Giá dầu dự báo tiến tới 100 USD mỗi thùng

Giá dầu Brent đang trên đà tới mốc 100 USD và mức này có thể là điều bình thường trong tương lai, theo các chuyên gia Phố Wall.

Nga và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cắt giảm sản lượng đã đẩy giá dầu Brent tăng khoảng 10% tháng qua, lên khoảng 93 USD mỗi thùng. Christyan Malek, Trưởng bộ phận nghiên cứu năng lượng EMEA (châu Âu, Trung Đông và châu Phi) của JPMorgan lo đây là khởi đầu cho kỷ nguyên giá cao hơn.

"Hãy thắt dây an toàn. Đây sẽ là một chu kỳ siêu biến động lớn", ông bình luận hôm thứ sáu (22/9) với Bloomberg. Cùng với Malek, ngày càng nhiều chuyên gia Phố Wall tin rằng việc thiếu đầu tư vào sản xuất, cùng quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ dẫn đến giá dầu thô cao hơn trong nhiều năm tới.

Một công nhân chuẩn bị dán nhãn thùng dầu bôi trơn tại cơ sở sản xuất dầu bôi trơn của công ty dầu khí nhà nước Pertamina ở Cilacap, Trung Java, Indonesia. Ảnh: Reuters

Một công nhân chuẩn bị dán nhãn thùng dầu bôi trơn tại cơ sở sản xuất của công ty dầu khí nhà nước Pertamina ở Cilacap, Trung Java, Indonesia. Ảnh: Reuters

Các chiến lược gia hàng hóa của Goldman Sachs cũng dự đoán giá dầu thô sẽ tăng lên 100 USD mỗi thùng. Trưởng bộ phận nghiên cứu dầu mỏ Daan Struyven cho rằng nhu cầu mạnh mẽ từ châu Á và việc tiếp tục cắt giảm nguồn cung từ OPEC sẽ giữ giá tăng cao trong năm tới. "Chúng tôi tin rằng OPEC có thể duy trì giá dầu Brent ở mức 80 đến 105 USD vào 2024", phân tích của Goldman Sachs dự báo.

Francisco Blanch, Trưởng bộ phận hàng hóa toàn cầu của Bank of America, tin rằng giá dầu sẽ tăng vì những lý do tương tự như các chuyên gia Struyven và Malek đề cập. "Nếu OPEC+ duy trì việc cắt giảm nguồn cung liên tục cho đến cuối năm trong bối cảnh nhu cầu tích cực của châu Á, chúng tôi tin rằng giá dầu Brent có thể tăng vượt 100 USD mỗi thùng trước năm 2024", Blanch nhận định.

Theo Blanch, nhu cầu dầu từ Trung Quốc đặc biệt mạnh mẽ, bất chấp những khó khăn kinh tế. Xuất khẩu tổng thể của Trung Quốc giảm nhưng nhập khẩu năng lượng đang tăng khi nước này cố gắng chuyển sang mô hình kinh tế hướng tới tiêu dùng nội địa hơn.

Về dài hạn, giá dầu thô cũng có thể bình thường hóa quanh mốc 100 USD mỗi thùng, theo Christyan Malek. Điều này một phần do dòng vốn đổ vào đầu tư khai thác dầu mỏ đã không còn như 30 năm qua.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà sản xuất dầu được hưởng lợi từ chi phí vay thấp, nhưng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương khác tăng lãi suất đã khiến việc huy động tài chính cho các dự án sản xuất dầu mới tốn kém hơn nhiều. "Bạn cần ít nhất 80 USD mỗi thùng để đầu tư vào sản xuất dầu mới. Đó là điểm hòa vốn", Christyan Malek nói.

Lo ngại về suy thoái kinh tế của Mỹ và châu Âu thường khiến giá dầu giảm do các nhà đầu tư dự đoán nhu cầu tiêu dùng giảm dần. Nhưng bất chấp điều đó, giá dầu thô đã tăng vào năm 2023, do thiếu sản lượng mới cũng như việc cắt giảm nguồn cung từ các nhà sản xuất lớn nhất thế giới.

Kể từ tháng 8/2021, 13 quốc gia thành viên của OPEC - sản xuất khoảng 80% tổng lượng dầu thô - đã sản xuất dầu ở mức thấp kỷ lục lịch sử. Arab Saudi và Nga đều quyết định cắt giảm sản lượng lần lượt một triệu và 300.000 thùng mỗi ngày vào mùa hè này cho đến hết năm. Và hôm 21/9, Nga còn ban hành lệnh cấm tạm thời xuất khẩu xăng và dầu diesel (trừ Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan) để ổn định thị trường trong nước.

Dù giá dầu có thể tăng lên 100 USD mỗi thùng, khó có khả năng tăng cao hơn mức đó một cách đáng kể, vì OPEC không muốn bỏ lỡ doanh số bán hàng do nhu cầu suy giảm nếu giá quá cao. "OPEC khó có thể đẩy giá lên mức cực đoan, điều này sẽ phá hủy nhu cầu dài hạn", Daan Struyven của Goldman Sachs nói.

Phiên An (theo Fortune)

Adblock test (Why?)