Buông địa ốc, thủy điện, dự án Myanmar, Bầu Đức muốn tạo hệ sinh thái nông nghiệp tỷ USD nhưng lại lỗ nhiều năm, mong trả sạch nợ mãi chưa thành.
Cách đây hơn một thập niên, khi đang ở thời hoàng kim của ngành gỗ, bất động sản và thủy điện, Bầu Đức gây sốc giới đầu tư khi bỏ đỉnh cao rẽ sang làm nông nghiệp quy mô đại công trường. Hướng đi mới "nắn" Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL-HAG) rời khỏi các ngành được cho là có hệ số rủi ro cao khi đó để mở ra hệ sinh thái nông nghiệp tỷ USD dựa trên cây cao su. Song bước ngoặt này xảy ra đúng giai đoạn cao su rớt giá triền miên, khiến doanh nghiệp đối mặt với một thập kỷ thua lỗ, nhiều năm gồng mình trả nợ.
Từ năm 2012, khi vẫn còn trên đỉnh cao số một ngành địa ốc, Bầu Đức quyết định thoái vốn bất động sản dồn tiền nuôi rừng cao su. Ban đầu là giảm giá bán căn hộ để thu hồi vốn nhanh khi thị trường bất động sản suy thoái, sau đó doanh nghiệp tiến tới bán quỹ đất. Kế tiếp công ty liên tục tái cơ cấu, rút dần khỏi mảng miếng thủy điện. Vốn liếng bao nhiêu cũng không đủ nên nợ vay để đầu tư nông nghiệp mỗi năm cứ phình to. Năm 2016, nợ phải trả của công ty vượt ngưỡng 36.000 tỷ đồng, dồn doanh nghiệp vào thế khó, nguy cơ mất thanh khoản.
Đến năm 2019, doanh nghiệp thoái hết vốn khỏi khu phức hợp Yangon, dự án từng được định vị là "miếng bánh tỷ USD" tại Myanmar. Từ năm 2020 đến nay, áp lực dòng tiền dồn HAGL Agrico (HNG) đến bước phải chuyển nhượng các công ty con để giải quyết nợ và bổ sung vốn lưu động. Cuộc hôn phối với Thaco đã khiến Hoàng Anh Gia Lai giảm 14.000 tỷ đồng nợ vay đồng thời bốc hơi hơn 19.000 tỷ đồng giá trị tài sản.
Cả thập kỷ làm nông nghiệp, Hoàng Anh Gia Lai đi từ xuất phát điểm lãi nghìn tỷ mỗi năm trong giai đoạn 2009-2011, cổ phiếu nằm trong rổ VN30 (top 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán) sang thực trạng nợ chồng chất, thua lỗ đến mức cổ phiếu nằm trong diện kiểm soát. Bầu Đức đặt cược tất tay vào cây công nghiệp (cao su, cọ dầu) song hai loại cây này rớt giá. Sau đó công ty phải chấp nhận lỗ, chuyển đổi sang chăn nuôi và cây ăn trái để vượt khó.
Với một lượng tài sản lớn đã bán đi để xử lý nợ trong hơn chục năm qua nhưng kinh doanh vẫn đầy thách thức, nhiều cổ đông băn khoăn doanh nghiệp còn lại gì khi cổ phiếu HAG đang nằm trong diện kiểm soát vì lỗ trong 2 năm gần nhất. Đến cuối quý III, khoản lỗ lũy kế của công ty mẹ (HAG) vẫn còn 4.056 tỷ đồng. Theo quy chế của Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, nếu doanh nghiệp bị lỗ liên tiếp 3 năm, cổ phiếu tương ứng sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.
Tại đại hội cổ đông thường niên mới đây, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức thừa nhận mục tiêu hiện tại là có lãi năm 2021, trả hết nợ trong tương lai. Bầu Đức xác nhận bản thân đang nỗ lực để xoá sạch lỗ lũy kế, thậm chí tính đến phương án bán cổ phiếu cá nhân để xử lý, quyết tâm đến năm 2023 có thể hết lỗ. Theo kế hoạch năm 2021, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần 2.055 tỷ đồng, có lãi gộp 497 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 104 tỷ đồng.
