Đà tăng giá chóng mặt của Bitcoin năm ngoái là sức hấp dẫn khó cưỡng với rất nhiều người. Giới trẻ ở châu Phi cũng không phải ngoại lệ. Cũng như những người trẻ khác thuộc tầng lớp trung lưu ở Kampala (Uganda), Peace Akware (30 tuổi) luôn mang theo smartphone và ví điện tử. "Tôi xem giá Bitcoin mỗi ngày, vào bất kỳ lúc nào rảnh rỗi, nói chung là nhiều nhất có thể", cô cho biết.
Peace Akware muốn mua ôtô từ việc giao dịch Bitcoin. Ảnh: BBC |
Tìm một công việc ở đây chẳng khác nào chơi xổ số. Vì thế, các sinh viên tốt nghiệp đại học tại Uganda đều phải tìm việc làm thêm. Peace từng bán quần áo và tham gia cho vay nữa. Nhưng cả hai đều thất bại.
Mua các loại tiền ảo như Bitcoin hấp dẫn với cô, vì đòi hỏi ít thời gian và không có chi phí ban đầu. Cô đã bỏ hơn 1.000 USD để mua Bitcoin. Đến nay, canh bạc này đã cho lời lớn. "Anh biết đấy, Bitcoin vẫn còn tiềm năng tăng nữa. Tôi muốn mua ôtô, mua đất và gây dựng tài sản bằng Bitcoin", cô nói.
Joachim Ndhokero tốt nghiệp một trường kinh tế, nhưng đến giờ vẫn thất nghiệp. Cha anh khuyến khích con theo học một số khóa về tiền ảo để kiếm tiền. Tuy nhiên, việc này chưa bao giờ dễ dàng.
Anh đã mất hơn 900 USD vì một giao dịch sai lầm. Trước đó, anh còn lãi 200 USD. Rồi Ndhokero đi xem phim rạp, và mất hết.
Joachim Ndhokero mất số tiền lớn khi đầu tư vào Bitcoin. Ảnh: BBC |
"Tôi nghĩ nó chỉ xảy ra trong 2 giờ thôi. Ngày hôm đó, tôi học được rằng với tiền ảo, biến động càng lớn, thua lỗ càng dễ. Một khi đã lỗ, là lỗ rất lớn", anh nói.
Lời khuyên của các chuyên gia ở đây là "chỉ tham gia khi bạn đủ khả năng tài chính để chịu lỗ".
Martin Serugga là một chuyên gia giao dịch tiền tệ tại Kampala. Anh cũng cảnh báo mọi người thận trọng, vì thiếu hiểu biết về các công cụ tài chính mới có thể khiến mọi người dễ bị tội phạm lừa tiền.
Anh đã mở các lớp học hàng tuần, dạy khoảng hơn 50 người về tiền ảo và cách giao dịch. Serugga cho rằng tình trạng thất nghiệp cao trong giới trẻ Uganda đã khiến Bitcoin và các sản phẩm khác được quan tâm. "Nếu anh không có việc làm ở nhà máy, không có việc ở văn phòng để đáp ứng hàng nghìn người trẻ tốt nghiệp, đây là phương án thay thế", anh nói.
Lớp của Serugga có số học viên nam và nữ tương đương nhau, đa phần là người trẻ. Họ tụ tập tại một quán cà phê để học về thị trường tài chính, với máy chiếu, số liệu và biểu đồ. Ndhokero cũng tham gia lớp này.
Lớp học về tiền kỹ thuật số của Martin Serugga. Ảnh: BBC |
Dĩ nhiên, không phải chỉ những người muốn giàu nhanh mới tìm đến Bitcoin. Ở một số quốc gia châu Phi khác, đặc biệt là những trung tâm thương mại, như Lagos, Nairobi và Johannesburg, ngày càng nhiều người coi tiền ảo là giải pháp chi phí thấp cho một hoạt động đắt đỏ - chuyển tiền xuyên biên giới.
Với các công ty chuyển tiền truyền thống, như Western Union, nội tệ sẽ được chuyển sang USD. Khi đến tay người nhận, nó lại được chuyển về nội tệ. Quá trình này có thể khiến bạn mất kha khá tiền.
Nền tảng công nghệ Bitpesa thì thay USD bằng Bitcoin. Cách này rẻ hơn, đặc biệt tại những nơi thiếu hoặc hạn chế sử dụng USD. Nó cũng nhanh hơn, do không phải thông qua quá trình chấp thuận phức tạp của các ngân hàng.
Elizabeth Rossiello là CEO Bitpesa. Kể cả người am hiểu cách thức vận hành của giới tài chính như cô cũng cảm thấy bực bội với ngân hàng truyền thống.
"Tôi đã ở Nairobi cả tháng qua và có 3 việc lớn cần làm với ngân hàng. Cả ba việc này, với 3 ngân hàng khác nhau đều bị hủy vì những lý do khác nhau, hoặc bị hoãn, hoặc cần thêm thông tin. Tôi là một chuyên gia, nhưng cũng mất tới gần 2,5 tuần cho một giao dịch", cô nói.
Bitpesa đã hoạt động 4 năm nay và có hơn 6.000 khách hàng tại châu Phi. Tuy nhiên, họ chỉ tập trung vào những khoản lớn, như trả tiền cho nhà cung cấp tại Trung Quốc hoặc cho nhân viên nước khác.
Tại Nigeria, Chính phủ kiểm soát rất chặt việc sử dụng USD. Bitcoin đã giúp các doanh nghiệp dễ dàng chuyển tiền ra nước ngoài. Còn ở những nơi bất ổn chính trị và kinh tế như Zimbabwe, Bitcoin cũng trở thành công cụ tích trữ giá trị, mua hàng hóa từ nước ngoài và chuyển tiền.
Rất nhiều ngân hàng trung ương tỏ ra nghi ngờ về tiền kỹ thuật số. Nigeria, Kenya và Uganda đều đã phát cảnh báo về việc tham gia vào thị trường mới, chưa được quản lý này. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Kenya còn cho rằng tiền kỹ thuật số chẳng khác nào mô hình lừa đảo Ponzi, vì giá trị biến động quá lớn.
Dù vậy, Bitcoin vẫn được đánh giá là có thể thay đổi châu Phi, nhờ công nghệ khối chuỗi đằng sau nó. "Nếu các nhà phát triển, doanh nhân và Chính phủ có thể tận dụng khối chuỗi, họ sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề, như nhiều người chưa có tài khoản ngân hàng, vấn đề về nhận diện kỹ thuật số, hệ thống bỏ phiếu", Neil Blazevic - một chuyên gia an ninh số cho biết.
Akware là một ví dụ về khả năng tận dụng triệt để cuộc cách mạng di động tại châu Phi. Cô vẫn thường xuyên theo dõi ví điện tử và hiểu rằng giá Bitcoin có thể lao dốc bất kỳ lúc nào.
Nếu thất bại, có lẽ cô sẽ làm lại từ đầu với một dự án mới. Nhưng hiện tại, cô vẫn đang kiên trì, hy vọng sẽ mua được chiếc xe đầu tiên sau 2 tháng nữa.
Hà Thu(theo BBC)