Gợi ý ăn chơi ở phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm

Hà NộiPhố đi bộ hồ Hoàn Kiếm mở cuối tuần là một địa điểm vui chơi không thể bỏ qua cho cả du khách và người dân thủ đô.

Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm bắt đầu được triển khai chính thức từ tháng 9/2016, sau hơn hai năm thí điểm. Hiện phố mở mỗi cuối tuần, từ 19h thứ sáu đến 24h chủ nhật.

Một góc tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm gần khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Ảnh: Ngọc Thành

Một góc tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm gần khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Ảnh: Ngọc Thành

Tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm vòng quanh hồ, qua Tràng Tiền, Đinh Lễ, Hồ Hoàn Kiếm. Phố đi bộ kết hợp chợ đêm và khu ẩm thực mở thêm ở các tuyến phố cổ lân cận như Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ, Tạ Hiện, Hàng Giấy, với điểm kết tại ngõ chợ Đồng Xuân. Cuối năm 2020, Hà Nội mở rộng không gian đi bộ phía nam khu phố cổ kết nối phía bắc hồ Hoàn Kiếm, gồm các phố Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu, Hàng Bạc, Đào Duy Từ, Ô Quan Chưởng, ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên và ngõ Phất Lộc.

Theo thống kê của Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội, sau 7 năm hoạt động, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận đã trở thành "thương hiệu" của Hà Nội, là điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Trung bình mỗi ngày cuối tuần, khu phố đi bộ đón 25.000-35.000 khách, dịp lễ Tết tăng lên 40.000 - 50.0000 người.

Di chuyển

Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm nên đi lại thuận tiện. Nếu lần đầu đến đây, du khách có thể chọn di chuyển bằng taxi, xe công nghệ (ôtô hoặc xe máy).

Nếu tự di chuyển bằng xe máy hay xe đạp, có thể gửi ở các bãi xe xung quanh hồ, các tuyến đường như Hàng Trống, Bảo Khánh, Lương Văn Can, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền, Hàng Trống... Một số bãi trông ôtô gồm khu vực Bảo tàng Lịch sử - Phạm Ngũ Lão (gần Nhà hát lớn), Trần Nhật Duật, dọc tuyến phố Lê Phụng Hiểu, các tuyến phố Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng...

Các tuyến xe buýt tới hồ Hoàn Kiếm gồm: 08, 09, 14, 31, 36, 86.

Hoạt động vui chơi và tham quan

Các điểm di tích lịch sử

Đền Ngọc Sơn - cầu Thê Húc, vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ, tượng đài Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh, đền Bà Kiệu (đối diện đền Ngọc Sơn), tượng Vua Lê... là các di tích lịch sử nổi tiếng nằm ven hồ Gươm. Ngoại trừ đền Ngọc Sơn - cầu Thê Húc, các địa điểm khác đều có thể tham quan không cần mua vé.

Các tiết mục nghệ thuật đường phố

Các hoạt động nghệ thuật trên phố đi bộ, thường của các nhóm thanh thiếu niên, hoặc của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước. Ảnh: Tâm Anh

Các hoạt động nghệ thuật trên phố đi bộ, thường của các nhóm thanh thiếu niên, hoặc của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước. Ảnh: Tâm Anh

Bên cạnh những trò chơi dân gian, người dân đến với phố đi bộ Hà Nội còn bởi những hoạt động văn hóa nghệ thuật được thường xuyên tổ chức tại đây. Các hoạt động này diễn ra luân chuyển lưu động tại các vị trí khác nhau trong khu vực phố đi bộ, với những màn trình diễn âm nhạc, múa, xiếc hay những tiết mục tạp kỹ khác. Thông thường vào các dịp lễ Tết, phố đi bộ sẽ có nhiều hoạt động hơn ngày thường.

Múa rối nước

Tọa lạc tại số 57B Đinh Tiên Hoàng là Nhà hát múa rối nước Thăng Long. Có tuổi đời hơn 50 năm, đây là một trong số ít các nhà hát múa rối truyền thống vẫn còn mở đến nay, thu hút đông khách, đặc biệt người nước ngoài. Các vở diễn nổi bật gồm Chuyện chú Tễu, Vinh quy bái tổ, Múa tứ linh, Lê Lợi du thuyền, Múa lân, Múa tiên... và các chương trình khác dành riêng cho thiếu nhi. Thông thường, mỗi vở diễn kéo dài khoảng 45 phút.

