Những nhà đầu tư ôm mộng đổi đời nhờ tiền số

Sage Giddens và Billy Curtis coi tiền số là đường tắt để giàu nhanh, vì những cách làm giàu truyền thống khác vô vọng hoặc quá tầm với của họ.

Mùa đông tiền số năm 2022 khiến vốn hóa thị trường này bốc hơi 1.000 tỷ USD và làm nhiều nhà đầu tư sợ hãi. Nhưng không phải tất cả đều nghĩ như vậy.

Rất nhiều người nói rằng họ vẫn đang rót vốn vào tiền số. Theo một khảo sát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ chi nhánh Philadelphia tháng 10 năm ngoái, khoảng 39% người sở hữu tiền số cho biết có thể mua thêm.

Theo các nhà đầu tư và các nhà nghiên cứu hành vi, một phần nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào tiền số là họ cảm thấy các con đường truyền thống để làm giàu đã bị bít lại. Những cách như làm công ăn lương, đầu tư vào cổ phiếu trong dài hạn và mua bất động sản đều khó thực hiện và kém hấp dẫn hơn tiền số, dù rủi ro thấp hơn.

Jordan Johnson (30 tuổi) là người duy nhất trong các anh chị em trong nhà tốt nghiệp cao đẳng. Anh kỳ vọng tấm bằng kinh tế sẽ giúp mình có cuộc sống dễ chịu với thu nhập 6 chữ số. Johnson đã mất 6 năm đi học và vay tiền trả học phí.

Ban đầu, Johnson làm việc ở một ngân hàng. Nhưng thu nhập cứ giậm chân tại chỗ, với 55.000 USD một năm. Anh dần mất kiên nhẫn với việc làm công ăn lương để giàu có. Sau đó, Johnson mở công ty nhỏ và thử đổ tiền vào tiền số từ tháng 1/2022. Mục tiêu của anh là thu lợi nhuận nhanh.

Jordan Johnson hy vọng giàu lên từ tiền số. Ảnh: WSJ

Jordan Johnson hy vọng giàu lên từ tiền số. Ảnh: WSJ

Tuy nhiên, thời điểm Johnson tham gia thị trường lại không phù hợp. Giá Ether – một trong các tiền số anh đầu tư – lao dốc. TerraUSD và Luna thì sụp đổ. Anh mất phần lớn số tiền đầu tư và bỏ lỡ kế hoạch trả hết nợ tháng tới.

Nhưng Johnson đang quay lại đầu tư. Lần này, anh chỉ rót tiền vào Bitcoin và sẽ giữ trong dài hạn. Johnson vẫn thích tiền số hơn là chứng khoán.

Câu chuyện về những người đầu tư sớm vào tiền số và kiếm được khối tài sản lớn, cùng việc các nhà đầu tư tổ chức, lãnh đạo doanh nghiệp, người nổi tiếng ca ngợi tiềm năng của công nghệ này đã tạo ra làn sóng nhà đầu tư cá nhân rót tiền vào đây. Tháng 7/2022, 16% người Mỹ cho biết từng mua, giao dịch hoặc sử dụng tiền số, theo khảo sát của Pew Research Center. Khi Pew hỏi riêng về Bitcoin năm 2015, tỷ lệ này chỉ là 1%.

Valerie Rivera – chuyên gia tài chính cá nhân tại FirstGen Wealth (Mỹ) - cho rằng biến động giá quá lớn của tiền số khiến tài sản này trở nên nguy hiểm. "Tôi không nghĩ nó nên nằm trong danh mục của mọi người đâu", cô nói.

Rivera cho biết các khách hàng của cô coi tiền số là đường tắt để tự do tài chính. Nhưng nhiều người thậm chí còn không làm được những điều cơ bản, như trả hết nợ thẻ tín dụng. Cô khuyên mọi người không nên đổ quá 5% tài sản vào tiền số và luôn chuẩn bị tinh thần cho việc trắng tay.

Dù nhiều người đã thành triệu phú, tỷ phú từ tiền số, nhà đầu tư bình thường luôn có khả năng mất tiền, theo báo cáo giữa năm ngoái của JPMorgan Chase.

Tuy nhiên, nhiều người trẻ coi tiền số là một trong những con đường ít ỏi để làm giàu. Sage Giddens và Billy Curtis năm nay đều 22 tuổi. Họ là bạn bè và đồng nghiệp tại một phòng gym ở Arkansas. Giddens cho biết đã dành 25% tiền lương mỗi tháng để đầu tư suốt một năm qua.

Cả hai mua tiền số vì các cơ hội làm giàu khác vô vọng hoặc ngoài tầm với của họ. Bất động sản cần quá nhiều vốn. Công việc của họ lại trả lương không đủ cao để tích lũy khối tài sản lớn. Curtis cho biết học cao đẳng có thể giúp anh cải thiện triển vọng công việc. Tuy nhiên, anh coi việc học lên cao là "lừa đảo", vì sau này sẽ mất khoản tiền lớn từ thu nhập để trả nợ học phí.

Trong suy nghĩ của Giddens và Curtis, tiền số dễ mua hơn rất nhiều và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn trong thập kỷ tới. "Nó rủi ro, nhưng đi kèm với lợi nhuận lớn. Tôi coi đây là khoản đầu tư cho nghỉ hưu", Giddens cho biết. Cả hai hiện đã có lãi.

Nghiên cứu của Adam Goldstein – nhà xã hội học tại Đại học Princeton cho biết việc chứng kiến các bong bóng giá tài sản khiến mọi người tin rằng họ sẽ phải tham gia sớm hơn vào đợt bùng nổ sau. Ví dụ, với Joe Oathout (44 tuổi), một phần nguyên nhân khiến anh mua tiền số là anh cảm thấy đã bỏ lỡ cơ hội trong quá khứ.

Năm 2007, anh suýt mua cổ phiếu Amazon khi giá chỉ là 4 USD, nhưng sau đó lại bỏ qua. Năm 2021, khoản đầu tư tiền số ban đầu trị giá 20.000 USD của anh đã biến thành 500.000 USD nhờ giao dịch lướt sóng. Nhưng thay vì bán, anh giữ lại và sau đó mất gần hết khi giá tiền số lao dốc.

Oathout giờ kỳ vọng giá tăng trở lại và đang mua nhiều hơn để không bỏ lỡ cơ hội. "Tôi tự nói với bản thân rằng khi cơ hội xuất hiện, tôi phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro", anh khẳng định.

Hà Thu (theo WSJ)

Adblock test (Why?)