Thế khó của 'đại gia' nuôi heo phía Bắc

Nhu cầu và giá thịt heo phục hồi chậm, khó theo kịp đà tăng của giá nguyên liệu đầu vào khiến Dabaco đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng.

Năm nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) đặt mục tiêu doanh thu 22.559 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 918 tỷ đồng. So với mức thực hiện năm ngoái, kế hoạch này vượt gấp đôi về doanh thu và hơn 10% về lợi nhuận. Tuy vậy, chỉ tiêu lợi nhuận đề ra vẫn thấp hơn 34% so với mức mà doanh nghiệp này đã thực hiện vào năm 2020.

Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch Tập đoàn Dabaco cho biết, các chỉ tiêu kinh doanh được công bố dựa trên đà tăng trưởng từ nội lực và những yếu tố về mặt thị trường một cách thận trọng, khả thi. Năm 2022, Dabaco dự báo tiếp tục là một năm đầy khó khăn khi Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, kèm theo sự đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Ngoài ra, các ổ dịch cúm gia cầm và dịch tả heo châu Phi có dấu hiệu bùng phát trở lại tại nhiều địa phương đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức nuôi tái đàn.

Kế hoạch kinh doanh đầy thận trọng của "đại gia" nuôi heo phía Bắc được xem là phù hợp trước nhiều thế khó đang bủa vây.

Trước hết, gánh nặng về sức mua suy giảm trong nửa cuối năm 2021 vẫn tiếp diễn. Năm ngoái, doanh thu của Dabaco đạt hơn 10.800 tỷ đồng, nhích nhẹ 8% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này chỉ gần tương đương với năm 2019 - giai đoạn dịch tả heo châu Phi hoành hành. Sức mua trên thị trường giảm mạnh, lưu thông hàng hóa chậm đẩy kết quả kinh doanh của các công ty chăn nuôi giảm mạnh.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sau Tết nhu cầu tiêu dùng thịt heo của người dân giảm mạnh. Trong khi đó, sản lượng heo liên tục phục hồi khiến nguồn cung trên thị trường tăng lên. Ngoài ra, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình phục hồi chậm cũng kéo sức mua khó thể tăng trưởng tốt. Báo cáo gần đây của Chứng khoán Yuanta dự báo, nhu cầu hồi phục của thị trường sẽ yếu khi thu nhập bình quân đầu người có thể chỉ tăng 2% trong năm 2022. Theo đó, tiêu thụ thịt heo mỗi người cũng chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ.

Sức mua cũng kéo đồ thị giá thịt heo chùng chình suốt thời gian qua. Từ đầu năm đến nay, giá heo hơi thường có xu hướng đi ngang hoặc giảm, gần đây giao dịch quanh mức 50.000-54.000 đồng một kg. Mức giá này đã phục hồi so với đáy 37.000 đồng hồi tháng 10 năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn so với vùng giá trên 60.000 đồng kéo dài suốt từ nửa cuối năm 2019 đến nửa đầu năm 2021.

Theo Chứng khoán Yuanta, giá heo trung bình năm nay đạt mức khoảng 60.000-61.000 đồng một kg nhưng phải chờ đến giai đoạn nửa cuối năm. Đặt kỳ vọng cao hơn, VnDirect dự báo giá heo hơi sẽ tăng trong ngắn hạn và đạt 55.000-60.000 đồng một kg. Tuy nhiên, đơn vị này cho rằng trong năm 2022, giá heo hơi bình quân giảm 5,8% so với mức 61.600 đồng năm ngoái. Với giả định trên, VnDirect dự báo doanh thu từ mảng trang trại và thực phẩm của Dabaco sẽ giảm 9,7%.

Đầu ra gặp nhiều chướng ngại vật, tuy nhiên đầu vào của dây chuyền sản xuất mới là thế khó lớn hàng đầu của Dabaco. Với mô hình kinh doanh 3F (Feed - Farm - Food), vừa chăn nuôi vừa có chín thương hiệu thức ăn, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng rất lớn khi giá nguyên liệu biến động.