Lịch biểu diễn:

- Mùa hè: 16h10 - 17h20 - 18h30 và 20h.
- Mùa đông: 15h - 16h10 - 17h20 - 18h30 - 20h và 21h15.
- Chủ nhật: 9h30
- Giá vé: 100.000 - 150.000 - 200.000 đồng.

Xe buýt hai tầng

Hà Nội có hai đơn vị vận hành xe buýt hai tầng với hai tuyến khác nhau, nhưng đều xuất phát và kết thúc ở khu vực vườn hoa Con Cóc liền với phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, đi qua những nơi tiêu biểu như Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Hoàng thành Thăng Long, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhà tù Hỏa Lò - nhà thờ Lớn hay đường Thanh Niên, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng. Trọn vẹn mỗi hành trình khoảng 90 phút. Du khách có thể mua vé trực tiếp tại bến hoặc online.

Xe buýt hai tầng ở Hà Nội chạy qua khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hanoi City Tour

Xe buýt hai tầng ở Hà Nội chạy qua khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hanoi City Tour

Xe chạy mỗi 30 phút, từ 9h đến 17h, có giới thiệu về các điểm đến bằng 8 thứ tiếng: Việt - Anh - Trung - Nhật - Hàn - Pháp - Tây Ban Nha và Đức. Bạn cũng có thể lựa chọn chương trình giải trí hiện đại khác trên xe.

Tuyến 1 có bốn loại vé gồm: 196.000 đồng (2 tiếng); 300.000 đồng (4 tiếng); 450.000 đồng (24 tiếng) và 650.000 đồng (48 tiếng).

Tuyến 2 có ba loại vé gồm 219.000 đồng (4 tiếng); 329.000 đồng (24 giờ); 479.000 đồng (48 tiếng).

Các hoạt động vui chơi trẻ em và trò chơi dân gian

Nhằm tái hiện nét đẹp của những trò chơi dân gian xưa, BTC khu phố đi bộ thường xuyên sắp xếp những cuộc thi chơi trò chơi dân gian với những trò như ô ăn quan, đi cà kheo, đánh chuyền, đá cầu, kéo co hay nặn tay khéo léo những món tò he xinh xắn. Bạn có thể bắt gặp và chơi ngay những trò chơi này trên suốt dọc đường quanh hồ Hoàn Kiếm. Ngoài ra, trẻ em còn có thể tham gia vào nhiều hoạt động vui chơi như đi xe điện, trượt patin, tô tượng, đọc sách...

Vẽ chân dung

Khu vực vẽ chân dung nằm ở phía đường Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Tâm Anh

Khu vực vẽ chân dung nằm ở phía đường Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Tâm Anh

Chỉ khoảng 10 phút ngồi làm mẫu, bạn sẽ được sở hữu một bức chân dung với giá 100.000 đến 150.000 đồng. Dọc tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, có khoảng hơn 10 họa sĩ, thường là sinh viên các trường nghệ thuật ở Hà Nội hoặc những người thợ vẽ truyền thần xưa. Dịch vụ này đã xuất hiện khá lâu, và thường đông đúc vào những dịp lễ Tết.

Chợ đêm

Chợ đêm mở từ 19h đến đêm trong ba ngày cuối tuần ở các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, với điểm kết tại chợ Đồng Xuân. Ngoài kinh doanh hai bên đường, người dân còn được dựng sạp di động giữa đường, dành hai bên rộng 3-3,5 m làm lối đi bộ. Các mặt hàng ở chợ đêm gồm quần áo, đồ thủ công, lưu niệm...

