Không ít người tới Australia bằng thị thực du lịch nhưng hoạt động mại dâm. Đa phần đến từ các nước châu Á như Thái Lan, Trung Quốc...
Khi mặt trời lặn xuống vào ngày 13/6, ánh sáng đèn đường ở phố Pitt trong trung tâm Sydney sẽ rực rỡ trở lại sau những ngày dài thành phố phong tỏa vì dịch bệnh, kể từ tháng ba.
Những bảng hiệu quảng cáo "massage" bật sáng và các cửa tiệm massage sẽ mở cửa trở lại, để kinh doanh theo chính sách ba bước nới lỏng phong tỏa của chính phủ Australia.
Jules Kim, 45 tuổi, một lao động tình dục gốc Hàn Quốc đồng thời là giám đốc điều hành của Scarlet Alliance, tổ chức ủng hộ người bán dâm, chỉ ra rằng các gái mại dâm ở Australia không đủ điều kiện nhận trợ cấp của chính phủ. Vì thế nhiều người không có thu nhập hàng tháng dài.
"Nhiều lao động di cư đã đóng góp cho cộng đồng nhưng lực lượng đó không đủ điều kiện để được hỗ trợ", cô nói. Trong ngành công nghiệp phụ thuộc vào sự tiếp xúc cá nhân này, các dịch vụ thường "đẩy đưa" tới các vấn đề tình dục, nên các cửa tiệm massage có thể trở thành điểm nóng của Covid-19, bệnh hô hấp và các căn bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Để hạn chế sự lây lan của Covid-19, bang New South Wales đã ban lệnh đóng cửa đối với một số loại hình kinh doanh, bao gồm massage, từ 25/3. Một ngày sau, cảnh sát đã buộc tội người quản lý và ba nhân viên của DOS Massage trên phố Sussex, gần khu phố người Hoa ở Sydney, vì vi phạm những quy định. Họ bị phạt từ 700 – 3.500 USD.
Scarlet Alliance và các tổ chức ủng hộ lao động tình dục khác trên khắp Australia đã phản ứng với hành động của cảnh sát. "Những người hành nghề mại dâm luôn nhận thức được tầm quan trọng của giãn cách xã hội và các biện pháp cần thiết khác để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Nhưng chúng tôi không thể bị buộc phải lựa chọn giữa bị phạt hoặc khiến gia đình và chính chúng tôi trở thành người vô gia cư, đói khát", Cameron Cox, giám đốc điều hành dự án tiếp cận lao động tình dục, bình luận.
Đối với những người ủng hộ, dường như không có nhiều thay đổi. 45 năm trước cũng trong tháng này, 100 gái mại dâm đã ẩn náu trong nhà thờ Saint-Nizier ở Lyon, Pháp, để phản đối điều kiện làm việc tồi tệ và nạn bóc lột. Một tuần sau, cảnh sát đột kích nhà thờ, làm dấy lên phong trào bảo vệ ngành công nghiệp tình dục quốc gia – sự kiện được lấy làm Ngày quốc tế lao động tình dục vào 2/6.
Rachel Reilly, giám đốc điều hành Dự án Tôn trọng, một tổ chức ở Melbourne chuyên bảo vệ phụ nữ bị buôn bán và bóc lột tình dục, nhận định ngành công nghiệp massage là khu vực màu xám của những người lao động. Các cửa tiệm massage ở Sydney, nơi hầu hết các hoạt động kinh doanh đều được giao dịch bằng tiền mặt, là trọng tâm của báo cáo nghiên cứu vào tháng 12 được thực hiện bởi tổ chức phi lợi nhuận BaptistCare HopeStreet.
BaptistCare đã khảo sát hơn 100 phụ nữ, phỏng vấn họ bằng tiếng Trung, Thái và Anh. Nghiên cứu phân loại các địa điểm hoạt động mại dâm giá thấp là các cửa tiệm massage và nhà thổ không có giấy phép, nơi phụ nữ kiếm được ít hơn 20% đến 50% so với những người hoạt động tại các nhà chứa được cấp phép (không rõ số tiền được trả).
Reilly cho rằng, "Với một cửa tiệm massage, việc thành lập giống bất kỳ cửa hàng nào khác, không có quy định hay cấp phép nào. Việc thiếu giấy phép cho các cửa tiệm massage tạo kẽ hở cho những phụ nữ làm việc trong đó. Chúng tôi thấy rất nhiều điều như vậy trên các diễn đàn trực tuyến, khi đàn ông nói về chuyện ép buộc gái mại dâm không sử dụng bao cao su".