Chứng khoán Yuanta thống kê, giá các loại nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng mạnh trở lại từ đầu năm 2021 đến nay do chi phí vận tải tăng cao đang thúc đẩy các nhà sản xuất tăng nhập khẩu nguyên liệu tích trữ. Hiện tại, giá bắp tăng 50%, giá đậu nành tăng 38%, giá lúa mì tăng 62% so với đầu năm ngoái. Thế nhưng, giá thức ăn chăn nuôi trong nước dẫu tăng theo, cũng chỉ đạt mức 30% so với cùng kỳ. Đơn vị này dự báo, giá thức ăn chăn nuôi khó tăng kịp tốc độ của giá nguyên liệu đầu vào.

Trong khi đó, VnDirect cho rằng xung đột Nga - Ukraine sẽ có tác động tiêu cực đến ngành thức ăn chăn nuôi trong ngắn hạn. Hai quốc gia trên lần lượt xuất khẩu lúa mì lớn hàng đầu và thứ ba trên thế giới, chiếm gần một phần ba tổng kim ngạch thương mại mặt hàng này. Ngoài ra, Ukraine còn là nước xuất khẩu bắp lớn thứ tư, chiếm 22% kim ngạch toàn thế giới. Giá lúa mì và giá bắt đã tăng lần lượt gần 18% và 8,5% so với trước khi xảy ra xung đột. Do đó, đơn vị này dự báo giá nguyên liệu đầu vào sẽ tiếp tục ở mức cao trong ngắn hạn và giảm dần trong 6 tháng cuối năm 2022.

Việc chi phí đầu vào tăng cao cộng thêm nhu cầu tiêu dùng phục hồi yếu và giá heo nhiều khả năng đi ngang, càng khiến lợi nhuận Dabaco bị bào mòn. Thực tế trong năm ngoái, doanh thu tăng trưởng nhưng doanh nghiệp này bị thâm hụt gần 42% lợi nhuận sau thuế. Biên lợi nhuận gộp sau khi đạt đỉnh trong năm 2020 cũng lùi về khoảng 17%, tương đương mức trung bình các năm trước đó. Trong năm 2021, giá vốn mảng thức ăn chăn nuôi và thực phẩm đã bằng 85% doanh thu của mảng này.

Một buổi tiêm thử nghiệm vaccine dịch tả heo châu Phi của Dabaco hồi tháng 11/2021. Ảnh: DBC

Một buổi tiêm thử nghiệm vaccine dịch tả heo châu Phi của Dabaco hồi tháng 11/2021. Ảnh: DBC

Tuy nhiên, Dabaco từ lâu không còn là doanh nghiệp thuần nông, mà đã tích cực tham gia vào nhiều lĩnh vực kinh doanh như khách sạn, sản xuất hàng tiêu dùng, xây dựng và bất động sản. Công ty đang triển khai dự án Huyền Quang (Bắc Ninh) với quy mô 458 căn hộ, dự kiến bàn giao vào quý II năm nay. Dự án này, theo tính toán của VnDirect, sẽ mang lại 802 tỷ đồng doanh thu và gần 100 tỷ đồng lãi ròng trong năm nay.

Ngoài ra, công ty cũng vừa bổ sung ngành nghề mới để đẩy mạnh kế hoạch thương mại hóa vaccine dịch tả heo châu Phi đang nghiên cứu. Dabaco đã hoàn thành 95% tiến độ thử nghiệm vào tháng 12 năm ngoái và cho kết quả tích cực. Năm nay, công ty dự kiến đầu tư nhà máy sản xuất vaccine tại Bắc Ninh nhưng phải đến quý IV mới có thể bắt đầu sản xuất ra thị trường. Tuy nhiên, mảng vaccine do chưa có thông tin rõ ràng nên có thể sẽ không đóng góp hoặc đóng góp tỷ trọng nhỏ vào doanh thu năm nay của Dabaco.

Tất Đạt

Adblock test (Why?)