Sức ép của Mỹ có thể tạo cơ hội cho thị trường tài chính Trung Quốc

Căng thẳng Mỹ - Trung sẽ đẩy các công ty Trung Quốc về niêm yết "gần nhà", trong bối cảnh ngày càng nhiều quỹ ngoại đổ tiền vào Bắc Kinh. 

Quốc hội Mỹ đang cân nhắc một dự luật có thể buộc các công ty Trung Quốc phải hủy niêm yết tại trên thị trường chứng khoán nước này. Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung kéo dài 2 năm qua quanh vấn đề thương mại và gần đây lan sang lĩnh vực công nghệ, tài chính.

Giữa tháng 5/2020, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu một quỹ hưu trí liên bang tạm dừng đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc. Trước đó, việc Luckin Coffee - đối thủ của Starbucks tại Trung Quốc - khai khống doanh thu và bị phát giác đầu tháng 4/2020, càng khiến Mỹ lo ngại về sự minh bạch của các công ty Trung Quốc.

"Vụ Luckin đã khiến tình hình thêm nghiêm trọng", Gary Dvorchak - CEO Blueshirt - một hãng tư vấn cho công ty Trung Quốc muốn niêm yết tại Mỹ bình luận, "Tôi đã thấy trước một viễn cảnh rất khó khăn".

Cờ Mỹ và Trung Quốc bên ngoài Sở giao dịch chứng khoán New York khi công ty QIHU niêm yết vào tháng 3/2011. Ảnh: Reuters

Cờ Mỹ và Trung Quốc bên ngoài Sở giao dịch chứng khoán New York khi QIHU niêm yết năm 2011. Ảnh: Reuters

Dù vậy, các quỹ đầu tư chứng khoán và trái phiếu quốc tế lớn trên thế giới gần đây đã bắt đầu mua tài sản của Trung Quốc sau nhiều năm quan sát. CNBC cho rằng những quỹ muốn tìm cơ hội tăng trưởng dài hạn đang ngày càng chuyển sang Trung Quốc, trước cả khi đại dịch xuất hiện.

Covid-19 xuất hiện vào cuối năm ngoái tại Vũ Hán và khiến hoạt động kinh tế ở Trung Quốc đình trệ đến giữa tháng ba. Tuy nhiên, các nhà kinh tế dự báo nước này vẫn sẽ tăng trưởng trong năm nay, trong khi các nước phát triển khác như Mỹ sẽ suy giảm. Trung Quốc hiện cũng là quê hương của một số công ty khởi nghiệp công nghệ lớn nhất thế giới.

"Ngăn nhà đầu tư tiếp cận các công ty tăng trưởng cao là một sai lầm lớn và sẽ có tác động đáng kể đối với thị trường tài chính ", Bre Brendan Aotta - Giám đốc đầu tư tại quỹ KraneShares bình luận, "Việc Hong Kong có nhiều ngân hàng đầu tư, luật sư và người giao dịch hơn sẽ có tác động thực sự đến ngành tài chính Mỹ và New York".

Báo cáo công bố vào cuối tháng 5/2020 của Fed New York cho biết cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã làm giảm 1.700 tỷ USD vốn hóa của các công ty niêm yết ở Mỹ. Tác động về đầu tư trong năm nay sẽ còn lớn hơn.

Vốn nước ngoài chảy vào Trung Quốc vẫn ổn định

Vào tháng 4/2020, tỷ lệ vốn phân bổ vào cổ phiếu Trung Quốc của hơn 800 quỹ vẫn giữ ổn định so với tháng trước. Tỷ lệ này vào khoảng 25%, tương đương 500 tỷ USD trong số 2.000 tỷ USD tài sản các quỹ này đang quản lý, theo dữ liệu của EPFR. Dữ liệu này bao gồm 9 nhóm cổ phiếu được niêm yết tại Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Mỹ và Singapore.

Việc Chính phủ Trung Quốc hạn chế dòng vốn xuyên biên giới đã gây khó khăn cho các quỹ nước ngoài muốn tiếp cận thị trường đại lục. Điều này khiến Hong Kong trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế muốn khai thác cổ phiếu công ty Trung Quốc.

Hệ thống quy định được cho là kém phát triển ở Trung Quốc cũng dẫn đến việc thị trường chứng khoán nước này bị chi phối bởi các nhà đầu tư nhỏ lẻ, có xu hướng đầu cơ hơn là đầu tư dài hạn. Trong nhiều năm, nhiều người đã gọi thị trường chứng khoán Trung Quốc là sòng bạc.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng thị trường Trung Quốc đang dần trưởng thành khi các quy định và nhiều tổ chức đầu tư trong nước dần cải thiện. Nhà đầu tư nước ngoài cũng quan tâm đến thị trường đại lục hơn. Cuối tháng 5/2020, Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến còn lần đầu tiên đưa ra cảnh báo tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào ba mã cổ phiếu đã gần đạt giới hạn 30%.