Hai phần ba phụ nữ ở Sydney được BaptistCare khảo sát cho biết, khách hàng luôn sử dụng bao cao su và 23% cho rằng nơi làm việc cung cấp cho họ. Ở New South Wales, sử dụng bao cao su là bắt buộc trong các hoạt động mại dâm.
"Các nhà thổ có giấy phép có tỷ lệ sử dụng bao cao su cao vì được cung cấp, tuy nhiên chúng tôi thấy những trường hợp phụ nữ mang thai mà vẫn phải làm việc", Reilly nói. Cuộc cạnh tranh tại các cửa tiệm massage giá rẻ hoạt động trái phép có thể dẫn tới các hành vi cưỡng ép ở các nhà chứa có giấy phép, cô nói thêm.
Một báo cáo của Viện Tội phạm học Australia (AIC) được công bố vào 2015 ước tính có khoảng 20.000 gái mại dâm ở nước này; 40% làm việc tự do còn 60% làm cho các công ty. AIC cho rằng hầu hết gái mại dâm ở Sydney là người gốc Thái hoặc Trung, số người Hàn gia nhập ngành này ngày càng tăng.
Những người di cư cũng có nhiều khả năng trở thành lao động tình dục hơn những người không di cư làm việc trong một cửa tiệm massage ở Australia. 8 trên 10 người bán dâm được BaptistCare phỏng vấn có nguồn gốc Trung Quốc, trong khi đó 6 trong số 10 phụ nữ mà Dự án Tôn trọng hỗ trợ là người di cư.
"Các hình mẫu đang thay đổi nhưng nói chung đa số họ đến từ các nước Đông Nam Á như Thái, Malaysia và Việt Nam", Reilly nói.
93% những phụ nữ được BaptistCare phỏng vấn nhập cảnh Australia theo thị thực du lịch, sinh viên và lao động nhập cư. Reilly nói những lao động như thế này thường không có quốc tịch Australia hoặc thường trú nhân, họ dễ dàng bị chủ bóc lột hơn. Nếu làm những gì vượt quá sự cho phép trong thị thực, họ sẽ bị trục xuất và cả chịu hậu quả pháp lý, do đó người lao động khó đòi hỏi quyền lợi nếu bị ép buộc.
Ngành công nghiệp tình dục tai tiếng vì những hợp đồng giả. 88% phụ nữ trong khảo sát của BaptistCare cho biết họ không có hợp đồng lao động chính thức. Một công dân Nhật Bản, làm việc ở một cửa tiệm massage ở bờ biển phía bắc Sydney, nơi một số nhân viên có phục vụ mại dâm, nói rằng cô đã không có việc làm kể từ khi cơ sở đóng cửa vào tháng 3. Cô mới khoảng 20 tuổi và ở Australia theo một thị thực lao động trong kỳ nghỉ.
"Một trong những vấn đề lớn trong ngành công nghiệp tình dục, dù có cấp phép hay không, thì thực tế phụ nữ tham gia với tư cách độc lập. Vì vậy họ không được trả lương tháng hay theo giờ, mà theo dịch vụ. Vì ‘hợp đồng độc lập’ nên họ có thể ở trong nhà thổ 8 giờ mỗi ngày. Đó là môi trường của dịch vụ dùng tiền mặt", Reilly nói.
Cô cho rằng, trách nhiệm đối với việc kiểm soát các cửa tiệm massage không có giấy phép không rõ ràng. Tại Victoria, chính quyền bang nói đó là vấn đề của cảnh sát, cảnh sát lại cho đó là chuyện của hội đồng địa phương có liên quan, và các hội đồng lại đổ trách nhiệm về chính quyền bang.
Jules Kim bắt đầu ủng hộ quyền của người bán dâm khi còn là sinh viên đại học và cô đã tham gia một chương trình tiếp cận người di cư. Kim cho rằng những nghiên cứu của BaptistCare thường là con dao hai lưỡi đối với người bán dâm di cư, các báo cáo thường mâu thuẫn và nhầm lẫn dữ liệu.
"Chúng tôi biết rằng những người di cư phải đối mặt với nguy cơ cao, nhưng phụ nữ trong các báo cáo này xuất hiện như những trường hợp phân biệt chủng tộc", cô nói.
Xã hội Australia thích thú với những câu chuyện về người di cư, nô lệ và nợ nần, và không thừa nhận những lao động tình dục tham gia vào ngành công nghiệp của họ, Kim nói.
"Đại dịch đã làm rõ hơn những bất bình đẳng đang tồn tại trong xã hội của chúng ta và chúng tôi lo ngại đã có sự kỳ thị với những nhân viên massage đến từ Đông Nam Á, chỉ với lý do Covid-19 xuất hiện từ châu Á", Kim nói thêm.
Vi Nguyễn (Theo SCMP)
Xem thêm