Tổng lượng rác thải nhựa phát sinh từ khách du lịch ở Việt Nam năm 2019 là 116.000 tấn, năm 2030 ước tính gần 340.000 tấn.
Theo số liệu công bố ngày 16/2 từ Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, trước Covid-19 năm 2019, 85 triệu khách nội địa xả ra gần 61.000 tấn rác thải nhựa, 18 triệu lượt khách quốc tế thải hơn 55.200 tấn. Tổng lượng rác thải nhựa phát sinh từ khách du lịch năm 2019 là 116.000 tấn. Ước tính con số này vào năm 2030 gần 340.000 tấn.
"Nếu không có các biện pháp giảm thiểu, lượng rác thải nhựa từ hoạt động du lịch tăng gấp ba lần trong 7 năm tới. Đây là áp lực rất lớn đến môi trường", Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch, Nguyễn Anh Tuấn, nói.
Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Hà Văn Siêu, ô nhiễm rác thải nhựa đang là thách thức lớn toàn cầu, gây ra những tác động nguy hại tới môi trường. Những năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam trên đà khởi sắc, ngày càng đón nhiều khách du lịch. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc hoạt động của du khách góp phần làm tăng rác thải nhựa.
Đây là lý do Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng Viện Chiến lược, Chính sách và Tài nguyên Môi trường khởi động Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch". Mục tiêu dự án nhằm thúc đẩy hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững.
Phương án được đề xuất gồm: nâng cao nhận thức các cấp, ngành, doanh nghiệp, người dân và du khách cũng như đẩy mạnh truyền thông về việc hạn chế sử dụng rác thải nhựa. Bên cạnh đó, Việt Nam cần cải thiện hệ thống phân loại, thu gom, tái chế và đưa ra các phương án giảm loại rác này. Các giải pháp, sáng kiến được triển khai thí điểm tại một số nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch ở hai tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam.
Trong Chỉ số Năng lực phát triển Du lịch của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2021 (năm 2022 chưa công bố), Việt Nam có 4 chỉ số bị xếp hạng thấp nhất trên tổng 17 chỉ số. Đó là Y tế và vệ sinh hạng 73, Hạ tầng dịch vụ du lịch xếp 86, mức độ ưu tiên cho ngành du lịch xếp thứ 87 và sự bền vững về môi trường đứng hạng 94.
Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, cho biết Việt Nam phải đối mặt nhiều khó khăn trong việc giảm tải này. Đầu tiên là ý thức người dân chưa cao, xả rác không đúng chỗ. Tiếp đến, chi phí để tạo ra những vật dụng thay thế nhựa còn cao. Nhiều doanh nghiệp e dè vì áp dụng sẽ làm tăng giá thành, khiến sức cạnh tranh giảm. Thứ ba là áp dụng các tiêu chí xanh trong sản phẩm dịch vụ du lịch ở diện rộng còn khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng nhưng còn quá ít so với số lượng đơn vị tham gia vào hoạt động du lịch. Phần lớn vẫn chạy theo lợi nhuận.
CEO Công ty Du lịch Âu Lạc, bà Hoàng Nhật Thành, cho biết nếu Việt Nam có nhiều biện pháp cũng như nâng cao nhận thức của người dân trong việc hạn chế dùng đồ nhựa một lần, rác thải nhựa sẽ giảm. "Thay vì phát cho khách đi tour hai chai nước, chỉ cần một, sau đó hướng dẫn họ hứng nước từ các vòi công cộng miễn phí hay bình đựng nước lớn, tôi tin mọi người đều hưởng ứng", bà Thành nói.
"Ngoài các biện pháp, chúng ta cần phải đưa ra chế tài xử phạt nghiêm khắc với những hành vi xả rác ra môi trường. Không chỉ nhắc nhở du khách, ý thức người dân quanh khu vực du lịch cũng cần được nâng cao", ông Tuấn nói thêm.
Phương Anh