Đầu bếp đường phố Singapore lo thiếu người nối nghiệp khi về hưu

Thứ tư, 28/9/2016 | 02:08 GMT+7

Hiện Singapore có hơn 100 hàng ăn vỉa hè và 6.000 quán do các đầu bếp lớn tuổi nấu nướng. Phần lớn họ đều lo lắng không ai kế nhiệm vì thế hệ trẻ ngày nay thường chọn cống hiến cho các nhà hàng sang trọng.

Những hàng quán vỉa hè ở Singapore vốn được khách ưa chuộng đang phải đối mặt với tương lai mờ mịt khi rất nhiều đầu bếp kỳ cựu sẽ nghỉ hưu. Điều kiện làm việc không thoải mái, bếp nhỏ, ít dụng cụ trên phố dẫn tới các đầu bếp mới vào nghề thường chọn đầu quân cho những nhà hàng hiện đại, rộng rãi hơn. Vậy ai sẽ là người nấu những món ăn đường phố đặc trưng ở đây? 

Một số người có kinh nghiệm ở đảo quốc sư tử tin rằng lớp trẻ không dễ dàng thành công trong ngành kinh doanh này. Alex See là chủ hàng mỳ xào ở khu East Coast đang làm việc cùng con gái 33 tuổi. Ông nói: "Những người trẻ tuổi cứ đến rồi đi, họ không thực sự nghiêm túc học nghề". 

"Khi phụ cha nấu ăn từ năm 16 tuổi, mỗi ngày tôi đều thắc mắc với ông. Vì vậy mà cũng có ngày tôi nấu ngon hơn cả cha. Tôi không nghĩ rằng mình làm được, đó thực ra là một trận đấu hòa", ông Alex chia sẻ.

Hiện Singapore có hơn 100 hàng ăn vỉa hè và 6.000 quán đều do các đầu bếp lớn tuổi nấu ăn. Những món ăn đa dạng của họ cuốn hút dân địa phương và du khách khắp nơi. Mỗi món chỉ có giá khoảng 2 USD.

Sumosundram Moghan là người làm món Roti Prata (giống pancake rán) trong quán của ông cùng các nhân viên. Dù luyện tập, dạy nghề nhiều, các nhân viên vẫn gặp khó khăn vì chưa đạt tiêu chuẩn ông đề ra.

"Mọi người có thể nhào bột giống nhưng cách tôi lật bánh mới làm nên độ giòn đúng chuẩn", Sumosundram nói.

Chủ hàng bánh Roti Prata cho hay: "Phụ bếp của tôi học việc đã 8 năm nhưng vẫn chưa làm được như cách tôi muốn".

Lim Swee Heng, một chủ hàng dành nhiều năm để làm nên món mì laksa cay "hoàn hảo" theo cách của ông. Hiện ông là chủ quán Roxy Laksa ở khu East Coast.

Mất nhiều năm liền Lim mới biết cách cân bằng nước dùng. Làm nó đầy đặn vì có dừa và thêm lượng nước vừa phải, đó mới chính là phần khó nhất trong món mỳ của ông. 

Wee Phong Sai là người phục vụ món mỳ với cá viên được gần 40 năm tại chợ ẩm thực Ghim Moh và hiển nhiên chưa có ai nấu ngon hơn ông. 

"Nghỉ nấu ăn ư? Tôi chỉ muốn nói rằng tôi sẽ không hoàn toàn nghỉ việc", ông Wee nói. 

Hồi tháng 7 có hai người bán hàng rong đầu tiên ở Singapore nhanh chóng nổi tiếng vì được trao sao Michelin.Tuy nhiên, không do vậy mà các món của họ tăng giá.

Chan là một đầu bếp có quán ăn một sao Michelin, ông phục vụ món thịt gà phết sốt đậu nành ở ngay trung tâm khu ẩm thực Chinatown.

"Sao Michelin đến với tôi thật bất ngờ, tôi chưa từng nghĩ rằng món ăn của các hàng quán nhỏ lẻ lại có thể nhận danh hiệu này", Chan chia sẻ. 

"Tuy nhiên, việc giành được sao Michelin cũng đi kèm trách nhiệm để duy trì đẳng cấp của món ăn và giữ ngôi sao này, nhưng tôi không tăng giá, khách hàng mới đang là vấn đề đáng quan tâm", Chan nói thêm.

Một số đầu bếp trẻ tuổi mới nổi thường là những người gìn giữ truyền thống gia đình. Lim là chủ Balesteir Road Hoover Rojak, chuyên về Rojak - món ăn truyền thống của Malaysia gồm hoa quả trộn chung với salad rau. Lim từ bỏ công việc bán hàng, tiếp quản quán ăn từ cha và đang cố gắng làm tốt nhất để nấu được như tiền bối mình. 

"Nhiều người nấu ăn hàng vỉa hè ở khu ẩm thực trung tâm nói với tôi rằng phải tìm được công việc tốt hơn ngoài kia thay vì làm bếp, vì nó vất vả, tốn thời gian và không được nghỉ ngơi. Nhưng tôi đã tiếp quản quán của cha được 3 năm vì ông đã già. Tôi làm mọi thứ như ông từng làm, gồm cả sắp xếp dụng cụ nấu", Lim chia sẻ.

Ảnh: Reuters

Let's block ads! (Why?)