Doanh nghiệp chất vấn Bộ Công Thương về lợi ích nhóm khi 'làm khó' nhập khẩu xe

Hội nghị Bộ Công Thương tổ chức đối thoại với doanh nghiệp sáng 27/9 trở nên nóng hơn khi các doanh nghiệp nêu những ý kiến bất cập về điều kiện cấp phép đối với doanh nghiệp nhập khẩu ôtô.

Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiên An Phúc đặt vấn đề, Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương đáng lý đã hết hiệu lực từ ngày 1/7/2016, nhưng sau 3 tháng quy định này vẫn còn giá trị, khiến doanh nghiệp tuột cơ hội làm ăn cuối năm.

“Đến bao giờ quy định này sẽ hết hiệu lực để doanh nghiệp có thể lên kế hoạch kinh doanh?”, ông Tuấn đặt câu hỏi, đồng thời bày tỏ ra nghi ngờ việc kìm giữ quy định trên đang bảo vệ cho doanh nghiệp lớn và gạt doanh nghiệp nhỏ ra ngoài.

“Liệu có lợi ích nhóm khiến một chính sách dù bị phản đối và đáng lý đã hết hiệu lực, vẫn được kéo dài gây khó cho doanh nghiệp”, ông Tuấn bức xúc.

doanh-nghiep-chat-van-bo-cong-thuong-ve-loi-ich-nhom-khi-lam-kho-nhap-khu-xe

Doanh nghiệp nhập khẩu ôtô vẫn "sống dở chết dỡ" do Thông tư 20 vẫn còn hiệu lực.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đình Quyết, Giám đốc Công ty Hưng Hà, doanh nghiệp ông cũng là một trong những “nạn nhân” của quy định này.

“Thông tư 20 là thủ tục hành chính hay điều kiện đầu tư kinh doanh. Nếu là điều kiện thì cần phải xoá bỏ để doanh nghiệp có phát triển theo thị trường”, ông Quyết yêu cầu.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp & Luật Đầu tư, không chỉ ôtô mà cả lĩnh vực khí gas, phân bón… Bộ Công Thương đặt ra những quy định về quy mô, số lượng ở nhiều ngành nghề, khiến cho không ít doanh nghiệp nhỏ không thể tham gia được thị trường.

Trước những bức xúc được nêu ra, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, giữa tháng 8 cơ quan này đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng và đến nay vẫn đang chờ quyết định của Chính phủ về “số phận” văn bản này.

Khẳng định Thông tư 20 không phải điều kiện đầu tư kinh doanh, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, cơ quan này đề xuất bỏ vì bất hợp lý. Tuy nhiên tới nay văn bản này vẫn còn hiệu lực là do Thông tư 19/2012 của Bộ Giao thông vận tải đã được bãi bỏ theo Luật Đầu tư 2014, trong tình huống này không còn văn bản nào quy định trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi xe của thương nhân nhập khẩu.

“Chúng ta đang ở trong vùng trũng chính sách, trong tình huống này Thông tư 20 là điều kiện duy nhất ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng”, lãnh đạo Công Thương giãi bày.

Nói lên ý kiến của cá nhân về mô hình “hậu” Thông tư 20, Thứ trưởng Khánh cho hay, ai cũng có quyền nhập khẩu ôtô mà không cần phải xuất trình giấy ủy quyền chính hãng. Tuy vậy, thương nhân nhập khẩu cần tuân thủ 3 cam kết: sẵn sàng bảo hành cho người tiêu dùng theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất; bảo dưỡng vĩnh viễn chiếc xe đã bán và đứng ra triệu hồi xe cho người mua trong trường hợp nhà sản xuất triệu hồi…

Cơ sở bảo hành, bảo dưỡng cũng phải đáp ứng một trong các điều kiện: là cơ sở chính hãng; được chính hãng ủy quyền; hoặc được Bộ Giao thông vận tải xác nhận đủ điều kiện

“Chỉ khi cơ sở có dịch vụ sửa chữa liên quan tới an toàn của xe như khung gầm, động cơ… mới cần đáp ứng các điều kiện trên. Còn nếu làm những dịch vụ đơn giản như sơn, bơm, rửa kính… thì không cần tuân thủ quy định”, Thứ trưởng Công Thương nói thêm.

Trên cơ sở đề xuất như vậy, ông cho rằng sẽ không khó để đưa ra một Thông tư quy định trách nhiệm với thương nhân nhập khẩu. “Một khi có những quy định này thì lập tức Thông tư 20 sẽ được bãi bỏ”, ông Khánh khẳng định.

Ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) góp ý, thay vì đưa ra nhiều quy định về điều kiện kinh doanh, ngành công thương nên tập trung vào công tác hậu kiểm, cụ thể là tiêu chí, quy định kiểm tra…

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh kiên trì lắng nghe, ghi chép cẩn thận từng ý kiến góp ý, đề xuất của các doanh nghiệp, chuyên gia. Ông khẳng định, hội nghị lần này được mở không phải để nghe suông, nói suông, mà Bộ sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến để sửa đổi chính sách bất cập liên quan.

Let's block ads! (Why?)