Áp lực đầu tàu kinh tế của TP HCM trong đại dịch

7 rưỡi tối, buổi tọa đàm giữa lãnh đạo TP HCM và các doanh nghiệp vẫn chưa thể dừng. Thành phố này vừa có một quý tăng trưởng thấp nhất 34 năm.

Tổng sản phẩm (GRDP) của thành phố quý đầu năm đạt trên 335.680 tỷ đồng, tăng 0,42% so với năm trước và là mức thấp nhất từ thời kỳ Đổi mới (1986) đến nay. Với một đầu tàu kinh tế như TP HCM, đây là kết quả đáng thất vọng khi chênh lệch lớn so với tăng trưởng GDP cả nước (tăng 3,82%), bất kể có lý do lớn từ đại dịch Covid-19.

Tại cuộc tọa đàm với doanh nghiệp, chuyên gia kéo dài cả ngày hôm qua (5/5) để bàn cách khôi phục kinh tế, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định, thách thức nào TP HCM vẫn phải giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế.

"Tôi đã ghi băng tất cả", ông Phong nói và khẳng định sẽ nghe lại tất cả những ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia để phân bổ cho các sở ngành giải quyết. 

Cũng chính bởi áp lực "đầu tàu kinh tế", theo các chuyên gia, kinh tế TP HCM càng bị ảnh hưởng mạnh bởi Covid-19. Tiến sĩ Trần Du Lịch nói "không bất ngờ" với kết quả GRDP và các chỉ tiêu quý I. Ông lý giải, chính vì là cửa ngõ giao thương quan trọng bậc nhất nên mức tăng hoặc giảm bởi tác động bên ngoài mạnh hơn các địa phương khác. Điều này được chứng minh qua nhiều giai đoạn trong quá khứ như khủng hoàng tài chính năm 1997, Luật Doanh nghiệp mới có hiệu lực năm 2000...

Nhiều chuyên gia khác cũng đồng quan điểm kinh tế thành phố ì ạch vì thực hiện phòng chống dịch quyết liệt. Khu vực nông nghiệp, công nghiệp – xây dựng vẫn nhích lên do mới chịu tác động một phần. Trong khi đó, các doanh nghiệp dịch vụ đóng góp hơn 60% trong cơ cấu GRDP thì gần như tê liệt, thậm chí một số có dấu hiệu phá sản.

"Việc thực hiện nghiêm chỉ đạo về phòng chống dịch, giãn cách xã hội đã ảnh hưởng ghê gớm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế", ông Phong nhấn mạnh.

Ông Phong cho rằng trong bối cảnh này, một số lĩnh vực vận động theo mô hình chữ V - xuống nhanh nhưng cũng trỗi dậy mạnh nếu có chính sách kịp thời. Ngược lại, một số ngành hồi phục theo mô hình chữ U, chữ L vì độ trễ nhất định là bình thường.

Điều đáng ghi nhận là vị thế của thành phố trong nền kinh tế cả nước vẫn không suy giảm, mà ngược lại còn tăng 2-3% so với giai đoạn bình thường. TP HCM chiếm hơn 28% trong cơ cấu GRDP cả nước, trong khi các quý trước đây dao động quanh 24-25%.

Tuy nhiên, tăng trưởng thấp kỷ lục khiến câu hỏi "nền kinh tế đang lúng túng, không đủ sức chống chọi với dịch bệnh" được đưa ra mổ xẻ. Câu hỏi này cấp thiết hơn khi 97% doanh nghiệp có quy mô vốn vừa, nhỏ và siêu nhỏ nhiều khả năng không trụ được qua "cơn bão lớn" trước khi nền kinh tế trở lại bình thường. Điều này càng có căn cứ khi theo Cục Thống kê, hơn 4.300 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động có thời hạn trong ba tháng đầu năm, tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ.

Việc ngăn doanh nghiệp phá sản, được đánh giá, là một trong những thách thức cần giải quyết tức thì. Rất nhiều doanh nghiệp đang "đóng băng" vì chưa thể tiếp cận hoặc tiếp cận nhưng không thể đáp ứng điều kiện của các gói hỗ trợ của thành phố và Chính phủ. Kết quả khảo sát nhanh của Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM ghi nhận 58% biết chính sách tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn nhưng chỉ 17% đã tiếp cận.

Theo quy định, doanh nghiệp được tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất trong 12 tháng nếu dịch bệnh khiến 50% lao động mất việc hoặc thiệt hại 50% giá trị tài sản. Tuy nhiên, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP HCM cho rằng, quy định không sát thực tế và khiến doanh nghiệp chờ đợi mòn mỏi.

"Chỉ cần giảm 20% lao động đã lên đến hàng chục ngàn người, đồng nghĩa doanh nghiệp chết "lâm sàng". Quy định đợi đến cắt giảm phân nửa thì không còn doanh nghiệp nào để nhận hỗ trợ nữa. Chưa kể chứng minh thiệt hại cũng vô cùng phức tạp và có thể mất đến vài năm", bà Chi nói.

Công nhân bốc vác hàng trong chợ đầu mối Bình Điền. Ảnh: Hữu Khoa.

Công nhân bốc vác hàng trong chợ đầu mối Bình Điền. Ảnh: Hữu Khoa.

Các chỉ báo tiêu cực cũng là cơ sở để lãnh đạo TP HCM băn khoăn giải pháp nào hiệu quả và phù hợp nhất để đảm bảo mục tiêu kép: đảm bảo an sinh xã hội, chống làn sóng dịch tái bùng phát nhưng vẫn khôi phục kinh tế.

Theo TS Trần Du Lịch, TP HCM cần phải xác định mức độ mở cửa trở lại hoạt động kinh tế trong giai đoạn bình thường mới. Thời điểm khác nhau nên mức độ ưu tiên của mục tiêu kép cũng cần khác nhau. "Đây là lúc những biện pháp phòng dịch không còn là nhân tố cản trở hay hạn chế hoạt động kinh tế, dù quy mô thu hẹp", ông gợi ý.

Ông đồng quan điểm với Bí thư TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, là thành phố phải dự báo kịp thời và phối hợp với các đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa kinh tế vào từng thời điểm phù hợp từ nay đến cuối năm. Điều này là tiền đề để tiếp tục gỡ các nút thắt cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy và vực dậy sức mua của người dân.

Lãnh đạo TP HCM cũng cho hay sẽ giải ngân sớm các gói hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, sau đó hậu kiểm để tránh chảy máu nguồn nhân lực. Doanh nghiệp kê khai số tiền thiếu để trả công nhân và cam kết với thành phố. Nếu hậu kiểm phát hiện sai sót, doanh nghiệp trả lại ngân sách kèm theo tiền lãi.

UBND thành phố cũng yêu cầu các sở ngành như công thương, ngân hàng, thuế... hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Đơn cử, ngân hàng đưa gói vay ưu đãi hơn 274.000 tỷ đồng để đảm bảo không thiếu dòng vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Còn Cục Thuế khoanh các khoản nợ thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp, thuế đất hơn 40.000 tỷ đồng và không gây áp lực cho tổ chức nộp thuế.

Phương Đông

Let's block ads! (Why?)