Địa điểm ăn uống

Phố nộm Hồ Hoàn Kiếm

Phố Hồ Hoàn Kiếm, một đầu là Đinh Tiên Hoàng, một đầu là Cầu Gỗ, nằm ven hồ. Ảnh: Tâm Anh

Phố Hồ Hoàn Kiếm, một đầu là Đinh Tiên Hoàng, một đầu là Cầu Gỗ, nằm ven hồ. Ảnh: Tâm Anh

Phố Hồ Hoàn Kiếm nằm kế bên Nhà hát Múa rối nước Thăng Long, được coi là phố ngắn nhất Hà Nội, chỉ dài 52 m. Đây là điểm đến nổi tiếng với những thực khách mê ẩm thực đường phố, đặc biệt là món nộm bò khô. Nộm gồm đu đủ xanh, cà rốt thái sợi, bò khô, lạc rang, rau thơm và nước nộm được chế biến với vị chua ngọt. Ăn kèm nộm, ngoài thịt bò có các món như gan bò, chim quay, bánh bột lọc.

Hoa quả dầm phố Tô Tịch

Hoa quả nhiều loại thái nhỏ, dầm cùng sữa tươi, sữa đặc, hay các loại sữa chua, caramel... thích hợp ăn vào những ngày trời nóng. Phố Tô Tịch cũng ngắn, khoảng 100 m, nhưng có hơn chục hàng bán hoa quả dầm. Những năm gần đây, các hàng hoa quả dầm trên phố còn bán thêm chè Thái, hoặc chè từ nhiều vùng miền.

Các quán cà phê ngắm hồ

Cà phê Đinh. Ảnh: Tâm Anh

Cà phê Đinh. Ảnh: Tâm Anh

Hồ Hoàn Kiếm nổi tiếng với nhiều quán cà phê nằm trên những căn gác nhỏ, không gian quán cũng nhỏ, thường có ban công và tầm nhìn xuống khung cảnh hồ. Để lên được quán, bạn sẽ phải đi vào sâu trong ngõ, lên những cầu thang hẹp, uốn lượn. Trong số này nổi tiếng nhất là Cà phê Đinh tại số 13 Đinh Tiên Hoàng. Quán có tuổi đời khoảng 40 năm, bán các loại cà phê truyền thống và cà phê trứng.

Một số quán khác gồm có: L'etage Cafe, Highlands Coffee, Cộng Cà phê, Cafe Balcony, cà phê Phố Cổ. Ngoài ra, còn một số quán nằm ở vị trí sát mặt hồ như Lục Thủy Cafe & Lounge, Cà phê Bốn Mùa.

Kem Tràng Tiền

Kem Tràng Tiền ra đời năm 1958 cùng với nhiều thương hiệu kem khác bắt đầu vào Việt Nam do ảnh hưởng của người Pháp. Hàng kem nằm trên phố Tràng Tiền và gắn với cái tên cũng như địa điểm đó đến nay. Các loại kem tiêu biểu phải kể tới như ốc quế, đậu xanh, cốm, chocolate. Trước đây, sản phẩm chủ yếu phục vụ tại chỗ, nhưng nay các mặt hàng đều có hình thức đóng hộp cho khách mang về. Đây là thương hiệu ẩm thực nổi tiếng, và là một nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội.

Nhà hàng Thủy Tạ

Nhà hàng Thủy Tạ nhìn ra hồ Hoàn Kiếm.

Nhà hàng Thủy Tạ nhìn ra hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Nhà hàng

Nhà hàng Thủy Tạ nằm nay trên phố Lý Thái Tổ và hướng ra hồ Hoàn Kiếm. Nhà hàng ra đời từ năm 1958, hiện phục vụ đồ ăn Việt Nam, cà phê, kem... Đây có thể là một trong những nhà hàng biểu tượng của Hà Nội, thích hợp là nơi hẹn hò cho những người lần đầu tiên đến thủ đô, muốn cảm nhận một không gian "rất Hà Nội". Dù vậy, với nhiều người địa phương, nhà hàng hơi đắt và có đồ ăn chưa thật sự ngon so với nhiều nơi khác.

Lưu ý

Nên hỏi giá gửi xe máy và ôtô quanh hồ Hoàn Kiếm. Thành phố quy định mức giá 3.000 đến 5.000 đồng một xe máy, ôtô từ 20.000 đến 30.000 đồng một giờ tùy thời gian ban ngày hay ban đêm, nhưng hiện quanh hồ mức giá gửi xe luôn cao gấp 2-3 lần.

Du khách lưu ý giữ vệ sinh chung, quanh hồ có nhiều thùng rác và nhà vệ sinh công cộng.

Tâm Anh

Adblock test (Why?)