Mất kỳ nghỉ 3.000 USD vì hộ chiếu bị mốc

Bronte Gossling sốc vì phải hủy chuyến du lịch trị giá gần 3.000 USD đến Bali do hộ chiếu lâu không dùng bị ẩm mốc.

Bronte Gossling, du khách Australia, đến Bali nghỉ lễ, sau khi hòn đảo mở cửa đón khách và miễn cách ly từ 14/3. Cô đã bỏ ra gần 3.000 USD mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn cùng chi phí các lần xét nghiệm Covid-19. Đúng kế hoạch, Bronte ra sân bay để lên đường.

Tại quầy làm thủ tục, cô được thông báo không thể lên máy bay. "Nhân viên quầy vé Jetstar nói rằng trang hộ chiếu có ảnh chân dung tôi bị dính một chút nấm mốc. Do đó, tôi không thể lên máy bay. Tôi bị sốc", cô nói. Bronte được giải thích rằng, ngay cả khi cô lên được máy bay, hải quan ở Bali cũng không cho phép nhập cảnh với tấm hộ chiếu như vậy.

Bronte (áo đen) chia sẻ sự cố của mình với mong muốn mọi người không ai mắc lại lỗi này và có chuyến đi vui vẻ. Ảnh: Instagram/bronte.png

Bronte (áo đen) chia sẻ sự cố của mình với mong muốn mọi người không ai mắc lại lỗi này và có chuyến đi vui vẻ. Ảnh: Instagram/bronte.png

Bronte đã để hộ chiều trong ngăn kéo suốt hai năm qua do dịch bệnh. Cô cho rằng hộ chiếu hầu như không sử dụng, cộng với độ ẩm cao khi Australia bị lũ lụt, khiến giấy tờ bị hỏng. Dù phải hủy bỏ kỳ nghỉ lễ và mất tiền, Bronte vẫn cảm thấy may mắn. Nếu cố tình đến Bali, có thể cô bị mắc kẹt ở đó và phát sinh thêm nhiều khoản phí, trước khi bị trục xuất.

Theo quy định từ năm 2019, chính quyền Indonesia có thể phạt các hãng bay hơn 4.300 USD nếu cho phép hành khách đến hòn đảo bằng hộ chiếu bị hư hỏng. Hành khách cũng có thể bị giữ lại ở sân bay và trục xuất.

Bronte không phải là người đầu tiên gặp rắc rối với hộ chiếu khi đến Bali. Năm 2019, cầu thủ bóng đá Australia Sam Kerr không được lên chuyến bay vì lý do hộ chiếu bị sờn mép. Hai du khách khác là Richard và Ann Lane đến từ Lincolnshire, Anh chấp nhận mất gần 10.000 USD tiền đặt dịch vụ cho chuyến du lịch Bali và Malaysia vì có một lỗ rách nhỏ trên hộ chiếu.

Anh Minh (Theo Nine)

Adblock test (Why?)