Nhà đầu tư nước ngoài rót hơn 14 tỷ USD vào Việt Nam tính đến ngày 20/6, giảm gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thông tin trên vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố. Tuy nhiên, theo cơ quan này, dù lượng đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn do ảnh hưởng của Covid-19, vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đã tăng mạnh lần lượt là 65,6% và 41,4%.
Theo đó, Việt Nam nửa đầu năm có 752 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký đạt gần 5 tỷ USD, giảm hơn 48% so với cùng kỳ năm ngoái; 487 lượt dự án đăng ký tăng vốn với mức điều chỉnh đạt gần 6,82 tỷ USD, tăng gần 66%; và 1.707 lượt góp vốn với tổng giá trị trên 2,27 tỷ USD, tăng hơn 41%.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 trên 21 ngành kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn gần 8,84 tỷ USD, chiếm gần 63% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với hơn 3,15 tỷ USD, chiếm 22,5%.
Singapore hiện dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,1 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm gần 27% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 2,66 tỷ USD, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư, tăng khoảng 30%.
Thông qua dự án Lego có tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, Đan Mạch tiếp tục đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,32 tỷ USD, chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản...
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam (VAFIE), Việt Nam nằm gần các quốc gia Đông và Đông Nam Á khác, quen thuộc hơn với phong tục và văn hóa nên thu hút dòng vốn từ các khu vực này cao.
Trong khi đó, các yếu tố như Việt Nam thiếu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thủ tục hành chính rườm rà có thể khiến nguồn vốn từ Đức, Pháp, Anh, cũng như Mỹ có phần thấp hơn.
Báo cáo FDI vào Việt Nam nửa đầu năm 2022 của EuroCham vừa công bố cũng cho rằng, EVFTA thực thi trong bối cảnh Covid-19 và sau đó bất ổn kinh tế toàn cầu, khiến dòng vốn ngoại chưa thực sự bùng nổ tại Việt Nam.
Ở giai đoạn đầu khi Covid-19 xuất hiện, dòng vốn vào Việt Nam giảm, từ mức 38 tỷ USD của năm 2019 xuống 28,5 tỷ USD năm 2020. Trong đó, vốn đăng ký mới giảm từ 15,2 tỷ USD xuống 14,8 tỷ USD.
Đến năm thứ hai của đại dịch, dù tình hình Covid-19 căng thẳng hơn nhưng dòng vốn vào Việt Nam đảo chiều. Tổng FDI năm ngoái đạt 31,2 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ 2020. Riêng vốn đăng ký mới đạt 18,6 tỷ USD.
Giải ngân vốn FDI nói chung trong 4 năm qua tương đối ổn định, dao động 19,1 tỷ USD vào năm 2018, tiếp theo là 20,4 tỷ USD năm 2019, sau đó giảm xuống 20 tỷ USD năm 2020 và 19,7 tỷ USD vào 2021.
Riêng vốn từ châu Âu trong khoảng thời gian từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2021, tức năm đầu khi EVFTA hiệu lực, đã chậm lại. Đầu tư của EU giảm gần 13% trong giai đoạn này so với một năm trước, với số vốn đăng ký mới là 423 triệu USD. Tổng vốn của EU đổ vào Việt Nam (bao gồm đăng ký mới và tăng thêm) giảm 38,2%, xuống một tỷ USD.
Ngoài ra, EuroCham cũng nhận định, do hậu quả của đại dịch, rất khó để đánh giá đầy đủ EVFTA đã tác động như thế nào đến dòng vốn ngoại khi nền kinh tế gắn bó chặt chẽ với diễn biến của Covid-19. "Việc bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine cũng đã có tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu, khiến việc đánh giá tình hình càng trở nên khó khăn hơn", báo cáo nhận xét.
Tuy nhiên, triển vọng dòng vốn ngoại riêng từ EU được cho là tích cực. EU hiện đầu tư vào 18 trong số 21 ngành kinh tế của Việt Nam. Sản xuất và chế biến chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 36,3% đầu tư vào lọc và hóa dầu. Đứng thứ hai là sản xuất và phân phối năng lượng.
Việt Nam đang đặt mục tiêu chuyển từ nước có thu nhập trung bình thấp sang nước thu nhập trung bình với nền công nghiệp hiện đại vào năm 2025, và nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Điều này được thực hiện bằng cách thúc đẩy chất lượng của FDI và các doanh nghiệp trong nước thông qua các sáng kiến chia sẻ kiến thức và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực. "Lợi ích của Việt Nam và châu Âu là phù hợp với nhau về vấn đề này", EuroCham đánh giá.
Báo cáo cho rằng nhiều khả năng FDI từ châu Âu vào Việt Nam sẽ được hưởng lợi về lâu dài vì nhiều quốc gia và doanh nghiệp EU vẫn dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực sản xuất tiên tiến, bao gồm kỹ thuật số, công nghệ xanh, năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao.
Hiện lợi ích của EVFTA cũng chưa được tận dụng đầy đủ do việc chưa thực thi Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Các nước thành viên Liên minh châu Âu vẫn trong quá trình phê chuẩn. Giới chức Việt Nam cùng với EuroCham đang tích cực vận động để đẩy nhanh tiến độ.
"Bằng cách tạo ra các cam kết đối xử công bằng và bình đẳng, bảo vệ đầu tư và minh bạch pháp lý, EVIPA có thể sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại song phương và đầu tư trực tiếp nước ngoài", báo cáo nhận định.
Viễn Thông - Phương Ánh
Đức Minh