Phương Tây lo ngại Trung Quốc sản xuất quá đà

Hàng Trung Quốc giá rẻ tràn ngập châu Âu do nước này dư thừa sản xuất khiến phương Tây lo ngại khả năng xảy ra xung đột thương mại mới với Bắc Kinh.

Nhà sản xuất tấm pin mặt trời Meyer Burger (Thụy Sĩ) nói sẽ phải đóng nhà máy ở Đức nếu chính phủ không hỗ trợ họ về tài chính, do đối mặt với cạnh tranh từ Trung Quốc. CEO Gunter Erfurt cáo buộc các đối thủ cố tình hạ giá bán ở châu Âu thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất.

"Họ có thể làm được điều này vì ngành công nghiệp năng lượng mặt trời được trợ cấp chiến lược hàng trăm tỷ USD trong nhiều năm", ông nói.

Hàng Trung Quốc giá rẻ tràn ngập châu Âu do nước này dư thừa sản xuất, đang mở ra cạnh tranh mới trong cuộc chiến thương mại của phương Tây với Bắc Kinh, sau thương chiến Mỹ - Trung vào năm 2018.

Vì vậy, Liên minh châu Âu (EU) ngày càng tăng các chính sách phòng vệ thương mại trước tác động toàn cầu của mô hình phát triển dựa vào nợ và tập trung sản xuất của Trung Quốc, theo Reuters.

Nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất xe điện tại Hợp Phì, An Huy ngày 28/8/2022. Ảnh: Reuters

Nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất xe điện tại Hợp Phì, An Huy ngày 28/8/2022. Ảnh: Reuters

Năm ngoái, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc từng lên kế hoạch biến nhu cầu trong nước thành động lực tăng trưởng mới của nước này. Điều này được cho sẽ giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thoát khỏi phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng và bất động sản.

Nhưng, nguồn lực hỗ trợ cuối cùng lại được chuyển từ bất động sản sang sản xuất, thay vì tiêu dùng hộ gia đình, làm dấy lên lo ngại về tình trạng dư thừa công suất. Đến nay, sau dư thừa sản xuất thép, nước này mở rộng sang hàng công nghệ cao, xe điện.

Pascal Lamy, cựu lãnh đạo Tổ chức Thương mại Thế giới, hiện là giáo sư Trường Kinh doanh quốc tế Trung Quốc tại châu Âu, cảnh báo cách làm của Trung Quốc sẽ dẫn đến nhiều xung đột thương mại. "Điều này không bền vững. Công suất dư thừa chắc chắn sẽ gây ra vấn đề", ông nói.

Các đối tác thương mại đang đáp trả. Washington áp thuế quan với hàng Trung Quốc và tìm cách ngăn khả năng tiếp cận chip bán dẫn công nghệ cao của Bắc Kinh. Đồng thời, Mỹ cũng tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghiệp trong nước.

Cơ quan Tình báo kinh tế dự báo năng lực sản xuất pin của Trung Quốc sẽ vượt nhu cầu gấp 4 lần vào năm 2027, bất chấp ngành công nghiệp xe điện nước này phát triển. EU vào cuộc điều tra xe điện và tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc về nguyên liệu và sản phẩm cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh. Đáp lại, Bắc Kinh điều tra chống bán phá giá với rượu mạnh của châu Âu.

Ấn Độ đã áp thuế chống bán phá giá với một số loại thép vào tháng 9/2023 và bổ sung thêm các rào cản thương mại với mặt hàng ôtô của Trung Quốc.

Michael Pettis, thành viên cấp cao tại Carnegie Trung Quốc, ước tính nếu tăng trưởng GDP của nền kinh tế thứ hai thế giới đạt 4 - 5% mỗi năm trong thập kỷ tới, tỷ trọng đầu tư toàn cầu của nước này sẽ tăng từ 33% lên 38%. Cùng đó, tỷ trọng sản xuất toàn cầu cũng tăng lên mức 36% - 39%. Điều này đồng nghĩa, các nước lớn khác sẽ bị giảm thị phần trong đầu tư và sản xuất.

"Mỹ, Ấn Độ và EU sẽ khó chấp nhận kịch bản này", Pettis nhận xét.

Hơn nữa, để duy trì mức đầu tư cao trong thập kỷ tới, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phải vay nhiều hơn, khiến tỷ lệ nợ trên GDP dự báo tăng lên 450-500%, tức gấp rưỡi hiện nay. "Thật khó để tưởng tượng rằng nền kinh tế có thể chịu đựng được mức nợ tăng đáng kể như vậy", ông nói thêm.

Một số nhà kinh tế cho rằng việc Bắc Kinh tái phân bổ nguồn lực cho lĩnh vực sản xuất chủ yếu nhằm thúc đẩy xuất khẩu theo chuỗi giá trị, thay vì chỉ bán nhiều hàng hóa hơn. Xia Qingjie, Giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh cho rằng không gì có thể ngăn cản được sự cạnh tranh ngày càng tăng.

Những nỗ lực của châu Âu và Mỹ nhằm tăng sản xuất, phát triển công nghiệp nội địa sẽ tốn kém do chi phí lao động, vốn và mất nhiều thời gian. Các biện pháp phương Tây đưa ra nhằm cố gắng hạn chế Trung Quốc tiếp cận tiến bộ công nghệ dự báo cũng không thành công, theo Xia Qingjie.

Ở chiều ngược lại, không có gì đảm bảo các chiến lược công nghiệp của Trung Quốc chắc chắn thành công, theo Giáo sư William Hurst tại Đại học Cambridge. Theo ông, nỗ lực của Bắc Kinh trong thúc đẩy các lĩnh vực như hàng không, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo chưa đủ đột phá hoặc tạo thêm việc làm.

"Nếu chiến lược này không thành công, Trung Quốc sẽ thêm nợ và nhiều rủi ro trong nền kinh tế. Ngược lại, chúng ta có nguy cơ dư thừa thêm công suất", Hurst nói. Vì vậy, ông không nghĩ rằng những thay đổi hiện tại thực sự sẽ giúp kinh tế Trung Quốc cạnh tranh hơn trên toàn cầu.

Phiên An (theo Reuters)

Adblock test (Why?)