Asiad 19 tạo đất diễn cho doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc

Không chỉ tài trợ, một số doanh nghiệp và startup công nghệ Trung Quốc tranh thủ Asiad 19 để phô diễn giải pháp và tiếp thị sản phẩm.

Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 (Asiad 19) vừa khai mạc tại Hàng Châu, Trung Quốc. Nước chủ nhà không chỉ tổ chức và tham gia thi đấu mà còn phô diễn các giải pháp công nghệ mới nhất từ các doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp nội địa.

Sự kiện thể thao này nhận được sự tài trợ từ hơn 170 thương hiệu hàng đầu Trung Quốc và quốc tế, gồm những "đại gia" như Alibaba Group Holding, Canon, Geely Auto và Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC).

Bên cạnh những tên tuổi lớn, các nhà sản xuất robot bốn chân và kính thực tế tăng cường (AR) nằm trong số các startup tham gia tài trợ, phản ánh nỗ lực phát triển các ngành công nghệ cao của Trung Quốc. Một trong số đó là Rokid, nhà sản xuất kính thông minh AR hậu thuẫn bởi Temasek (Singapore).

Kính AR của Rokid được nhân viên an ninh và bảo trì sử dụng tại nhiều nơi tổ chức của Asiad. Bằng cách đeo kính gắn tai nghe, người dùng có thể giao tiếp với ban tổ chức và truy cập dữ liệu theo thời gian thực. "Chúng tôi hy vọng các sản phẩm AR của mình có thể trở thành thiết bị mang tiêu chuẩn trong các sự kiện thể thao toàn cầu", Misa Zhu, CEO Rokid cho biết.

Ngoài các ứng dụng công nghiệp, kính của Rokid còn được sử dụng trong giải trí gia đình và có mặt ở hơn 80 quốc gia. Với thị phần khoảng 50% tại Trung Quốc, Rokid cho biết đóng góp doanh thu từ thị trường nội địa sẽ bị thị trường nước ngoài vượt qua vào năm tới, do việc áp dụng số hóa tốt hơn ở các thị trường phát triển như Bắc Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chó robot tuần tra hệ thống cung cấp điện của sự kiện. Ảnh: Deep Robotics

Chó robot tuần tra hệ thống cung cấp điện của sự kiện. Ảnh: Deep Robotics

Trong khi đó, một công ty khởi nghiệp khác là Deep Robotics triển khai chó robot tại các cơ sở cung cấp điện dưới lòng đất tại Asiad. Việc ứng dụng công nghệ này được cho là nhằm giảm thiểu rủi ro cho con người và nâng cao hiệu quả.

Được ươm tạo tại Đại học Chiết Giang, Deep Robotics được thành lập năm 2017 bởi hai chuyên gia kỹ thuật là Zhu Qiuguo và Li Chao. Robot bốn chân của họ được trang bị camera và cảm biến để truyền dữ liệu phục vụ phân tích. "Thông qua việc tham gia Asiad, chúng tôi hy vọng nâng cao vị thế của các công ty công nghệ cao, bên cạnh các công ty Internet ở Hàng Châu", Qian Xiaoyu, giám đốc tiếp thị của Deep Robotics nói.

Hay như startup Kuai-e hy vọng sự kiện thể thao của châu Á sẽ là bệ phóng cho máy bán đồ ăn sẵn của công ty. Thực đơn của máy gồm một số món phổ biến như cơm thịt bò và mì hải sản. Họ lắp chúng tại 5 địa điểm diễn ra thi đấu để phục vụ nhân viên hỗ trợ. Chen Xiaoqiang, CEO Kuai-e, cho biết việc phục vụ đồ ăn nóng là rất quan trọng đối với nhiều món ăn Trung Quốc. "Sự khác biệt của chúng tôi là ở chất lượng", ông cho hay.

