Sau khi thoái vốn liên tục khỏi NBB từ cuối năm trước, CII dự kiến thoái tiếp vốn khỏi SII, công ty do CII sở hữu gần 51% vốn.
Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) vừa thông báo Nghị quyết Hội đồng quản trị chấp thuận việc thoái vốn tại Công ty Hạ Tầng Nước Sài Gòn (SII). Chủ tịch CII Lê Vũ Hoàng được uỷ quyền quyết định các vấn đề liên quan.
Theo báo cáo tài chính, SII là một trong 12 công ty con của CII tính tới cuối năm 2021, với tỷ lệ sở hữu 50,61%. Doanh nghiệp này hoạt động trong ba mảng chính là đầu tư phát triển các dự án về xử lý nước, dịch vụ kỹ thuật môi trường nước và phát triển dịch vụ vận hành, bảo trì.
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này thời gian gần đây không khả quan. SII báo lỗ trong hai năm gần nhất với lỗ ròng năm 2020 và 2021 lần lượt là 111 tỷ và 78 tỷ đồng.
Động thái thoái vốn khỏi SII của CII nối tiếp việc bán ra cổ phần của công ty con liên tục từ cuối năm trước. Từ đầu tháng 10 năm trước khi cổ phiếu NBB tăng mạnh, CII đã liên tục bán ra cổ phiếu.
Tỷ lệ sở hữu của CII tại NBB giảm từ 93,7% xuống 65,32% tính tới cuối năm 2021 và tiếp tục giảm xuống 51% vào đầu năm nay.
Việc thoái vốn khỏi các công ty con diễn ra trong bối cảnh CII báo lỗ kỷ lục. Lũy kế cả năm 2021, doanh thu thuần của công ty này giảm 47% xuống 2.868 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm hơn 30%. Kết quả là CII báo lỗ ròng hơn 240 tỷ đồng, lần đầu tiên từ khi niêm yết.
Trong văn bản giải trình, CII cho biết hai quý cuối năm, việc giãn cách xã hội kéo dài đã khiến doanh thu sụt giảm mạnh. Hai nguồn thu chính là thu phí giao thông và bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề.
Tất cả trạm BOT do CII quản lý phải dừng thu, hoạt động kinh doanh bất động sản bị tê liệt hoàn toàn từ đền bù, xây dựng, đến kinh doanh trong thời gian giãn cách. Trong khi đó, công ty vẫn phải ghi nhận các chi phí phát sinh, chủ yếu là chi phí lãi vay và phân bổ lợi thế thương mại.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo CII, kết quả kinh doanh trên báo cáo tài chính chưa thể hiện đầy đủ các khoản lợi nhuận mà CII đã thu thực tế trong năm.
Cụ thể, CII đã thoái 25,4 triệu cổ phiếu NBB, thu về số tiền hơn 1.000 tỷ đồng và ghi nhận lợi nhuận khoảng 595 tỷ đồng trên báo cáo tài chính riêng. Tuy nhiên, do NBB vẫn là công ty con nên khoản lợi nhuận này được ghi nhận vào lợi nhuận chưa phân phối mà không được hạch toán vào lợi nhuận hợp nhất, dẫn đến tình trạng "lời thật, lỗ giả".
Mới đây, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã bổ sung cổ phiếu CII vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính là số âm.
Minh Sơn