Khủng hoảng đầu tư điện gió ở Âu - Mỹ

Loạt dự án với tổng vốn đầu tư hơn 30 tỷ USD tại Âu - Mỹ đổ vỡ hoặc trì hoãn vì nhiều khó khăn phủ bóng ngành điện gió.

Được các chính phủ coi là chìa khóa để đáp ứng mục tiêu về khí hậu và thúc đẩy nguồn cung cấp điện, nhưng ngành kinh doanh điện gió đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng thị trường nguy hiểm, theo WSJ.

Sau nhiều tháng chi phí tăng và trục trặc hậu cần, một số hợp đồng mua bán điện giữa nhà phát triển và khách hàng đang đổ vỡ, dẫn đến hoãn các quyết định đầu tư hay triển khai dự án. Thất bại chồng chất với điện gió trên đất liền lẫn ngoài khơi.

Trong những tuần gần đây, ít nhất 10 dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 33 tỷ USD đã bị trì hoãn hoặc rơi vào tình trạng bế tắc ở Mỹ và châu Âu. "Chúng ta đang chứng kiến cuộc khủng hoảng đầu tiên của ngành", Anders Opedal, Giám đốc điều hành của công ty năng lượng Equinor (Na Uy) cho biết.

Trang trại gió Walney Extension ngoài khơi bờ biển Blackpool, Anh ngày 5/9/2018. Ảnh: Reuters

Trang trại gió Walney Extension ngoài khơi bờ biển Blackpool, Anh ngày 5/9/2018. Ảnh: Reuters

Equinor và tập đoàn năng lượng BP (Anh) đang phát triển 3 trang trại gió ngoài khơi New York để cung cấp năng lượng cho khoảng hai triệu hộ gia đình. Tuy nhiên, họ cần đàm phán lại giá điện, nếu không các dự án sẽ không nhận được vốn.

Việc trì hoãn các dự án với tổng công suất 11,7 gigawatt - đủ để cung cấp năng lượng cho gần như tất cả hộ gia đình ở Texas và hơn thế - có khả năng đẩy các mục tiêu về điện gió ngoài khơi vào năm 2030 của Mỹ và châu Âu không thành. Điện gió đang được coi là giải pháp quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng sang nguồn cung cấp điện sạch hơn và xa rời nhiên liệu hóa thạch.

Mỹ có thị trường điện gió trên bờ lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc nhưng chỉ có 7 tuabin điện gió ngoài khơi. Tổng thống Biden hy vọng sẽ phát triển và đặt mục tiêu đạt 30 gigawatt điện gió ngoài khơi trong thập kỷ này. Tháng trước, ông đề cập về kế hoạch theo đuổi nhiều dự án điện gió hơn, bao gồm cả cuộc đấu thầu đầu tiên ở vịnh Mexico vào cuối tháng này.

Ở châu Âu, gió mạnh và vùng nước nông đã khiến điện gió ngoài khơi trở thành một trong những công nghệ điện tái tạo phát triển nhanh nhất. Nhưng việc tăng chi phí 40% gần đây đã khiến một dự án khổng lồ ở Anh - quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lượng gió ngoài khơi - bị tạm dừng. Ở vùng biển Baltic, hai dự án đầu tư cũng bị trì hoãn.

Peter Lloyd-Williams, nhà phân tích cấp cao của Tập đoàn năng lượng toàn cầu Westwood, cho biết 3 dự án khác ở Biển Bắc với tổng chi tiêu khoảng 19 tỷ USD cũng có khả năng bị trì hoãn hoặc sửa đổi các điều khoản. "Nếu những dự án tốt nhất ở các thị trường trưởng thành nhất bắt đầu chìm xuống thì đó là dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng", ông nói.

Nhìn chung, có hàng loạt trở ngại để phát triển điện gió ở Âu - Mỹ. Chúng bao gồm lạm phát cao, trở ngại chuỗi cung ứng, lãi suất tăng, vấn đề giấy phép và thời gian kết nối lưới điện. Tốc độ ngày càng tăng của quá trình chuyển đổi năng lượng đã tạo ra một vòng lặp chi phí leo thang.

