TS Trần Đình Thiên nhìn nhận nếu chỉ tập trung kìm chế giữ lạm phát ở mức thấp nhưng sức khỏe doanh nghiệp yếu thì có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.
Lạm phát là một vấn đề được nhiều chuyên gia đề cập đến tại phiên thảo luận của Thủ tướng với các bộ ngành về kinh tế vĩ mô chiều 30/7. Trong đó, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên dành thời gian để chia sẻ quan điểm nên cân đối giữa mục tiêu kiểm soát lạm phát mà vẫn phát triển được kinh tế.
Ông cho rằng, chỉ số lạm phát chỉ là một phần trong câu chuyện giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nếu chỉ tập trung vào nó, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố khác.
"Các chỉ số chung đang tốt, nhưng phần nội địa kinh tế Việt Nam đang có nhiều vấn đề", ông Thiên nói. Phần nội địa ở đây được ông giải thích gồm nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, các doanh nghiệp đang trong tình trạng sức khoẻ yếu.
"Thách thức của nửa cuối năm không chỉ là lạm phát, trong điều kiện hiện nay, nếu giữ lạm phát thấp có khi lại là bất ổn. Phải xem doanh nghiệp có hoạt động tốt hay không. Lạm phát tốt mà doanh nghiệp yếu thì không ổn định kinh tế vĩ mô được", ông nói.
Ông ví dụ, trong khi doanh nghiệp thiếu vốn để hồi phục, nhưng cơ quan điều hành vì sợ lạm phát mà chậm bơm vốn sẽ là lãng phí cơ hội. Trong khi đó, Việt Nam vẫn có nền tảng tốt để kiểm soát lạm phát với mức tăng thêm 1-2% vẫn giữ được các ổn định lớn.
Trước đó, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 7 tháng đầu năm lạm phát cơ bản tăng 1,44% so với cùng kỳ 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung.
"Đừng lo sợ lạm phát thái quá", chuyên gia này nói đồng thời nhắc lại bài học năm 2011 khi Việt Nam vì sợ lạm phát mà siết chặt tín dụng khiến nền kinh tế nghẹt thở, thiếu vốn, dẫn đến hậu quả rất lâu sau mới khắc phục được.
"Tại thời điểm bất thường, nếu khu vực kinh tế tăng yếu mà không được hỗ trợ, chỉ chăm chăm siết tín dụng thì nguy hiểm", ông Thiên kết luận.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cũng cho rằng có một số lý do để yên tâm về lạm phát, nhưng không quá chủ quan. Thứ nhất là các dự báo giá xăng dầu có thể giảm trong thời gian tới. Lạm phát ở Việt Nam chủ yếu do chi phí đẩy, chủ yếu đến từ 3 nhóm: giao thông vận tải, lương thực thực phẩm, nhà ở vật liệu với nguyên nhân chung là xăng dầu tăng. Thứ hai là nguồn cung lương thực thực phẩm ở trong nước về cơ bản đảm bảo được. Cuối cùng là các chính sách điều hành hiện hoạt động tương đối tốt.
Theo ông Lực, tới đây, Chính phủ cần tiếp tục tập trung vào kiểm soát giá xăng dầu – được xem là trọng tâm giúp kiểm soát lạm phát. "Giá xăng dầu tăng 10% thì tăng trưởng GDP có thể giảm khoảng 0,5 điểm phần trăm, lạm phát tăng thêm 0,36 điểm phần trăm. Nếu giảm bớt được 30% giá từ phần thuế phí xăng dầu còn lại, GDP sẽ tăng thêm được 0,57 điểm phần trăm, CPI giảm được 0,41 điểm phần trăm", ông tính toán.
Dù vậy, nhìn chung ám ảnh lạm phát đang tạo ra áp lực đến người dân, doanh nghiệp. Những dữ kiện mà Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương cung cấp cho Thủ tướng và các chuyên gia khắc họa thêm điều này.
Ông Phương cho biết, áp lực tăng giá đang ngày càng lớn khi lạm phát bên ngoài bắt đầu ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất trong nước. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã xuất hiện tình trạng người dân hạn chế mở rộng sản xuất do giá nguyên liệu đầu vào (phân bón, thức ăn chăn nuôi...) tăng cao. Vì lý do tương tự, sản xuất công nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Giá vật liệu xây dựng leo thang đột biến cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân đầu tư công.
"Đã có chuyện nhà thầu thi công cầm chừng chờ vật liệu hạ giá hoặc chuyển sang tìm kiếm công việc tại các dự án FDI, gây thiếu nhân công thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia", ông Phương nói.
Còn Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng Nguyễn Đức Kiên cho biết, lạm phát thế giới lên cao khiến người tiêu dùng tại các nước Việt Nam xuất khẩu hàng hoá thắt chặt chi tiêu, hạn chế nhu cầu tiêu dùng. Kết quả là, lượng đơn đặt hàng tại các doanh nghiệp giảm.
"Qua tháng 7, Tổ đi khảo sát một số doanh nghiệp, đơn đặt hàng của quý III nối sang quý IV bắt đầu giảm. Có những đơn vị giảm đến 17% so với quý II", ông Kiên nói.
Ngoài lạm phát, các chuyên gia cho rằng nửa cuối năm, các thách thức với kinh tế Việt Nam còn gia tăng với câu chuyện chậm giải ngân đầu tư công, bất ổn trên thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu... Trước các vấn đề được chuyên gia nêu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, quan điểm chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô tới đây là sẽ không chủ quan, nắm bắt theo diễn biến quốc tế và trong nước. Các điều hành sẽ linh hoạt, phối hợp giữa các công cụ chính sách, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn.
Lấy ví dụ với kiểm soát lạm phát, ông nói, trong điều kiện lạm phát chủ yếu do chi phi đẩy, chính sách tiền tệ càng phải thận trọng, chủ động. Nếu thị trường thế giới thu hẹp thì phải đẩy mạnh thị trường trong nước, sử dụng phù hợp các công cụ tài khóa như thuế, phí, lệ phí, đầu tư công...
Đức Minh