Chiến sự khiến quan chức Ngân hàng Trung ương Ukraine phải thảo luận gói cứu trợ với IMF trước một màn hình laptop, trong căn phòng chỉ rộng 4m2.
Rạng sáng ngày 24/2/2022, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Ukraine Serhiy Nikolaychuk tỉnh giấc vì cuộc gọi của mẹ từ nước ngoài. Chuyến bay của bà về Kyiv đã bị hủy. Bà cũng đọc được tin xe tăng Nga đã đi qua biên giới Ukraine.
Vài phút sau, Nikolaychuk phải lao đến văn phòng để họp khẩn. "Vài suy nghĩ đã thoáng qua trong đầu tôi khi đó. Một là lo cho gia đình. Hai là cảm thấy mình có trách nhiệm lớn với quốc gia", Nikolaychuk (41 tuổi) nhớ lại, "Tôi nhận ra điều khủng khiếp đang xảy đến và duy trì hệ thống tài chính khi đó là thách thức chưa từng có".
12 tháng qua là thời kỳ khó khăn với các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới, do lạm phát lan tràn và rủi ro suy thoái. Nhưng chừng đó vẫn chưa là gì so với việc phải sơ tán khỏi thành phố đang bị bao vây, đánh giá lãi suất và quyết định cho vay từ hầm tránh bom.
Ngân hàng Trung ương Ukraine vốn đã có công việc rất khó khăn, khi phải điều hành nền kinh tế phụ thuộc vào hỗ trợ của nước ngoài và bất ổn chính trị. Những thách thức đó giờ được thay bằng việc làm thế nào tiếp tục công việc khi rủi ro bị ném bom luôn hiện hữu, và làm thế nào đảm bảo các sự kiện trên chiến trường không ảnh hưởng đến quyết định của họ.
Ngày đầu tiên của chiến sự, các lãnh đạo ngân hàng trung ương và một số cơ quan khác nhanh chóng thông qua Nghị định 18. Trong đó gồm 16 biện pháp khẩn cấp để ngăn hoảng loạn, củng cố hệ thống ngân hàng và kiểm soát vốn.
Nghị định được soạn thảo khẩn cấp gồm giới hạn rút tiền 100.000 hryvnia (2.708 USD) một hộ gia đình mỗi ngày, cấm rút ngoại tệ và đóng băng tỷ giá chính thức. Đến 10h sáng giờ Kyiv, nghị định có hiệu lực. Công việc tiếp theo là đảm bảo hệ thống giao dịch tiếp tục hoạt động, Phó thống đốc Kateryna Rozhkova nhớ lại.
"Tôi hoàn toàn tập trung, không sợ hãi gì cả", Rozhkova (50 tuổi) cho biết. Bên cạnh đó, vì đã có kinh nghiệm từ khủng hoảng tài chính sau khi Nga sáp nhập Crime năm 2014, cơ quan này đã tích trữ số dự trữ ngoại tệ lớn, với 27,5 tỷ USD. "Lần này, chúng tôi có bộ đệm tài chính và đã sử dụng nó", bà nói.
Sau đó, họ tạo một tài khoản để nhận các khoản hỗ trợ cho quân đội. Thậm chí, họ còn sắp xếp xe chở tiền từ các ngân hàng thương mại đến quân đội.
Chiến sự khiến mọi hoạt động của kinh tế Ukraine đảo lộn. Nguồn cung bị cắt đứt. Hàng loạt ngành công nghiệp phải đóng cửa vì hàng triệu người Ukraine phải sơ tán.
"Tôi nghe tin hàng loạt thành phố bị chiếm đóng, từ Mariupol đến Melitopol. Điều khủng khiếp đang xảy ra. Lần này, chiến sự không phải xảy ra ở nơi xa xôi nào nữa, mà ở ngay cạnh bạn. Nó diễn ra ngay trước mắt bạn, chứ không phải trên báo chí", bà nói.
Khi lực lượng Nga tấn công Kyiv, Ngân hàng Trung ương Ukraine đã phải hoãn một phiên họp về chính sách tiền tệ, dự kiến vào ngày 3/3, đồng thời đóng băng lãi suất tham chiếu tại 10%. Họ cho biết sẽ quay về mục tiêu kiềm chế lạm phát và thả nổi tỷ giá sau khi Ukraine không còn chiến sự.
