Vì sao đầu tư công 'có tiền không tiêu được'

Nguyên tắc giải ngân dự án đầu tư công là phải có khối lượng thực hiện nhưng khâu này tại Việt Nam lại là một chuỗi liên hoàn phức tạp.

Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ với VnExpress về những nguyên tắc và quy trình để giải ngân vốn đầu tư công vốn được thực hiện lâu nay tại Việt Nam.

- Chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành một vấn đề nhiều năm chưa giải được của Việt Nam. Vậy ông có thể mô tả làm thế nào để một dự án đầu tư công được giải ngân?

- Quy trình và điều kiện để được giải ngân với một dự án đầu tư công thực sự rất nhiều thủ tục và rất phức tạp.

Hiểu theo cách đơn giản, giải ngân vốn thường xuyên giống như thanh toán các khoản chi cố định của một gia đình, gồm chi phí ăn, ở, sinh hoạt... Giải ngân vốn đầu tư công giống như thanh toán việc xây dựng một căn nhà, phụ thuộc vào tiến độ từng hạng mục, hoàn thành hạng mục nào, thanh toán hạng mục đó, thậm chí xây xong nhà mới thanh toán. Do cần thời gian để có khối lượng thực hiện nên thường là vài tháng mới thanh toán. Vì thế giải ngân một dự án đầu tư công không thể thực hiện ngay lập tức toàn bộ dự toán.

Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Quốc Phương. Ảnh: MPI.

Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Quốc Phương. Ảnh: MPI.

Nguyên tắc này cũng xác định một trong những yếu tố quan trọng nhất là phải có khối lượng thực hiện. Tuy nhiên, công tác này là một chuỗi các thủ tục liên hoàn mà chỉ cần một khâu gặp trục trặc sẽ kéo theo cả quá trình giải ngân bị đình trệ. Muốn có khối lượng thì nhà thầu phải có hợp đồng, thi công. Muốn có hợp đồng thì phải đấu thầu. Muốn đấu thầu thì phải xong các thủ tục phê duyệt dự án, có kế hoạch vốn và giải phóng mặt bằng.... Trong cái chuỗi liên hoàn này, giải phóng mặt bằng và khâu tư vấn lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án, khâu lập kế hoạch đầu tư cho dự án là hai bước thường bị mất nhiều thời gian nhất.

- Là một trong hai cơ quan chịu trách nhiệm chính về việc giải ngân đầu tư công, ông có thể giải thích tại sao lại xảy ra tình trạng chậm giải ngân, "có tiền mà không tiêu được" như lâu nay?

- Có một thực tế là dự án càng lớn, càng khó xây dựng kế hoạch và khó trong việc giải phóng mặt bằng, đặc biệt là trong khu vực đông dân cư, ảnh hưởng đến nhiều hộ gia đình. Ví dụ: để xác định được tổng mức đầu tư dự án cũng cả là một quá trình phân tích, tính toán rất chi tiết và mất nhiều thời gian.

Lập, thẩm định, phê duyệt dự án, phê duyệt kế hoạch đã khó, việc giải phóng mặt bằng với nhiều dự án còn thách thức lớn hơn. Có nhiều vướng mắc phát sinh trong việc này, từ công tác kiểm đếm, thống kê đến xác định đối tượng, khối lượng, giá trị đền bù bảo đảm đúng, đủ theo quy định pháp luật...

Các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ quốc tế tại Việt Nam cũng đã tính toán, để chuẩn bị cho một dự án, từ khâu lên ý tưởng cho tới khi có thể khởi công được phải cần ít nhất ba năm. Điều này có nghĩa, nếu xin cấp vốn khi dự án mới ở phần ý định đầu tư thì chắc chắn có tiền sẽ không thể tiêu được.

Nút thắt của đầu tư công với giai đoạn trước chính là câu chuyện này. Quy trình xin phê duyệt đầu tư rất nhanh, dự án mới ước chừng quy mô đầu tư là đã được phê duyệt, đăng ký vào kế hoạch, xin cấp tiền. Nhưng thực tế thì sao? Không thể tiêu được tiền đó vì chúng ta chưa làm được gì, công tác chuẩn bị đầu tư, khảo sát, tính toán thiết kế chi tiết... còn phải tiếp tục làm, và chắc chắn là nếu không thể có khối lượng công việc nghiệm thu thì không thể giải ngân. Đó cũng là lý do tiền cứ treo hết năm này qua năm khác.

Chính tâm lý xin sẵn vì sợ đến lượt mình hết vốn khiến nhiều dự án chưa xong khâu chuẩn bị nhưng đã xin cấp vốn rồi mãi không thể giải ngân.

- Nhiều ý kiến quy trách nhiệm cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư trong việc chậm thực hiện và giải ngân đầu tư công, ông giải thích thế nào về điều này?

- Trong tổng thể quy trình đầu tư công, cũng có một phần trách nhiệm của Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Trước đây, chúng tôi đã từng nói với nhau, quy trình đầu tư công là "hai lên, ba xuống". Đây là số lượng những bước mà Bộ và các địa phương phải gửi qua gửi lại để xây dựng một kế hoạch đầu tư.

Ban đầu Bộ sẽ gửi hướng dẫn xuống, sau đó các địa phương sẽ tính toán để gửi lại kế hoạch đầu tư công. Bước này thường gặp vấn đề vì nhu cầu của các địa phương luôn lớn, nhưng nguồn lực của Nhà nước chỉ có hạn. Chúng tôi vì thế sẽ yêu cầu phải điều chỉnh lại. Sau khi hai bên có thể khớp nhau về con số đầu tư, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội. Sau khi Quốc hội có Nghị quyết, Bộ tiếp tục báo cáo Thủ tướng giao kế hoạch.

