Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu yếu đi, OPEC quyết định kéo dài chiến lược đã thực hiện 2 năm qua.
Sau cuộc họp hôm qua, các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã thống nhất kéo dài việc giảm sản xuất thêm 9 tháng nữa. Mục tiêu của họ là hỗ trợ giá dầu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu yếu đi. Dù vậy, thỏa thuận này cũng sẽ phải nhận được sự đồng ý của các nước phi OPEC, như Nga, trong cuộc họp hôm nay.
Giá dầu thô hôm qua tăng nhẹ sau thông tin này. Tuy nhiên, thị trường hiện đã quay đầu giảm do lo ngại nhu cầu đi xuống, mỗi thùng Brent sáng nay mất 0,2%, về 64,91 USD. Trong khi đó, WTI giảm 0,4%, còn 58,84 USD.
Một cơ sở khai thác dầu tại Hắc Long Giang (Trung Quốc). Ảnh: Reuters |
OPEC và các đồng minh đã giảm sản xuất từ năm 2017, với tốc độ 1,2 triệu thùng một ngày, để ngăn giá dầu lao dốc khi sản lượng từ Mỹ tăng vọt. Mỹ năm nay đã vượt Nga và Saudi Arabia để trở thành nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới.
Mỹ không phải thành viên OPEC và cũng không tham gia vào thỏa thuận kiểm soát nguồn cung này. Họ thậm chí yêu cầu Saudi Arabia tăng sản xuất để bù lại phần hụt từ Iran, sau khi trừng phạt nước này.
Trong cuộc họp báo hôm qua, Bộ trưởng Năng lượng Saudi - Khalid al-Falih cho biết, thi thoảng, OPEC và các nước đồng minh sẽ phải giảm sản xuất để tránh biến động mạnh. "Hoạt động khai thác dầu đá phiến của Mỹ rồi sẽ chạm đỉnh và đi xuống, cũng như các sự việc tương tự trước đây. Câu hỏi là bao giờ", ông nói, "Cho đến lúc đó, chúng tôi sẽ vẫn thận trọng điều chỉnh để bảo vệ kinh tế toàn cầu".
Hiện tại, Saudi Arabia sản xuất 9,7 triệu thùng dầu một ngày. Con số này của Mỹ là 12,1 triệu, tăng 1,3 triệu thùng so với năm ngoái.
Hà Thu (theo CNBC)