Theo một nghiên cứu của Viện Statistic Brain (Mỹ), chỉ 9% những người mà tổ chức này khảo sát từng đặt mục tiêu trong tháng Giêng và thật sự đạt được nó khi kết thúc năm. Do vậy, đề ra mục tiêu là một chuyện nhưng để nó trở thành sự thật thì cần thêm những bước cụ thể.
Mỗi lần chỉ tập trung một mục tiêu
Bạn không cần đặt mục tiêu to tát. Chỉ cần đặt mục tiêu nhỏ nhưng đào sâu thì sẽ dễ dàng thành công hơn. Để dễ hiểu, hãy liên tưởng đến chiếc bánh xe đạp. Phần trục ở giữa chính là mục tiêu. Còn các nan hoa chính là các cách để đạt được mục tiêu đó.
Ví dụ bạn muốn tối đa hóa khoản tiết kiệm về hưu thì số tiền bạn đề ra là phần trục. Trong khi đó, có rất nhiều nan hoa như: giảm ăn ngoài, tìm việc làm thêm, hạn chế tiêu vặt hay bỏ truyền hình cáp... Nếu tập trung hết năng lượng vào nó thì bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình hoàn thành mục tiêu dễ thế nào.
Phân biệt giữa mục tiêu và ước mơ
Mục tiêu mà không cụ thể và không có kế hoạch thực hiện thì nó chỉ là ước mơ. Do vậy, bạn cần phải thách thức bản thân bằng cách chi tiết hóa mục tiêu.
Ví dụ, thay vì nói "tôi muốn kiếm thêm nhiều tiền hơn vào năm nay" thì bạn cần nói "tôi sẽ dư thêm 100 triệu đồng vào đầu tháng 7 tới. Hay như "tôi sẽ trả hết nợ" thì nên tự hạ quyết tâm "tôi sẽ không còn nợ 50 triệu đồng vào cuối tháng 9". Bằng cách nêu một con số và mốc thời gian cụ thể, bạn sẽ luôn tự nhắc mình đang ở đâu trên đường đến mục tiêu.
Chia nhỏ mục tiêu
Bạn đã biết cách ăn một con voi? Tất nhiên, bạn không thể nuốt trọn con voi một lần mà phải cắn mỗi lần một ít. Đạt được mục tiêu cũng vậy. Bạn có thể đặt một mục tiêu lớn nhưng đừng quá lớn đến mức bạn không biết bắt đầu từ đâu.
Sau khi có mục tiêu lớn, bạn tiếp tục chia nó thành những mục tiêu nhỏ, ngắn hạn hơn để dễ kiểm soát. Ví dụ như bạn muốn để dành 100 triệu đồng trong năm nay. Điều này đồng nghĩa, bạn cần để dành bao nhiêu mỗi tháng, mỗi tuần và mỗi ngày. Từng ngày một, bạn sẽ biết mình cần cắt giảm cái gì hay cần làm thêm gì để đạt được khoản tiền đề ra.
Nói với người khác
Đã bao giờ bạn bí mật đặt ra mục tiêu và thất bại? Lý do bạn thường thất bại khi giấu kín với tất cả mọi người về mục tiêu của mình là vì bạn sẽ dễ dãi với bản thân hơn. Nếu không ai biết, bạn cảm thấy từ bỏ mục tiêu rất nhẹ nhàng và không hề xấu hổ. Do đó, tùy tính chất, hãy nói với một số người hoặc càng nhiều người càng tốt về mục tiêu bạn đang hướng đến.
Đánh giá lại mục tiêu
Chúng ta luôn thay đổi, thích nghi và hoàn thiện theo thời gian. Mục tiêu mà bạn đề ra một năm trước hay thậm chí vài tháng trước đôi khi sẽ không còn phù hợp với chính bạn hay với hoàn cảnh mới. Do đó, cần có những thời điểm đánh giá lại mục tiêu.
Đánh giá lại mục tiêu giúp bạn điều chỉnh mục tiêu hợp lý hơn theo nguyện vọng mới, theo tình hình mới. Điều này cũng tương tự như khi bạn kinh doanh. Diễn biến thị trường có thể làm bạn nhận ra kế hoạch ban đầu không hợp lý. Khi ấy, để tồn tại và phát triển, công ty bạn phải chuyển hướng. Việc này hợp lý và bình thường.
Chấp nhận gặp thất bại nhưng không bị đánh bại
Chắc chắn bạn có gặp thất bại, có thể nhiều hơn một lần, trên đường đến mục tiêu. Ví dụ như việc để dành 100 triệu đồng. Những tháng đầu, có thể mọi việc diễn ra thuận lợi và suôn sẻ. Nhưng sau đó, một khoản chi lớn đột ngột xuất hiện. Bạn cảm thấy như thế giới vừa đấm một phát đau đớn vào mặt. Và bạn nghĩ mình đã đại bại. Sai lầm chính là chỗ này. Khó có thành công nào mà chưa bước qua những thử thách hay thất bại trên đường đi.
Phiên An (theo GFA)