Xét ở khía cạnh các bước thủ tục, có khá nhiều bước được thực hiện tại Bộ Kế hoạch & Đầu tư, theo đó, đã khiến thời gian phê duyệt quá lâu, giao kế hoạch chậm, giao nhiều lần.

Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn qua TP HCM tháng 12/2019. Ảnh: Như Quỳnh.

Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn qua TP HCM tháng 12/2019. Ảnh: Như Quỳnh.

- Hiện nay, những nút thắt này đã được thay đổi ra sao?

- Ý thức rõ được những bất cập này, Bộ đã quyết tâm báo cáo Thủ tướng, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Đầu tư công. Chúng tôi thấy rằng, những bước trung gian là không cần thiết, bản chất thông tin vẫn là sự thống nhất từ cấp địa phương cho tới khi được phê duyệt.

Trong Luật Đầu tư công sửa đổi, những bước trung gian tại Bộ đã được gỡ bỏ. Chúng tôi hiểu rằng, nhu cầu của địa phương là luôn lớn hơn khả năng đáp ứng của ngân sách. Vì thế, căn cứ vào nguyên tắc phân bổ vốn, Bộ sẽ xây dựng phương án phân bổ vốn của Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, các bộ, ngành, địa phương sẽ chủ động hơn khi biết trước sẽ có bao nhiêu tiền. Khi đã có con số quy mô đầu tư, các địa phương sẽ tính toán, phân bổ chi tiết và chỉ gửi lại một lần duy nhất cho Bộ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng giao kế hoạch.

Khi phân bổ chi tiết, các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào nhu cầu, định hướng phát triển và nguyên tắc phân bổ vốn để lựa chọn thứ tự ưu tiên các dự án. Có địa cần đầu tư giao thông sẽ ưu tiên vào các dư án giao thông, có địa phương thì ưu tiên vào các dự án y tế, giáo dục. Đối với Kế hoạch hằng năm, Thủ tướng chi giao kế hoạch bằng tổng số tiền, các bộ, ngành, địa phương chủ động phân bổ và triển khai thực hiện các dự án đã đủ thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công, không mất thời gian phải gửi Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp, rồi lại giao lại như trước đây.

Luật mới cũng khắc phục được câu chuyện "trên nóng, dưới lạnh", xác định trách nhiệm với người đứng đầu. Đối với các bộ, ngành, địa phương, kế hoạch vốn là đã biết trước trong thời hạn 5 năm, vấn đề là phải chuẩn bị dự án tốt, để khi đủ thủ tục là triển khai được ngay. Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ tạo áp lực cho các bộ, ngành, địa phương trong việc lựa chọn thứ tự ưu tiên, tính toán hiệu quả, cân đối từng dự án.

- Tỷ lệ giải ngân . Tại sao tình trạng giải ngân đầu tư công hay bị dồn ứ vào cuối năm?

- Thực tế, mô hình này không phải chỉ riêng tại Việt Nam mà rất nhiều quốc gia khác cũng như vậy. Do bản chất trong đầu tư công là việc giải ngân chỉ được thực hiện khi có khối lượng công việc hoàn thành. Nhà thầu chỉ được ứng trước một phần tiền khi có hợp đồng, sau đó muốn được thanh toán thì phải có kết quả. Thông thường một hạng mục xây lắp cần khoảng 6-9 tháng để thực hiện. Vì thế nên việc giải ngân đầu tư công trong những tháng đầu năm thường ở mức thấp.

Một phần lý do của năm nay là việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn được áp dụng điều khoản chuyển tiếp, tức là có hai năm để thực hiện. Kế hoạch năm 2020 chưa giải ngân hết thì có thể chuyển sang 2021, nên tâm lý thảnh thơi vẫn còn. Tuy nhiên, với luật mới, quy luật "đầu năm thảnh thơi, cuối năm vất vả" sẽ có nhiều thay đổi.

Từ năm 2021, theo quy định, nếu bộ, ngành, địa phương nào không giải ngân hết kế hoạch vốn sẽ bị hủy dự toán, tạm hiểu là sẽ bị "cắt vốn", giảm kế hoạch. Ví dụ, nếu kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm của một đơn vị là là 5 tỷ đồng, đơn vị đó lập kế hoạch năm đầu tiên là 1 tỷ nhưng cả năm chỉ giải ngân được 800 triệu thì 200 triệu còn lại sẽ bị thu hồi, hủy dự toán. Khi bị "cắt" như vậy, tổng kế hoạch trung hạn 5 năm sẽ chỉ còn 4,8 tỷ thôi. Nói cách khác, các bộ, ngành, địa phương sẽ phải tính toán cẩn thận, lập kế hoạch hợp lý ngay từ đầu.

- Ông dự báo năm nay đầu tư công có thể thực hiện và giải ngân như thế nào và tác động gì đến tăng trưởng kinh tế?

- Với các giải pháp quyết liệt của Chính phủ đã đề ra và nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương như hiện nay, tôi rất hy vọng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm nay sẽ cao. Trong giai đoạn tới, câu chuyện "có tiền nhưng không tiêu được" sẽ dần được khắc phục, quyền chủ động của các bộ, ngành, địa phương sẽ lớn hơn nhưng đi kèm với trách nhiệm sẽ nhiều hơn.

Minh Sơn

Let's block ads! (Why?)