Đến ngày 2/6, cơ quan này nâng lãi suất lên 25%. Họ cho biết phải nâng lãi suất cho vay để củng cố nội tệ, ổn định nền kinh tế và chặn lạm phát đang tăng tốc.
Cùng lúc đó, họ cũng thừa nhận các công cụ điều hành chính sách tiền tệ thông thường đã mất tác dụng, vì chiến sự. Hơn thế nữa, cuộc chiến khiến việc dự báo các chỉ số như thất nghiệp hay doanh số bán lẻ gần như là không thể.
Mức lãi suất này vẫn được duy trì đến hiện tại. Đồng hryvnia thì được neo vào USD. Ngân hàng Trung ương Ukraine đã hạ giá đồng tiền này 20% hồi tháng 7 để bảo vệ dự trữ ngoại hối.
Một vấn đề khác khiến chính sách tiền tệ khó hiệu quả là bất đồng với Bộ Tài chính Ukraine. Khi ngân hàng trung ương nâng lãi suất, bộ tài chính lại bán trái phiếu để tránh phải trả lãi cao hơn. Hậu quả là các ngân hàng thích đổ tiền vào chứng chỉ tiền gửi của ngân hàng trung ương với lãi suất cao hơn, thay vì cho chính phủ vay với mức lãi gần bằng thị trường.
"Cái giá phải trả của việc phạm sai lầm ngày càng tăng. Điều này khiến tôi phải dành nhiều thời gian nghiên cứu và ra quyết định hơn là trong thời bình", Thống đốc Andriy Pyshnyi cho biết trong một cuộc phỏng vấn tháng 12/2022.
Hôm đầu tiên chiến sự diễn ra, Ngân hàng Trung ương Ukraine sơ tán nhân viên bằng chuyến đi 18 giờ đến một địa điểm bí mật ở phía đông Ukraine. Sau đó, họ chuyển đến Lviv – một thành phố gần biên giới Ba Lan.
Các cuộc họp tại nơi trú ẩn khác xa căn phòng với chiếc bàn bóng bẩy ở trụ sở tại Kyiv. Hồi tháng 3, khi họ đang thảo luận gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 1,4 tỷ USD với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chuông báo động không kích vang lên. Các quan chức ngân hàng trung ương vì thế phải bỏ dở cuộc họp để xuống hầm.
"Hội đồng thống đốc đã phải họp lại trước một màn hình laptop trong căn phòng chỉ 4m2. Tôi nghĩ nhóm của IMF đã rất ấn tượng với việc đó", Nikolaychuk cho biết.
Chiến sự cũng là thời điểm các quan chức ngân hàng trung ương thể hiện sự đoàn kết với nhau. Cựu Thống đốc Kyrylo Shevchenko từng bị đồng nghiệp và Tổng thống và cả IMF chỉ trích vì cách lãnh đạo độc đoán của mình. Nhưng sau đó, Rozhkova cho biết họ đã đặt bất đồng sang một bên. "Tôi đã nói chuyện với Shevchenko. Sau khi chiến sự kết thúc, chúng tôi sẽ quay về vị trí cũ của mình", bà kể lại.
Gần một năm trôi qua, kinh tế Ukraine vẫn lao đao vì chiến sự. GDP năm ngoái giảm 30%, lạm phát vượt 26% và dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương vẫn đang vơi đi.
Tuy nhiên, khi tình hình chiến sự thay đổi, các mối lo của ngân hàng trung ương cũng khác đi. Hiện tại, nỗi sợ người dân ồ ạt rút tiền đã được thay thế bằng nguy cơ mất điện khiến các ngân hàng tê liệt. Để giữ an toàn cho các nhân viên, ngân hàng trung ương giờ có cả hầm trú ẩn tại Kyiv để họ ở qua đêm.
Khi nhiều người Ukraine phải nghĩ cách giúp đất nước khi chiến sự xảy ra, Nikolaychuk lại cảm thấy may mắn vì mình đã có mục tiêu rõ ràng. "Tôi phải tập trung ra quyết định hiệu quả nhất, và đây chính là cách cống hiến cho đất nước", anh nói.
Hà Thu (theo Bloomberg)