Tổng thống Mỹ đang chạy đua để chứng tỏ khả năng giải quyết tình trạng giá cả tăng cao trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm tới.
Joe Biden nhậm chức với một loạt các kế hoạch kinh tế nhằm nâng cao vị thế của Mỹ trên trường thế giới và khởi động một thị trường lao động bị tàn phá bởi đại dịch. Trải qua mười tháng trong nhiệm kỳ, ông đang phải đối mặt với một loạt thách thức kinh tế mới.
Số người Mỹ tìm kiếm trợ cấp thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong 52 năm vào tuần trước. Tuyển dụng đang có xu hướng gần mức cao kỷ lục. Chi tiêu của người tiêu dùng tăng lên. Nhưng những diễn biến kinh tế tích cực đó đã trở nên phức tạp bởi chuỗi cung ứng tắc nghẽn và lạm phát cao nhất trong ba thập kỷ.
Giờ đây, Biden đang chạy đua để thể hiện khả năng giải quyết tình trạng giá cả tăng cao và tắc nghẽn, trong bối cảnh một số cố vấn lo lắng cho cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm tới. Tổng thống đã yêu cầu các cố vấn kinh tế cao cấp nhất thành lập một lực lượng đặc nhiệm nội bộ, theo dõi dữ liệu chi tiết như có bao nhiêu container đang kẹt ở các cảng bao lâu.
Các nhà kinh tế và các nhà phân tích cho rằng, chính quyền Biden có ít lựa chọn để làm chậm việc giá cả tăng và đảm bảo hàng hóa được giao đúng hạn. Nhiều nhà kinh tế hoài nghi rằng những nỗ lực mà Nhà Trắng đang tiến hành - bao gồm giải phóng dự trữ xăng dầu và thúc đẩy các cảng hoạt động trong nhiều giờ hơn - chỉ có thể thay đổi đáng kể lạm phát trong ngắn hạn.
"Họ không có bất kỳ công cụ chính sách tuyệt vời nào để giải quyết các nguyên nhân dẫn đến lạm phát gia tăng", Josh Bivens, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Chính sách Kinh tế, cho biết.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lạm phát tăng. Biến thể Delta đã kéo dài sự gián đoạn của đại dịch. Các nhà máy và hải cảng ở nước ngoài đóng cửa, hạn chế nguồn cung hàng hóa khi người Mỹ có tiền để tiêu. Trong khi đó, nhiều người Mỹ không muốn trở lại làm việc. Những người khác có những ràng buộc kéo dài trong việc chăm sóc trẻ em, gây ra tình trạng thiếu lao động.
Lãi suất cực thấp của Cục Dự trữ Liên bang và nhiều đợt kích thích của chính phủ cũng góp phần làm bùng nổ nhu cầu hàng hóa. Nhu cầu mạnh mẽ và nguồn cung hạn chế là một công thức cho lạm phát.
Vào tháng 3, Biden đã ký ban hành dự luật cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ, phát 1.400 USD cho nhiều người Mỹ, gia hạn thêm 300 USD bổ sung trợ cấp thất nghiệp hằng tuần, và mở rộng một năm tín dụng thuế trẻ em.
Một số nhà kinh tế cho rằng gói cứu trợ này trùng hợp với sự gia tăng trong hoạt động kinh tế khi tiêm chủng phổ biến rộng rãi, đã góp phần gây ra lạm phát. "Đó là một sai lầm và chúng ta đang trả giá cho nó", Doug Holtz-Eakin, Nguyên cố vấn kinh tế cho Tổng thống George W. Bush, bình luận.
Các quan chức Nhà Trắng thừa nhận gói cứu trợ đó có thể đã góp phần làm tăng giá cả, một khả năng mà họ đã biết trước khi nó được thông qua. Nhưng Nhà Trắng cho rằng gói này là cần thiết và họ có thể thực hiện các bước để chống lạm phát ngay bây giờ.
Jared Bernstein, thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, cho biết chính phủ đang làm mọi thứ có thể, cả về phía chuỗi cung ứng, nguồn cung khí đốt, bù đắp chi phí cho các gia đình. Tuy nhiên, khi nhìn lại, ông cho rằng vẫn sẽ không đánh đổi các lợi ích của gói cứu trợ chỉ vì tình trạng lạm phát hiện tại. "Kế hoạch giải cứu đã cứu được nhiều mạng người", ông nói.
Hôm 23/7, Biden thông báo rằng Mỹ sẽ giải phóng 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ trong những tuần tới. Trước đó, ông đã kêu gọi Ủy ban Thương mại Liên bang điều tra xem liệu các công ty dầu khí có tham gia vào hành vi bất hợp pháp nhằm giữ giá xăng dầu ở mức cao hay không.
