Lãi suất tăng, room tín dụng được quản lý chặt, tin đồn thất thiệt... khiến tiền vào chứng khoán giảm, theo ông Nguyễn Đức Chi.
Tại họp báo Chính phủ chiều 29/10, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Tài chính đánh giá, các cân đối vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định là cơ sở tốt cho thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán vừa qua có những phiên giảm, tăng điểm và hiện chỉ số Vn-Index quanh mốc 1.000 điểm.
Ông cho rằng chứng khoán thế giới điều chỉnh mạnh, giảm sâu đã tác động liên thông tới thị trường của Việt Nam. Việc dòng tiền vào thị trường chứng khoán giảm mạnh, theo ông, xuất phát từ động thái tăng lãi suất, quản lý chặt room tín dụng... Ngoài ra, kinh tế phục hồi nên dòng tiền hướng nhiều vào sản xuất kinh doanh, thay vì chứng khoán như trước.
Tuy vậy, Thứ trưởng Tài chính nói, vẫn tin tưởng vào phát triển ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng tốt.
Về giải pháp, ông Nguyễn Đức Chi khẳng định, Bộ Tài chính đưa ra nhiều phương án giữ thị trường vận hành ổn định, an toàn trong mọi tình huống.
Một trong số đó tăng tính minh bạch thị trường qua việc yêu cầu doanh nghiệp, thành viên tuân thủ nghiêm việc công bố thông tin và xử lý những trường hợp vi phạm.
Bộ Tài chính sẽ tập trung thanh, kiểm tra để giám sát thị trường, công ty niêm yết, công ty chứng khoán, quản lý quỹ và nhà đầu tư trong giao dịch... Việc này nhằm kịp thời phát hiện vi phạm trong công bố thông tin, kiểm soát giao dịch để đảm bảo tính minh bạch. Trường hợp nào vi phạm là công khai xử lý, thậm chí chuyển hồ sơ sang cơ quan công an với vi phạm nghiêm trọng.
Thị trường chứng khoán khá nhạy cảm trước tin đồn thất thiệt, nên ông Chi nói thêm, Bộ này sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành giám sát và xử lý các tin đồn, trường hợp tung tin để trục lợi, làm ảnh hưởng tới thị trường.
Bộ này cũng rà soát những quy định bất cập trong Luật Chứng khoán, tái cấu trúc thị trường, nâng cao năng lực công ty chứng khoán, quản lý quỹ, nhà đầu tư... nhằm giúp thị trường này phát triển bền vững, ổn định.
Liên quan tới ngân hàng, hiện nhiều nhà băng đang đua tăng lãi suất huy động, dẫn tới lo ngại doanh nghiệp gặp khó khi vay vốn.
Trả lời tại họp báo, Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Phạm Thanh Hà cho hay, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo thanh khoản các tổ chức tín dụng và ổn định tiền tệ.
Ông cho hay, tới cuối tháng 10 tín dụng tăng trưởng 11,5% so với năm 2021 và so với cùng kỳ năm ngoái tăng 17%. Với chỉ tiêu tín dụng cả năm tăng 14%, những tháng cuối năm còn dư địa tăng khoảng 2,5%.
Tuy nhiên, huy động vốn lại tăng trưởng chậm, tăng 4,6% so với đầu năm, tức chỉ bằng một phần ba tăng trưởng tín dụng. Điều này đặt ra thách thức cho thanh khoản hệ thống ngân hàng khi hệ số sử dụng vốn cao.
Việc điều chỉnh lãi suất điều hành vừa qua của Ngân hàng Nhà nước, ông Hà nói giúp các ngân hàng huy động thêm vốn, tăng thanh khoản, và có thêm vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Về lo ngại khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, Phó thống đốc khẳng định việc tăng lãi suất điều hành vừa qua phù hợp xu thế chung, đảm bảo thanh khoản và khả năng huy động vốn của các nhà băng.
"Chúng tôi luôn chỉ đạo các ngân hàng chú trọng vốn vay cho các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh như xăng dầu... đảm bảo doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thấp hơn so với mức chung của thị trường", ông Hà khẳng định.
Trong một tháng, Ngân hàng nhà nước đã hai lần tăng trần lãi suất điều hành, do áp lực lạm phát toàn cầu ở mức cao và USD lên giá mạnh.
Hiện lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 1% một năm, lãi suất với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 6% một năm - mức tương đương năm 2014. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn do ngân hàng ấn định trên cơ sở cung cầu vốn thị trường.