Doanh nghiệp nhựa Việt nguy cơ bị 'mượn xuất xứ'

Hiệp hội Nhựa cảnh báo nguy cơ doanh nghiệp nội bị nhóm FDI mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi.

Chia sẻ tại buổi tổng kết năm 2019 của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch VPA cho biết, doanh nghiệp hội viên có nguy cơ bị doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mượn xuất xứ Việt Nam để xuất nhựa sang các thị trường khác nhằm hưởng ưu đãi từ các hiệp định thương mại. Bởi, nhập khẩu sản phẩm nhựa bán thành phẩm vào Việt Nam đã tăng trên 20% trong năm 2019. Nếu để bị "lợi dụng", Việt Nam có nguy cơ bị kiện phá giá tăng cao.

Do đó, theo ông Lam, doanh nghiệp trong nước cần chủ động kiểm soát thông báo đến VPA cùng cơ quan chức năng khi phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển tải bất hợp pháp từ việc "mượn" C/O từ Việt Nam để xuất khẩu.

Doanh nghiệp nhựa có nguy cơ bị lợi dụng xuất xứ. Ảnh: DNSG.

Doanh nghiệp nhựa có nguy cơ bị lợi dụng xuất xứ. Ảnh: DNSG.

Tuy nhiên, điểm thuận lợi với ngành là gần đây, Chính phủ đã đồng ý kiến nghị của Bộ Tài chính về việc không tăng thuế nhập khẩu nguyên liệu nhựa PP (hạt nhựa) lên 5% mà vẫn giữ mức thuế 3% đến năm 2022.

Theo số liệu của VPA, năm 2019, ngành nhựa vẫn duy trì được sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu. Về góc độ cạnh tranh, các doanh nghiệp nhựa Việt Nam hiện vẫn bị lép vế do nguyên liệu sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng khoảng 15-35% nhu cầu cho các chủng loại nguyên liệu nhựa khác nhau, 85% còn lại đang phụ thuộc vào nhập khẩu. Bên cạnh đó, số lượng mẫu mã, chủng loại sản phẩm còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng.

Năm 2019, ước tính sản lượng ngành đạt 8,89 triệu tấn, tăng 7,2% so với 2018. Trong đó, sản xuất nhựa bao bì chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu giá trị của ngành là 35%, nhựa xây dựng - gia dụng kỹ thuật lần lượt chiếm 24%, 22% và 19%.

Xuất khẩu nhựa vẫn tiếp tục tăng trưởng 12,2%, tương ứng 3,4 tỷ USD. Kéo theo, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 4,7 tỷ USD, tăng 17% so với 2018. 

Ngành nhựa Việt Nam đang chững lại nhưng theo BMI có thể duy trì tăng trưởng ở mức 6,5% trong 2019-2023. Tăng trưởng của mảng thực phẩm và đồ uống ở mức hai con số giúp mảng nhựa bao bì phát triển, xây dựng nhà ở, hạ tầng vẫn tăng 6-7%, tạo động lực tăng trưởng cho mảng nhựa xây dựng. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, xu hướng sử dụng sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường cũng là thách thức.

Hiệp hội nhựa dự báo, kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất cập và rủi ro, đặc biệt khi bất ổn của chính sách thương mại với những động thái từ Mỹ; đàm phán giữa EU và Anh mới chỉ bắt đầu và dự báo rất khó khăn.

Thi Hà

Let's block ads! (Why?)