Nỗ lực tái thiết có thể bù đắp phần nào ảnh hưởng của trận động đất lên kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ năm nay, khiến GDP không giảm quá mạnh.
Trong một báo cáo hôm 16/2, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) cho biết tác động kinh tế từ trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến GDP nước này giảm 1% năm nay. Nhà băng này cho biết đây là "ước tính hợp lý", do nỗ lực tái thiết sẽ giúp bù đắp phần nào ảnh hưởng tiêu cực của động đất lên chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng.
"Trận động đất ảnh hưởng chủ yếu đến các vùng nông nghiệp và những nơi sản xuất không cần nhiều vốn đầu tư. Vì thế, tác động lan truyền lên các lĩnh vực khác đã được hạn chế", Kinh tế trưởng EBRD Beata Javorcik cho biết.
Trận động đất ngày 6/2 tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã khiến hơn 41.000 người thiệt mạng và hàng triệu người khác cần cứu trợ nhân đạo. Những người sống sót thì rơi vào cảnh vô gia cư trong thời tiết lạnh giá.
Tăng trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ - nước nhận vốn lớn nhất từ EBRD - đã bị điều chỉnh giảm xuống còn 3% năm nay. EBRD cũng bổ sung rằng vốn vay nước ngoài ngày càng tăng, cũng như bất ổn chính trị năm 2023 sẽ khiến nước này càng gặp nhiều thách thức về kinh tế.
Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang quay cuồng trong khủng hoảng do cuộc thử nghiệm chính sách kinh tế của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan năm ngoái. Tháng 9/2021, ông yêu cầu Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ giảm lãi suất, thay vì nâng, khi giá cả đang tăng tốc. Năm ngoái, lạm phát nước này lập đỉnh 24 năm khi lên hơn 85%. Tháng trước, tốc độ này là gần 58%.
Đồng lira hôm 15/2 cũng xuống thấp kỷ lục so với USD. Dù vậy, việc này phần nào có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ. "Khi tốc độ mất giá của lira vượt lạm phát, hàng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng nhanh, nhờ giá thành rẻ nếu quy đổi sang USD", báo cáo nhận định.
Hà Thu (theo Reuters)