hướng từ "zero Covid" sang "sống chung với Covid".
"Ảnh hưởng của đợt bùng phát Covid-19 thứ tư khiến ngành sản xuất và dịch vụ giảm rất sâu so với những lần bùng phát trước. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi sẽ nhanh hơn nhờ việc thay đổi chiến lược chống dịch", chuyên gia Lê Anh Tuấn nói.
Theo tính toán của nhóm phân tích, ngành sản xuất có thể giảm 30% so với trước khi Covid-19 bùng phát lần thứ tư, còn khu vực dịch vụ có thể giảm tới 50%. Con số này gấp nhiều lần so với mức độ ảnh hưởng trong đợt bùng phát dịch đầu năm 2020. Tuy nhiên, cả hai khu vực này sẽ phục hồi nhanh hơn so với đợt bùng phát đầu tiên, nhờ việc thay đổi chiến lược chống dịch và đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine. Trong đó, ngành sản xuất có thể vượt thời điểm trước bùng phát dịch vào quý I, còn khu vực dịch vụ sẽ trở lại vào cuối quý I - đầu quý II/2022.
Cùng quan điểm, TS Cấn Văn Lực cũng đánh giá, việc thay đổi mô hình phù hợp với tình hình thực tế sẽ là điểm then chốt cho giai đoạn cuối năm.
"Tôi cho rằng mục tiêu kép và an sinh xã hội trong bối cảnh mới với mức tăng trưởng như vậy vẫn có thể đạt được nếu như chúng ta điều chỉnh phương thức, chiến lược phòng chống dịch phù hợp hơn. Tiềm lực và sức bật, nhất là khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, là rất lớn, vốn dĩ bị kìm nén lâu nay", TS Lực nhận xét.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế 2,5% nếu quý IV tăng 5,3%, mức tăng cao hơn quý I và thấp hơn quý II. "Chúng tôi thiên về dự báo kịch bản tăng trưởng này", ông Lê Trung Hiếu cho biết. Ở trường hợp tích cực hơn, nếu GDP quý IV tăng 7,1%, tăng trưởng cả năm có thể đạt ngưỡng 3%, con số cao hơn năm trước. Khả năng này là có thể nhưng Tổng cục Thống kê thừa nhận "sẽ rất thách thức".
Minh Sơn
Trải nghiệm của bạn khi làm thủ tục hành chính, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch gần đây, như thế nào? Vui lòng tham gia khảo sát này để chia sẻ về những trải nghiệm đó, làm cơ sở tham vấn cho Chính phủ đưa ra chỉ đạo phù hợp để cải thiện thủ tục hành chính.
Khảo sát do Ban IV (Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) phối hợp với Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), các Hiệp hội thành viên Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng và Báo điện tử VnExpress thực hiện từ ngày 24/9 đến 30/09/2021.