Thứ trưởng Tài chính cho biết ngân sách năm sau sẽ dành khoảng 60.000 tỷ đồng cho việc tăng lương cơ sở, lương hưu, các khoản trợ cấp khác...
Trả lời tại họp báo Chính phủ chiều 29/10, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, đến cuối năm 2021, nguồn lực dành cho cải cách tiền lương từ ngân sách địa phương là 290.000 tỷ đồng, ngân sách trung ương khoảng 43.000 tỷ đồng. Nguồn này chủ yếu từ tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi.
Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV đang diễn ra, Chính phủ trình Quốc hội tăng lương cơ sở cho cán bộ công chức, viên chức, từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng một người một tháng, tương đương 20,8% từ 1/7 năm sau.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, theo tính toán, nhu cầu phát sinh gồm lương hưu, người có công, an sinh xã hội, phụ cấp ưu đãi nghề, y tế dự phòng, cơ sở ... cần 60.000 tỷ đồng.
"Chúng ta hoàn toàn chủ động nguồn lực tài chính khi chính sách tăng lương cơ sở được cấp có thẩm quyền thông qua", ông Chi khẳng định.
Thảo luận tại tổ và hội trường về kinh tế xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị sớm tăng lương cơ sở từ 1/1/2023, thay vì từ 1/7 năm sau. Giải trình ý kiến này, Bộ Tài chính cho rằng, nếu tăng lương sớm từ đầu năm sẽ gây khó khăn cho kiểm soát lạm phát.
Bộ trưởng Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà khi giải trình tại phiên thảo luận ngày 27/10 cũng cho rằng khó tăng lương từ 1/1/2023 và mốc 1/7 là hợp lý trong điều kiện phải chủ động lường trước những vấn đề phát sinh như lạm phát, và các yếu tố khách quan khác.
Lương cơ sở là căn cứ tính lương của cán bộ, công chức, viên chức... trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác. Trước đây, việc điều chỉnh tăng lương được thực hiện hàng năm, nhưng 3 năm qua không thể thực hiện do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Lần điều chỉnh tăng lương cơ sở áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức gần nhất là từ 1/7/2019, tăng từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng. Theo đó, công chức trình độ đại học mới đi làm (hưởng lương bậc 1 với hệ số 2,34) sẽ nhận lương gần 3,5 triệu đồng.