Số IPO tại Hong Kong và Trung Quốc tăng

Ngày 9/7, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) dự kiến tổ chức một buổi thảo luận để lắng nghe quan điểm các nhà đầu tư và những bên liên quan về những rủi ro khi đổ tiền vào các thị trường mới nổi như Trung Quốc. Chuyên gia về các vấn đề pháp lý nội bộ của UBS thì dự đoán cuối tháng 8, Hạ viện Mỹ sẽ thông qua luật mới liên quan đến việc niêm yết của các công ty Trung Quốc.

Khi áp lực chính trị của Mỹ tăng lên, các công ty Trung Quốc niêm yết ở New York đang nhanh chóng chuyển sang Hong Kong. NetEase đã làm niêm yết bổ sung trên sàn Hong Kong hôm qua (11/6). JD.com cũng lên kế hoạch niêm yết thêm tại Hong Kong trong vài tuần tới. "Ý tưởng niêm yết thêm ở sàn thứ hai sẽ tốt hơn nhiều so với việc chỉ rút khỏi Mỹ", James Early - CEO công ty nghiên cứu đầu tư Stansberry China đánh giá.

Các chuyên gia của UBS Securities cũng cho rằng, việc các công ty quyết định niêm yết thêm ở sàn Hong Kong bên cạnh sàn Mỹ vẫn có thể thu hút vốn từ các nhà đầu tư Mỹ có hoạt động toàn cầu.

Tuy nhiên, nhiều công ty Trung Quốc vẫn tìm kiếm cơ hội niêm yết tại New York vì lợi ích xây dựng thương hiệu và tìm kiếm nguồn vốn bên ngoài sự kiểm soát tại Trung Quốc. Ngay khi căng thẳng Washington - Bắc Kinh sôi sục, nền tảng giao hàng tạp hóa Trung Quốc Dada vẫn niêm yết trên Nasdaq tuần trước.

Chính phủ Trung Quốc muốn giữ các công ty tốt nhất được niêm yết "gần nhà" hơn. Năm ngoái, STAR Market đã lên sàn Thượng Hải chỉ vài tháng sau chỉ thị của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Cùng với đó, Hong Kong đã giúp các công ty công nghệ sinh học niêm yết dễ dàng hơn trong những năm gần đây. Sàn giao dịch chứng khoán của đặc khu này là nhà của những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Tencent và Meituan-Dianping.

Các công ty tài chính nước ngoài dần quan tâm đến Trung Quốc

Các tổ chức tài chính quốc tế đã để mắt đến Trung Quốc. Chính phủ nước này cũng đang tăng cường mở cửa ngành tài chính cho nước ngoài. Các động thái này nằm trong xu hướng kéo dài nhiều năm và cũng là một phần của thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký kết với Mỹ đầu năm na. Các nhà phê bình cho rằng Bắc Kinh cũng đã đảm bảo ngành dịch vụ tài chính của riêng mình phát triển tốt trước khi quyết định mở cửa thị trường cho người nước ngoài.

Tuy nhiên, nhiều người ngành cũng chỉ ra rằng, một số phân khúc dịch vụ tài chính vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, như bảo hiểm và quản lý tài sản. "Chúng tôi nhận thấy thị trường đang được quan tâm nhiều" Chantal Grinderslev tại hãng tư vấn đầu tư Z-Ben (Thượng Hải) cho biết, "Những khách hàng đang tìm hiểu về Trung Quốc đều nhận ra rằng, trong môi trường toàn cầu hiện nay, Trung Quốc là lựa chọn không thể thay thế", ông nói.

Trong một động thái mới nhất, Fidelity International – công ty con của gã khổng lồ quản lý tài sản Mỹ Fidelity Investment - đã thành lập một quỹ tương hỗ riêng vào tháng trước. Năm 2018, công ty đã ra mắt thỏa thuận hợp tác 5 năm với Ant Fortune, công ty con của Ant Financial.

Scully Cui - lãnh đạo phụ trách thị trường Trung Quốc của Bain cho biết ngày càng có nhiều công ty nước ngoài tìm đến thị trường Trung Quốc. "Các tổ chức tài chính nước ngoài nên hành động nhanh để tận dụng tốt nhất chính sách mở cửa này", bà nói.

Phiên An (theo CNBC)

Let's block ads! (Why?)