Theo Bầu Đức, dù công ty nông nghiệp HAGL Agrico (HNG) chuyển giao cho ông Trần Bá Dương quản lý nhưng HAG vẫn giữ 178 triệu cổ phiếu ở công ty con này, là khối tài sản lớn. Hiện HNG còn nợ 2.100 tỷ đồng, theo thỏa thuận trả trong 3 năm, mỗi năm 700 tỷ đồng, khả năng trong tháng 12 sẽ thực hiện do tài sản của HAG và HNG đang chồng chéo (tài sản 2 bên đang cầm cố với nhau). Nhiệm vụ HNG sẽ trả nợ cho HAG còn HAG trả nợ cho ngân hàng BIDV.
Người đứng đầu HAG cho biết thêm, năm 2022, dự kiến có 2 công ty mới là Lê Me và Lơ Pang sáp nhập vào HAG, đóng góp thêm doanh thu cho công ty mẹ. Công ty Lê Me sở hữu một công ty ở Campuchia, đang nắm giữ 10.000 ha đất. Hiện Lê Me có diện tích trồng chuối tương đối lớn nên có thể đóng góp doanh số cho công ty mẹ trong năm 2022. Đây là một công ty ngoài đang nợ HAG nên sẽ dự kiến giảm số nợ bằng cách sáp nhập.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Gia súc Lơ Pang hoạt động ở Nam Gia Lai, hoạt động song song với Chăn nuôi Gia Lai (ở khu vực Đông Gia Lai). Lơ Pang có 10.000 con heo và 6.000 ha chuối, hiện định giá công ty vào khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong năm tới, nếu hợp nhất Lơ Pang vào HAG sẽ giúp công ty mẹ có doanh số và sản lượng nhất định.
Ngoài ra, Bầu Đức cũng chia sẻ về tương lai của mảng bóng đá. Ông phân tích, đội bóng là linh hồn của HAG. Thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai từ đội bóng mà ra và cũng sản sinh nhiều cầu thủ lớn. "
Trong tương lai làm gì với thương hiệu này, tôi đã có định hướng. Khi công ty mẹ ổn định tôi sẽ làm để có thể thu lại khoản tiền đầu tư 2.000 tỷ trong 20 năm. Nếu IPO đội bóng có thể mang lại lợi ích cho công ty, tôi cũng sẽ làm", ông Đức nói.
Ngót chục năm rót vốn sang Lào, Campuchia trồng cao su, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2020, Bầu Đức trải lòng với nhà đầu tư về sai lầm đặt cược tất tay vào cây công nghiệp này. Ông thừa nhận trước đây định hướng cây cao su sai khiến công ty mất nhiều thứ: mất uy tín, mất tiền bạc, mất niềm tin của cổ đông. Nhận trách nhiệm về mình, ông Đức cho biết đang nỗ lực tạo dựng lại mọi thứ, tìm lại những gì đã mất và trấn an cổ đông rằng thập niên khốn khó nhất đã qua.
Đến đại hội năm nay, Chủ tịch HAG một lần nữa nhận sai với cổ đông khi bỏ bất động sản năm 2012 giữa lúc doanh nghiệp đang trên đỉnh cao. Song Bầu Đức khẳng định không quay lại đường đua cũ, thay vào đó, công ty giữ vững lập trường làm nông nghiệp lấy chăn nuôi và cây ăn trái là mũi nhọn. Doanh nghiệp hiện có chuyên môn hóa cao từ khâu đầu vào lẫn đầu ra dựa trên quy mô đại công nghiệp và các tín hiệu khởi sắc đã xuất hiện.
"Hoàng Anh Gia Lai đang có cấu trúc gọn gàng hơn trước rất nhiều, có thể đi rất nhanh", Bầu Đức nói.
Trung Tín