Hà LanQua một lần ghé thăm, nhiều du khách đã quyết định chuyển ngay đồ đạc đến Bonaire và ở lại vĩnh viễn.
Susan Davis đã sống ở Chicago cả đời trước khi đến Bonaire lặn biển vào năm 1988. Bốn năm sau, nữ du khách Mỹ bán mọi thứ ở quê nhà, mua vé một chiều quay lại hòn đảo nằm trên biển Caribe thuộc Hà Lan này để sống. Hiện, cô là hướng dẫn viên ngắm chim trên đảo.
"Tôi yêu Bonaire", Davis, hiện ngoài 60 tuổi, nói. Khi nhớ về chuyến thăm đầu tiên đến đảo, Davis nói vào ngày phải bay về Mỹ, bà đã ngồi trên giường ở phòng trọ và tự nhủ một ngày nào đó sẽ quay lại đây để sống.
Vào những năm 1960, Bonaire có dân số chưa đến 6.000 người. Năm 2010, dân số tăng lên 15.000 người. Ngày nay, khoảng 23.000 người đang gọi Bonaire là "nhà", theo Cơ quan Thống kê Hà Lan.
"Du khách bị thu hút bởi sự yên bình và những cảm xúc tích cực mà hòn đảo mang lại", Rolando Marin, nhân viên thuộc Hội đồng Du lịch Bonaire, cho biết.
Bonaire nằm ngoài khơi bờ biển Venezuela và là một trong ba hòn đảo có thứ tự chữ cái là ABC thuộc Vương quốc Hà Lan: Aruba, Bonaire và Curacao. Đảo Bonaire rộng 287 km2, du khách có thể lái xe quanh đảo trong 3-4 tiếng.
Hòn đảo nổi tiếng với môn lặn biển nhưng không phải ai cũng biết nơi này, ngoại trừ dân lặn chuyên nghiệp hoặc người Hà Lan. Cũng chính môn lặn biển này đã khiến du khách đến đây tham quan mong muốn ở lại, gắn bó lâu dài.
Trên đảo có một sân bay nhỏ. Từ sân bay, du khách mất khoảng 10 phút để ngồi xe đến thủ phủ Kralendijk, nơi tập trung hầu hết các khu nghỉ dưỡng. Tại Delfins Beach Resort, các phòng đều được trang bị bếp nhỏ vì phần lớn khách ở vài tuần hoặc lâu hơn. Ngoài các resort, trên đảo còn cung cấp các căn nhà nhỏ cho thuê qua Airbnb. Nhiều căn giá thuê dưới 100 USD một đêm.
Đồ ăn chủ yếu là hải sản đánh bắt từ biển nên lúc nào cũng tươi sống như cá ngừ, nhồng, cá mahi-mahi. Từ lâu, người dân trên đảo đã hướng tới việc phát triển bền vững. Hàng ngày, mọi người sẽ xếp hàng bên đường gần xe tải chở thực phẩm có tên Cactus Blue Bonaire để nhận một bọc cá sư tử. Cá sư tử là loài xâm lấn, các thợ lặn đánh bắt hàng ngày để ngăn chặn sự phát triển của chúng. Xe bán thức ăn phục vụ bữa trưa vào ngày trong tuần, đỗ tại một điểm lặn gần sân bay. Đĩa đựng thức ăn là loại tái sử dụng. Chai đựng nước ép trái cây bằng thủy tinh. Khách hàng uống xong sẽ trả lại chai để dùng tiếp cho lần sau.
Trên đảo có một khu bảo tồn lừa, rùa biển, hồng hạc và một quỹ đổi mới rạn san hô. Chính quyền đảo đang cố gắng loại bỏ rác thải nhựa. Năm 2022, hòn đảo cấm dùng ống hút và dao nhựa.
So với hai đảo Aruba và Curacao, Bonaire kém phát triển hơn, đồng nghĩa với việc ít bị đô thị hóa hơn. Năm 1999, chính quyền đảo đã mua thêm một đảo tư nhân cách đó gần 1 km với giá 4,6 triệu USD. Hòn đảo này được bảo tồn tự nhiên và mọi sự phát triển, bê tông hóa đều bị cấm. Du khách có thể tiếp cận đảo nhỏ bằng taxi nước hoặc thuyền để tham quan khu vực làm tổ của rùa biển.
Harry Schoffelen, người đồng sở hữu xe bán đồ ăn Cactus Blue Bonaire, đến Bonaire du lịch năm 2010 khi cuộc sống đang đứng trước nhiều ngã rẽ. Kề từ đó, Schoffelen chưa bao giờ đi khỏi hòn đảo. "Sao lại không yêu hòn đảo này được cơ chứ. Tôi gặp rất nhiều người đến đây lần đầu tiên và sau đó tìm mua nhà ở lại", người đàn ông ngoài 50 tuổi nói.
Bonaire được coi là một điểm đến an toàn. Bộ Ngoại giao Mỹ xếp hòn đảo trong nhóm rủi ro du lịch cấp 1, cấp thấp nhất. Bên cạnh đó, thời tiết ấm áp, các trường công lập với sơ cở vật chất tốt, dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí dành cho cư dân là những điểm cộng dành cho hòn đảo. Bonaire không có đèn giao thông, dê và hồng hạc đi lang thang tự do, những bãi biển đẹp và giá nhà đất phải chăng.
Kiki Multem, blogger du lịch ngoài 30 tuổi quyết định chuyển đến Bonaire sau khi đến thăm 5 ngày vào 2021. Một trong những lý do khiến Multem ở lại vì "người dân cực kỳ thân thiện" và "tôi thực sự tìm thấy bình yên ở đây". Cuộc sống trên đảo đã thay đổi Multem theo hướng tốt đẹp.
Du khách có thể dễ dàng xin ở lại Bonaire dài ngày. Du khách có hộ chiếu Hà Lan hoặc Mỹ có thể ở lại sáu tháng mỗi năm mà không cần giấy phép cư trú. Nhiều quốc tịch khác có thể ở lại tới 90 ngày một lần. Đảo cũng không có bất kỳ hạn chế đối với người nước ngoài muốn mua nhà.
Bonaire cũng có bất tiện. Khi Davis lần đầu chuyển đến đảo đã nhận ra có rất ít nguồn cung cấp hàng hóa, từ đồ tạp hóa, kim khí đến trang trí nhà cửa. Davis nói đã "rất vui khi tìm thấy nấm bán trong siêu thị". Giá các mặt hàng đều đắt hơn Mỹ hoặc châu Âu do chi phí vận chuyển và thuế nhập khẩu. Tuy vậy, Davis yêu cuộc sống ở đây. Bà đi ra biển mỗi ngày. Khi lốp xe của bà bị hỏng giữa đường, những người lái xe khác đã dừng lại để giúp đỡ.
"Bonaire có một phép thuật nào đó. Khi mọi người đến lần đầu, họ thấy hòn đảo đáng yêu với các bãi biển, con người thân thiện. Khi họ ở một tuần, điều kỳ diệu đã ngấm vào họ. Họ cảm nhận được sức hút của hòn đảo", Davis giải thích lý do nhiều người yêu mến và muốn chuyển đến hòn đảo này giống mình.
Anh Minh (Theo CNN)