Avangrid - công ty con tại Mỹ của công ty Iberdrola (Tây Ban Nha) tháng này đã đồng ý trả 48 triệu USD để rút lui khỏi một thỏa thuận năng lượng gió ngoài khơi ở Massachusetts mà họ đấu thầu vào tháng 9/2021. "Tất nhiên, điều xảy ra là thế giới đã thay đổi đáng kể", Ken Kimmell, Phó chủ tịch phát triển điện gió ngoài khơi của Avangrid nói.

Xung đột Ukraine đã đẩy giá thép và các nguồn cung cấp khác lên cao hơn trong lúc nhu cầu cao từ các nước châu Âu nhằm đẩy nhanh kế hoạch phát triển năng lượng gió ngoài khơi. Ngoài ra, một loạt các đợt tăng lãi suất đã khiến việc đi vay trở nên đắt đỏ hơn, theo Kimmell.

Một dự án khác ở Massachusetts do Shell, Engie và EDP Renewables triển khai đang đàm phán với các công ty điện lực sau khi bên mua muốn hủy bỏ và đấu thầu lại các thỏa thuận cung cấp điện. Trong khi đó, công ty điện lực lớn nhất của Rhode Island rút lui khỏi một dự án ngoài khơi khác.

Công nhân xây dựng trạm biến áp trên bờ của dự án Vineyard Wind ở Massachusetts vào tháng 10/2022. Ảnh: Bloomberg

Công nhân xây dựng trạm biến áp trên bờ của dự án Vineyard Wind ở Massachusetts vào tháng 10/2022. Ảnh: Bloomberg

Tuy nhiên, khó khăn được cho chỉ là ngắn hạn. Theo một nghiên cứu gần đây của Đại học California - Berkeley, điện gió ngoài khơi có thể cung cấp tới một phần tư năng lượng cho Mỹ vào năm 2050 mà không ảnh hưởng đến chi phí điện bán buôn.

Các cuộc đấu giá mới, trong đó các nhà phát triển có thể tính đến việc tăng chi phí gần đây, tiếp tục thu hút các nhà thầu. Bản thân Ken Kimmell cũng cho rằng các thử thách mà ngành đối điện là một "gờ giảm tốc, không phải bức tường gạch".

Một số bang ven biển của Mỹ hy vọng sẽ trở thành trung tâm sản xuất nội địa mới cho các bộ phận gió ngoài khơi, giành được thị phần của ngành công nghiệp mới nhờ ưu đãi thuế từ gói 1.000 tỷ USD của chính quyền Biden. Ở châu Âu, các công ty năng lượng lớn như BP và TotalEnergies đã giành được quyền phát triển điện gió ở Biển Bắc trị giá 14 tỷ USD vào tháng trước.

Nhưng niềm tin lâu dài là không đủ trấn an lo lắng cho các nhà cung cấp hiện tại. Morten Dyrholm, Phó chủ tịch cấp cao của Vestas - nhà sản xuất tuabin lớn nhất phương Tây, cho biết tình hình đang rất khó chịu. "Chúng tôi không thể cứ tiếp tục và xây dựng nhiều nhà máy nếu không nhìn thấy tín hiệu đầu tư rõ ràng từ các nhà phát triển", ông nói.

Điện gió trên bờ cũng gặp khó. Theo Hiệp hội Điện sạch Mỹ, việc lắp đặt điện gió trên đất liền đã giảm một nửa trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái, là quý chậm nhất trong 4 năm. Sau khi cung cấp các máy móc lớn hơn, tiên tiến hơn để cải thiện khả năng sản xuất điện, giờ các nhà sản xuất thiết bị phải vật lộn với phi phí bao trì, khiến lợi nhuận bị ăn mòn.

Tim Proll-Gerwe, Phát ngôn viên của Siemens Energy cho biết công ty gặp vấn đề với cả điện gió ngoài khơi lẫn đất liền. Trước đây chi phí sửa chữa các tuabin gió trên bờ tốn mất 1,1 tỷ USD nhưng giờ đây đã nhảy vọt lên 1,75 tỷ USD.

Tương tự, nhà cung cấp cánh quạt TPI Composites tháng trước nói rằng lợi nhuận sẽ suy giảm do chi phí kiểm tra và sửa chữa cao hơn. Trong khi đó, Siemens dự đoán sẽ lỗ khoảng 5 tỷ USD trong năm nay.

Phiên An (theo WSJ)

Adblock test (Why?)