Facebook đang đối mặt cuộc khủng hoảng lớn mà CNBC gọi là "một phép thử lớn chưa từng có" liên quan tới dữ liệu người dùng. Facebook đã để Công ty truyền thông Cambridge Analytica tiếp cận trái phép dữ liệu của 50 triệu người dùng Mỹ trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2016.
Vấn đề đáng báo động nhất trong vụ bê bối liên quan đến Cambridge Analytica là hãng truyền thông này không vi phạm quy định nào cả. Mọi việc xảy ra đều phù hợp với chính sách của Facebook.
Facebook đang gặp rắc rối vì scandal liên quan đến dữ liệu người dùng. Ảnh: AFP. |
Vụ bê bối này làm nổi lên một vấn đề trong cách kinh doanh khai thác dữ liệu người dùng của Facebook. Doanh nghiệp này kiếm tiền bằng cách thu thập dữ liệu của người dùng và bán chúng lại cho các nhà phát triển ứng dụng, quảng cáo.
Vì vậy, người dùng hầu như không thể ngăn chặn dữ liệu cá nhân được mua bán cho bên thứ ba và cũng không xác định được mục đích sử dụng của họ là gì.
Aleksandr Kogan – Giáo sư Đại học Cambridge truy cập dữ liệu của hơn 50 triệu người dùng Facebook bằng cách tạo ra một cuộc khảo sát được thực hiện bởi 270.000 người. Facebook đã cung cấp cho Kogan dữ liệu của bất kỳ ai tham gia khảo sát, cũng như dữ liệu của bạn bè họ. Trong một thông báo, Facebook cho biết: “Kogan tiếp cận các dữ liệu này một cách hợp pháp và thông qua các kênh thích hợp được quản lý bởi các nhà phát triển trên Facebook thời điểm đó”.
Kogan chỉ vi phạm chính sách của Facebook khi bán dữ liệu người dùng cho bên thứ ba, bao gồm Cambridge Analytica – hãng nghiên cứu dữ liệu do cựu trợ lý của Tổng thống Trump –Steve Bannon và nhà tài trợ Robert Mercer vận hành.
Tuy nhiên, ngay cả Facebook cũng thừa nhận với CNN rằng không thể giám sát các nhà phát triển và quảng cáo sử dụng dữ liệu người dùng. Điều này giống như việc bạn bán thuốc lá cho ai đó và nói không được đưa nó cho bạn của họ.
Sự giới hạn trong khả năng giám sát dữ liệu của Facebook càng được thể hiện rõ trong việc Giáo sư Kogan bán dữ liệu cho bên thứ ba. Facebook cho biết, phát hiện ra vi phạm này từ năm 2015. Sau đó, tất cả các bên đều khẳng định dữ liệu đã bị hủy. Tuy nhiên, chỉ vài ngày trước, Facebook lại thông báo “không phải toàn bộ dữ liệu đã được xóa bỏ”.
“Bảo vệ thông tin người dùng là trọng tâm của mọi việc chúng tôi làm”, Paul Grewal đại diện pháp lý của Facebook cho hay. Đây dường như là một lời bào chữa khó để công chúng chấp nhận về việc Facebook đang kinh doanh bằng cách cung cấp thông tin người dùng cho các bên khác mà không rõ mục đích sử dụng cuối cùng.
Mark Zuckberg mất 5 tỷ USD sau phiên giao dịch hôm qua vì bê bối của Facebook. Ảnh: Time. |
Facebook cho biết họ giúp người dùng quản lý tốt hơn thông tin cá nhân đã chia sẻ với các nhà phát triển ứng dụng và quảng cáo từ năm 2014. Tuy nhiên, các biện pháp này cũng không thể đảm rằng một số người vẫn có thể sử dụng dữ liệu Facebook và bán nó cho bên thứ ba.
Trong khi đó, tại Quốc hội Mỹ, cuộc bàn luận của cơ quan quản lý đang nóng hơn. Các nhà lập pháp đang tìm kiếm biện pháp quản lý mạnh mẽ hơn họ từng làm khi phát hiện Nga có can thiệp đến kết quả cuộc bầu cử năm 2016, một nguồn tin từ Quốc hội chia sẻ với CNN.
Thượng nghị sỹ Amy Klobuchar đã kêu gọi Zuckerberg xuất hiện trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện để giải trình về việc Facebook để lộ thông tin 50 triệu người dùng Mỹ làm mục tiêu cho các quảng cáo chính trị và vận động cử tri.
Tuy nhiên, Zuckerberg và ban lãnh đạo Facebook vẫn chưa có động thái nào. Họ để lại nhiệm vụ phát ngôn cho Grewal – một luật sư. Không ai đưa ra lời giải thích đầy đủ tại sao Facebook không công bố vi phạm của Kogan từ lúc đơn vị này phát hiện năm 2015.
“Chúng tôi đang kiểm tra toàn diện cả ở bên trong và bên ngoài để xác định tính chính xác của thông tin các dữ liệu Facebook vẫn chưa bị xóa. Chúng tôi cam kết thực hiện mạnh mẽ các chính sách bảo vệ thông tin người dùng”, Grewal nói.
Scandal trên đến vào thời điểm Facebook đang phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi về sức hấp dẫn của nền tảng này, ít nhất là tại Mỹ. Số người dùng hàng ngày tại Mỹ đạt khoảng 184 triệu – mức sụt giảm so với quý trước. eMarketer ước tính Facebook mất 2,8 triệu người dùng dưới 25 tuổi năm ngoái và giảm thêm 2 triệu người năm nay.
Vụ bê bối liên quan đến Cambridge Analytica có thể đẩy nhanh tốc độ chán Facebook của người dùng. Mạng xã hội ngày càng dễ bị thao túng bởi các tổ chức chính trị, chính phủ… Cuối cùng, thủ phạm trong vụ bê bối để lộ thông tin này trong mắt công chúng Mỹ không phải Cambridge Analytica hay Nga mà chính là Facebook.
Anh Tú(theo CNN)