Chưa chủ đầu tư nhà ở xã hội nào tiếp cận được vốn vay ưu đãi

Bốn "ông lớn" ngân hàng không được bố trí vốn nên chưa có chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội nào tiếp cận nguồn vay ưu đãi, giai đoạn 2016-2020.

Ngày 31/10, báo cáo Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho hay chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân gặp nhiều vướng mắc dù hành lang pháp lý khá đầy đủ.

Ông cho biết giai đoạn 2016-2020, ngân sách rót về cho Ngân hàng Chính sách xã hội rất thấp, chỉ hơn 3.160 tỷ trong tổng số 9.000 tỷ đồng (đạt 35%). Số tiền này đã được giải ngân cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo nhà. Tính riêng 10 tháng đầu năm nay, giải ngân 2.300 tỷ đồng cho gần 6.700 khách hàng thuộc nhóm vay ưu đãi.

Bốn ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV mà Nhà nước chỉ định cho vay ưu đãi nhà ở xã hội không được rót vốn để cấp bù lãi suất cho vay nên giai đoạn này không chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nào được tiếp cận nguồn vay ưu đãi.

Cuộc sống trong khu nhà ở xã hội ở Bình Tân, TP HCM, tháng 8/2022. Ảnh: Như Quỳnh

Cuộc sống trong khu nhà ở xã hội ở Bình Tân, TP HCM, tháng 8/2022. Ảnh: Như Quỳnh

Theo ông Nghị, quy định pháp luật trong phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, ngân sách cấp vốn cho vay ưu đãi xây dựng nhà ở xã hội còn thấp; đến nay cũng chưa bố trí nguồn vốn cấp bù lãi suất cho bốn ngân hàng được chỉ định cho vay ưu đãi nhà ở xã hội.

Chính sách ưu đãi chưa hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư và địa phương cũng không mặn mà với phát triển nhà ở xã hội. Các tỉnh thành chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hằng năm cũng như 5 năm; chưa bố trí 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để xây nhà ở xã hội. Doanh nghiệp khu công nghiệp ít chú trọng đến nhà ở cho công nhân..

Bộ trưởng Xây dựng cho rằng cần sửa đổi Luật Nhà ở để đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Đấu thầu cũng như văn bản liên quan; ưu tiên chính sách, điều kiện hưởng cho người thu nhập thấp cũng như quy hoạch, phát triển quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội.

Ông Nghị đồng thời đề nghị các bộ ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thúc đẩy thị trường bất động sản cũng như Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho nhóm thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 mà Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, cả nước đã hoàn thành hơn 300 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân khu công nghiệp với quy mô 155.800 căn; đang triển khai 400 dự án với quy mô hơn 454.000 căn. Con số xây dựng dù ấn tượng song vẫn chưa đáp ứng khi mới đạt trên 60% diện tích theo yêu cầu. Trong đó, nhà ở công nhân là 3,13 triệu m2 với hơn 62.000 m2 và nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 4,65 triệu m2 với 93.000 căn hộ.

Từ tháng 5 đến nay, Bộ này ba lần công bố danh mục 21 dự án đủ điều kiện được vay trên cổng thông tin và gửi Ngân hàng Nhà nước. Quy mô gần 19.900 căn, tổng mức đầu tư 20.179 tỷ và vốn vay theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.139 tỷ đồng.

Thống kê khoảng 70% lao động đang thuê trọ trong các khu nhà người dân tự xây, diện tích dưới 3 m2 một người. Sự gia tăng hàng loạt khu công nghiệp tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh... thu hút hàng triệu lao động làm việc, khiến nhu cầu chỗ ở tăng cao. Trong khi thu nhập bình quân công nhân từ 4 đến 6 triệu đồng mỗi tháng, chưa tính tăng ca. Khoản tiền chi cho thuê trọ, sinh hoạt phí, nuôi con khiến lao động hầu như không còn tích lũy, khó có khả năng mua nhà.

Sơn Hà - Hồng Chiêu

Adblock test (Why?)