Mỗi máy bán đồ ăn tự động của Kuai-e có khả năng cung cấp tới 40 hộp cơm được hâm nóng trước khi phục vụ. Đặt hàng được thực hiện thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Giải pháp này cũng giúp công ty truy cập dữ liệu bán hàng quan trọng và kiểm soát hàng tồn kho.

Một năm qua, máy của Kuai-e đã phục vụ các tòa nhà văn phòng, bệnh viện, trường học và ga tàu ở Hàng Châu. Tuy nhiên, họ đang tìm cách mở rộng ra toàn quốc trong 3 năm tới. Chen thừa nhận việc huy động vốn để mở rộng có thể gặp thách thức vì sự quan tâm đối với các công ty công nghệ có kết nối Internet đã giảm những năm gần đây, sau khi chính phủ siết chặt quản lý trong ngành này và thị trường nội địa trải qua đợt giảm tốc.

Kuai-e CEO Chen Xiaoqiang bên chiếc máy bán thức ăn nóng của công ty. Ảnh: Nikkei

Kuai-e CEO Chen Xiaoqiang bên chiếc máy bán thức ăn nóng của công ty. Ảnh: Nikkei

Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, là một trong những vành đai công nghiệp do doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc hình thành. Tầm quan trọng của nó cũng gắn liền với Chủ tịch Tập Cận Bình, người lãnh đạo tỉnh từ năm 2002 đến 2007.

Và vì Hàng Châu là một trong những thành phố kỹ thuật số của Trung Quốc nên công nghệ cao đã trở thành một đặc điểm chính của Asiad lần này, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành của Trung Quốc phô diễn tài năng.

Tất cả địa điểm của sự kiện đều được bao phủ bởi hệ thống 5G, cột sạc năng lượng mới và hệ thống quản lý thông minh. Giải đấu sẽ được phát sóng ở độ phân giải 4K, tạo ra trải nghiệm xem phong phú mới cho khán giả.

Ngoài ra, xe buýt không người lái đã đi vào cuộc sống hàng ngày của người dân Hàng Châu. Xe buýt được trang bị nhiều thiết bị cảm biến lái xe tự động, chẳng hạn như camera quan sát, có thể cảm nhận chính xác môi trường xung quanh. Vì thế, Làng Asian Games cũng sử dụng một số xe buýt tự hành.

Một chiếc xe buýt tự lái tại Làng Asian Games. Ảnh: InsideTheGames

Một chiếc xe buýt tự lái tại Làng Asian Games. Ảnh: InsideTheGames

Pan Helin, Đồng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật số và Đổi mới Tài chính (Đại học Chiết Giang), cho biết Asiad đã thúc đẩy việc tối ưu hóa cơ cấu năng lượng của thành phố và chuyển đổi thông minh các phương tiện giao thông công cộng và đường bộ. "Nó đã dẫn đến sự phát triển của các ngành công nghiệp xanh và thông minh xung quanh Hàng Châu",

Asiad 19 bắt đầu từ 23/9-4/10, diễn ra muộn hơn một năm so với kế hoạch do các hạn chế của Covid, với sự tham gia của khoảng 12.000 vận động viên từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, thi đấu ở 40 môn thể thao. Dota 2, Street Fighter 5 và các trò chơi điện tử khác nằm trong danh mục thể thao điện tử, được bổ sung mới cho Asiad

Trước sự kiện, ông Tập Cận Bình tuần này đã đến thăm thành phố Nghĩa Ô gần Hàng Châu, được biết đến như một trung tâm sản xuất hàng hóa nhỏ, phục vụ thị trường trong nước và quốc tế. Ông đến để kiểm tra sự phát triển của các ngành công nghiệp địa phương và nỗ lực của họ trong việc thúc đẩy ngoại thương.

Chuyến đi diễn ra vào thời điểm dữ liệu kinh tế mới nhất của Trung Quốc có dấu hiệu ổn định nhưng hoạt động xuất - nhập khẩu vẫn còn giảm do nhu cầu trong nước và toàn cầu chậm lại.

Phiên An (Nikkei, Global Times)

Adblock test (Why?)