Hà NộiQuý II, làn sóng khách thuê trung tâm thương mại yêu cầu hạ giá 30-50% diễn ra mạnh mẽ, số mặt bằng trống tăng dần.
Theo báo cáo của Savills Hà Nội, thị trường mặt bằng bán lẻ cho thuê tại thủ đô diễn biến ảm đạm trong quý II với nhiều dấu hiệu giảm tốc rõ rệt. Hiệu suất thuê quý II yếu hơn trong quý I do ảnh hưởng trực tiếp của Covid-19 khi giá thuê trung bình tầng trệt giảm 4% theo năm. Các dự án không trực thuộc khu vực thương mại tại vị trí trung tâm chứng kiến mức độ giảm mạnh hơn cả về giá và công suất thuê.
Số lượng gian hàng trống tại các trung tâm mua sắm nhiều khả năng tiếp tục tăng trong vài tháng tới. Với giá thuê chiếm đến 50% tổng chi phí hoạt động, bán lẻ mặt phố đang bị ảnh hưởng nhiều nhất, nhà bán lẻ sở hữu cửa hàng ở cả trung tâm thương mại và mặt phố thường lựa chọn đóng cửa hàng trên phố trước tiên.
Các khách thuê gặp khó khăn đang đề xuất trợ giúp từ phía chủ nhà với các biện pháp hỗ trợ đặc biệt để vượt khó qua đại dịch. Một số đề xuất miễn phí mặt bằng khi đóng cửa do dịch bệnh và giảm 50% tiền thuê mặt bằng trong ba đến 12 tháng. Nhiều khách thuê đang đàm phán giảm chi phí một số hạng mục kinh doanh và một số khác quyết định sẽ không gia hạn hợp đồng thuê. Những khách thuê có ý định thuê đang trong giai đoạn đàm phán lại hoặc đã hoãn khâu chốt hợp đồng. Khảo sát của đơn vị này cho thấy 57% khách thuê có mong muốn giảm 50% chi phí thuê và 31% yêu cầu miễn giá thuê.
Những chủ nhà có quy mô kinh doanh lớn đã đi trước một bước khi quyết định giảm đến 50%, hoặc thậm chí miễn phí tiền thuê, gia hạn thời điểm thanh toán giá thuê, hay chuyển sang hình thức thanh toán theo tháng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, các yêu cầu như trên đã và đang được xử lý theo từng trường hợp. Những chủ nhà có quy mô nhỏ đang giữ thái độ chờ đợi, nhưng phần lớn đều có ý định giảm tiền thuê xuống khoảng 30%.
Bên cho thuê mặt bằng bán lẻ đang có chính sách hỗ trợ linh hoạt, giảm giá thuê tùy theo địa điểm và doanh thu, gia hạn thời điểm thanh toán, giảm phí dịch vụ xuống mức tối thiểu và chuyển sang thanh toán theo tháng... Trong bối cảnh này, thương mại điện tử được đánh giá sẽ bùng nổ với thị phần mở rộng sau khi khủng hoảng được kiềm tỏa hoặc kết thúc.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của của JLL cũng cho thấy lượng hấp thụ ròng của thị trường mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội tiếp tục ở mức âm trong quý II, tỷ lệ trống tăng lên 11%, cao nhất kể từ quý IV/2018. Doanh thu sụt giảm nặng cộng thêm chi phí vận hành buộc một số cửa hàng phải đóng cửa, thậm chí một vài nhãn hàng lớn cũng phải cắt giảm những chi nhánh hoạt động không hiệu quả.
Ông Lê Tuấn Bình, Trưởng bộ phận Cho thuê thương mại Savills Hà Nội cho biết, lĩnh vực bán lẻ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong quý II. Việc đưa ra quyết định thuê mới mặt bằng gần như sẽ chỉ xảy ra vào giai đoạn cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021 khi thị trường rõ ràng hơn về khả năng phục hồi.
Hiện tại, các nhà bán lẻ sẽ tập trung vào việc đàm phán lại với chủ nhà về điều kiện thuê cũng như các phương án hỗ trợ. Sau giai đoạn "bình thường mới", các mặt bằng bán lẻ đứng trước cơ hội lớn để tự điều chỉnh các chỉ số của thị trường như giá thuê và nhu cầu thuê giảm...
Theo ông Bình, từ quý III là cơ hội để các nhà bán lẻ tiếp cận với các "vị trí vàng" được chào thuê trên thị trường với mức giá hợp lý hơn trước. Giá thuê trung bình toàn thị trường mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội sẽ giảm khi các khu vực bên ngoài khu trung tâm được tiếp tục mở rộng. Các dự án dự kiến ra mắt trong năm 2020 có khả năng tiếp tục bị hoãn lại.
Trung Tín