8 ngày khám phá Lào bằng xe máy

Đi khắp đất nước Lào, Chu Quang Cầu không chỉ ấn tượng bởi cảnh sắc thiên nhiên mà còn nhận ra người Lào rất tốt với người Việt.

Từ ngày 3 đến 11/2, Chu Quang Cầu (35 tuổi, Hà Nội) đã có chuyến phượt độc hành khám phá Lào. Với đam mê du lịch, anh Cầu đã quyết định thực hiện chuyến đi bằng chiếc xe máy quen thuộc để dễ dàng chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống con người nước bạn..

Độc hành khám phá Lào bằng xe máy

Anh Cầu trước Khải hoàn môn Patuxay.

Chuyến đi của anh Cầu hết khoảng 8 triệu đồng. Anh cho hay chi phí ăn uống ở Lào khá rẻ, không lo bị chặt chém. Hiện tỷ giá tiền Việt đổi sang Kip Lào đã tốt hơn trước và không có sự chênh lệch nhiều (1 Kip Lào = 1,4 VND). Nếu đi du lịch dài ngày, nên chuẩn bị thẻ Visa để có thể rút tiền tại các cây ATM, không cần mang quá nhiều tiền mặt.

Thủ tục mang xe máy và xuất nhập cảnh ở cả Lào và Việt Nam rất đơn giản. Anh Cầu sang Lào từ cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Thanh Hoá). Với phương tiện, anh làm giấy tờ tạm xuất và đóng dấu, phí 50.000 đồng. Với người, chỉ cần trình hộ chiếu và trả lời lý do xuất cảnh mục đích du lịch. Thời gian làm thủ tục cho cả người và xe hết khoảng 10 phút.

Khi nhập cảnh Lào, cảnh sát biên phòng chụp ảnh, đóng dấu vào hộ chiếu và ký xác nhận là được thông quan, phí 50.000 Kip. Hải quan Lào sẽ cấp giấy thông hành ghi thông tin xe, đảm bảo phương tiện được lưu thông đúng luật, được qua tất cả các cửa khẩu khi về lại Việt Nam, phí 100.000 Kip. Thời gian làm thủ tục nhập cảnh khoảng 20 phút.

Khi mang phương tiện giao thông qua Lào, anh Cầu lưu ý phương tiện và giấy tờ xe cần chính chủ. Ngoài ra, cần giữ giấy thông hành của phương tiện trong suốt chuyến đi để xuất trình khi CSGT Lào kiểm tra và làm thủ tục qua cửa khẩu về lại Việt Nam.

Độc hành khám phá Lào bằng xe máy - 1

Giấy thông hành xe Hải quan Lào cấp cho phương tiện của anh Cầu.

Địa hình Lào chủ yếu là đồi núi ở phía Bắc và bằng phẳng dần về phía Nam. Hạ tầng giao thông so với Việt Nam kém hơn nhưng vẫn ở mức an toàn, cần cẩn thận các đoạn đường dốc cao, nhiều cát bụi dễ gây nguy hiểm như cung từ Xầm Nưa men theo QL1C qua B.Sam Soun đến Luang Prabang. Với anh Cầu, đoạn đường cách Luang Prabang 150 km "là con đường ám ảnh nhất cuộc đời". Cung đường này chạy qua đỉnh các quả đồi, chỉ toàn đất và bụi, cần tay lái thật vững.

Đường từ Luang Prabang đến Vang Vieng cũng để lại cho anh ấn tượng khi có con đèo hiểm trở bậc nhất của Lào. Đèo Kasi không nhiều khúc cua gấp như Tây Bắc của Việt Nam, lượng xe đi lại cũng không nhiều nên không quá nguy hiểm, nhưng xe máy của anh "luôn trong trạng thái quá tải" vì những con dốc 12 độ nối nhau liên tiếp. Trên đỉnh đèo có một trạm dừng để ngắm cảnh. "Đứng từ đây nhìn xuống, đèo Kasi giống Khau Phạ ở Yên Bái. Kết thúc con đèo Kasi cũng là lúc tôi cảm nhận được cái nóng và những cơn gió Lào đầu mùa, đủ khiến người ta khô héo", anh Cầu chia sẻ.

Nhờ việc đi xe máy, anh Cầu đã có cơ hội trải nghiệm và ngắm nhìn toàn cảnh thiên nhiên của những vùng đất đi qua. Anh cho biết, hiện ở Bắc Lào các rừng cây đang vào mùa rụng lá, cảnh sắc thiên nhiên khiến anh liên tưởng đến mùa thu trời Âu. Xuống đến phía Nam, đất trống đồi trọc nhiều, khung cảnh hoang vắng hơn.

Đường xá không đẹp bằng Việt Nam nhưng anh Cầu rất ấn tượng với ý thức tham gia giao thông của người Lào. Anh cho biết, ở Lào rất hiếm khi nghe thấy tiếng còi xe. Bản thân anh khi sang đây cũng chỉ dùng đến còi xe 3 lần đoạn khúc cua tay áo trên đường đèo từ Sầm Nưa đi Luang Prabang. Ngay cả ở trung tâm Vientiane, anh bất ngờ khi thấy ôtô chật kín đường nhưng không hề nghe thấy tiếng còi xe hay các phương tiện chen lấn nhau. Muốn vượt, chỉ cần ra tín hiệu, các xe khác sẽ chủ động nhường đường. Thậm chí có những chiếc xe tải trọng lớn còn dừng hẳn lại ép vào sát lề để xe sau vượt qua nếu đường nhỏ. "Đây là một việc hiếm khi xảy ra ở Việt Nam", anh Cầu nói.