Các nhà phân tích cho rằng cả hai nỗ lực sẽ có những tác động hạn chế. Giá dầu thô tương lai ban đầu tăng khiêm tốn sau thông báo hôm 23/7 của Biden. Nhưng sau đó, nó giảm vào hôm 26/11 chỉ vì biến thể Omicron.
Biden đã không thành công trong việc tìm ra các cách nhanh chóng để giải quyết các nút thắt trong chuỗi cung ứng. Ông nhấn mạnh các cảng bận rộn nhất phải mở cửa 24 giờ một ngày, nhưng chỉ có một nhà ga ở các cảng Los Angeles và Long Beach cung cấp dịch vụ đón khách 24 giờ trong bốn ngày một tuần và hiếm khi mở cửa qua đêm vì không có đủ xe tải đến nhận container.
Nhà Trắng cho biết các nỗ lực hợp tác khác với các cảng Nam California đã giúp giảm bớt tắc nghẽn. Chẳng hạn, vào tháng 10, các cảng đã công bố kế hoạch phạt các hãng vận tải có container để quá lâu tại cảng. Tuy nhiên, kế hoạch phạt bị hoãn, sau khi các cảng cho rằng việc di chuyển container đã được cải thiện.
Tuần này, có những dấu hiệu cho thấy căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu đang bắt đầu giảm. Nhưng các CEO vận chuyển, sản xuất và bán lẻ dự báo hoạt động vẫn chưa trở lại bình thường cho đến năm sau.
Các quan chức Nhà Trắng cho biết Biden sẽ tiếp tục công khai kêu gọi hợp tác từ các ngành mà ông tin rằng đang thu về lợi nhuận lớn khi tăng giá cho người tiêu dùng. Một số cố vấn bên ngoài của ông kêu gọi phản ứng mạnh mẽ hơn với lạm phát để chống lại những lời chỉ trích ngày càng tăng từ đảng Cộng hòa.
Đầu tuần qua, Tổng thống cho biết sẽ đề cử Jerome Powell vào nhiệm kỳ thứ hai lãnh đạo Fed vì tin rằng ông Powell có khả năng giải quyết mối đe dọa lạm phát. Các quan chức Fed thì trong tình thế phải cân bằng cẩn thận việc bắt đầu tăng lãi suất. Làm như vậy quá sớm có thể hạ nhiệt sự phục hồi kinh tế. Nhưng một phản ứng thiếu chặt chẽ có thể khiến lạm phát tăng thêm.
Austan Goolsbee, người đứng đầu Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời chính quyền Obama, cho biết các hạn chế trong chuỗi cung ứng có thể sẽ giảm bớt nếu người Mỹ chuyển chi tiêu từ hàng hóa và sang dịch vụ, chẳng hạn như ăn uống. Nhưng điều đó sẽ đòi hỏi phải kiềm chế Covid-19.
Việc chuyển đổi sang dịch vụ cũng có thể bị cản trở do thiếu nhân công. Có hàng triệu công việc trong lĩnh vực dịch vụ không tìm được người và tiền lương đang tăng nhanh chóng, khiến một số doanh nghiệp phải tăng giá.
Đầu tháng này, Biden đã ký dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD. Thượng viện vẫn đang tranh luận về gói giáo dục, chăm sóc sức khỏe và khí hậu trị giá khoảng 2.000 tỷ USD tiếp theo của tổng thống. Đảng Cộng hòa nói rằng ông Biden nên rút lại kế hoạch chi tiêu này do lạm phát.
Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng nói gói 2.000 tỷ USD sẽ không làm tăng lạm phát hơn nữa vì số tiền sẽ được sử dụng trong 10 năm. Trong một bức thư hồi tháng 9, hơn một chuyên gia nhận giải Nobel kinh tế cho biết gói tài trợ này sẽ giảm bớt áp lực lạm phát dài hạn.
Josh Bivens, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Chính sách Kinh tế, cho biết các gói kinh tế có thể giúp bảo vệ khỏi các đợt lạm phát trong tương lai bằng cách thúc đẩy năng lực và năng suất của nền kinh tế thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng và các khoản đầu tư khác.
"Điều tôi đánh giá cao trong cách tiếp cận của họ là họ không phản ứng thái quá và cố gắng thu hẹp quy mô các kế hoạch dài hạn cho nền kinh tế", Bivens nói về chính quyền Biden.
Phiên An (theo WSJ)