Trước khi sang Lào, anh Cầu cũng có tìm hiểu về luật giao thông nước bạn. Trong chuyến hành trình này, anh nhận thấy cảnh sát giao thông khá ít, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như thủ đô Vientiane. Anh cũng lưu ý thêm có khá nhiều đường một chiều nên nếu không rành đường tốt nhất nên hỏi người dân địa phương hoặc tìm trên bản đồ, không nên tùy ý di chuyển dễ mắc lỗi giao thông.

Khung cảnh lá vàng như mùa thu trên đường từ Sầm Nưa đi B.Sam Soun.

Khung cảnh lá vàng như mùa thu trên đường từ Sầm Nưa đi B.Sam Soun.

Người dân Lào rất dễ mến, thân thiện và đặc biệt quý người Việt Nam. Vì vậy, dù không biết tiếng Lào, anh Cầu vẫn nhận được những sự giúp đỡ nhiệt tình của người bản địa. Khá ít người Lào biết tiếng Anh, ngay cả những người làm du lịch ở khu vực trung tâm. Tuy nhiên lại nhiều người biết tiếng Việt. Vì vậy khách du lịch nên sử dụng tiếng Việt để giao tiếp trước, nếu người dân không hiểu thì có thể sử dụng các ứng dụng dịch trên điện thoại.

Khi đến những khu chợ ở Lào, anh Cầu thấy dù buôn bán cạnh tranh nhưng người dân luôn nhẹ nhàng, không có tình trạng chèo kéo, giành khách, tranh cãi. Ngoại trừ các thành phố lớn, đông khách du lịch thì các khu vực khác, người dân đều nghỉ ngơi khá sớm. Tầm 18-19h hàng quán, nhà dân đã đóng cửa.

Về ẩm thực, người Lào ăn cơm nếp là chủ yếu. Nhiều khi đến các quán ăn, anh Cầu gọi cơm đều được phục vụ một bát "xôi" theo cách người Việt hay gọi. Anh cũng cho biết thêm, các món ăn của người Lào thường được cho rất nhiều ớt nên khá cay. Nếu không ăn được cay nên báo trước.

Lào chủ yếu theo đạo Phật nên rất nhiều chùa và mọi công trình, kiến trúc đều mang màu sắc Phật giáo. Một số ngôi chùa nổi tiếng anh Cầu ghé qua như: Wat Xieng Thong, một trong những ngôi chùa to và cổ nhất ở Lào; That Luang, ngôi chùa dát vàng lớn nhất Lào; khu vườn tượng phật Buddha Park (hay còn gọi vườn tượng Phật Xiêng Khuông) với hàng nghìn tượng phật lớn nhỏ ở Vientiane; Wat Phou, đền thờ cổ xưa của Lào hay chùa Wat Phousalao trên đỉnh núi, có thể quan sát toàn bộ dòng sông Mekong chảy qua tỉnh Pakxe.

Trong hành trình, thành phố anh Cầu yêu thích nhất là Luang Prabang. Cố đô này có rất nhiều địa điểm du lịch đẹp như thác Kuang Si, một trong những thác nước đẹp nhất ở Lào hay chùa Wat Xieng Thong. Anh cũng lên đỉnh Phousi, đỉnh núi cao nhất Luang Prabang. Từ đây có thể phóng tầm mắt quan sát toàn bộ thành phố, và cũng là địa điểm ngắm bình minh, hoàng hôn đẹp nhất cố đô. Thành phố này có nhiều quán cà phê, quán bar có view đẹp, có một khu chợ đêm ở trung tâm. "Nếu dậy sớm vào khoảng 6h30 có thể thấy các nhà sư đi khất thực trên đường, sẽ rất mới mẻ", anh Cầu cho biết thêm.

Địa điểm vui chơi thú vị nhất với anh là Vang Vieng, đầy đủ các trò mạo hiểm và được tổ chức rất bài bản như zipline, kayak, khinh khí cầu, khám phá hang động, đi xe ôtô địa hình. Vang Vieng có rất nhiều đỉnh núi đá vôi đã được đầu tư để phát triển du lịch.

Bên cạnh Vang Vieng thì That Luang cũng khiến anh Cầu choáng ngợp vì độ nguy nga, đồ sộ. Ngôi chùa tháp được dát vàng nằm giữa một khuôn viên rộng lớn. Một điểm khác là chùa Wat Phousalao nằm trên đỉnh núi hoang sơ giữa thành phố Pakxe. Đây vừa điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất Lào mà anh từng trải nghiệm, cũng là nơi có thể chiêm ngưỡng toàn bộ dòng sông Mê Kông chảy qua Pakxe.

Qua chuyến đi, không chỉ bị ấn tượng bởi cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống của người dân đất nước triệu voi, anh Cầu còn nhận ra người Lào có tình cảm rất tốt với người Việt. Vì vậy anh hy vọng khi qua Lào, khách du lịch Việt sẽ cố gắng gìn giữ những hình ảnh đẹp đó trong mắt người dân nước bạn.

Quỳnh Mai
Ảnh: NVCC

Adblock test (Why?)