Việt Nam có 200 người siêu giàu

Theo Báo cáo Thịnh vượng 2017 (Wealth Report) vừa được Knight Frank công bố, Việt Nam có 200 người siêu giàu (sở hữu từ 30 triệu USD trở lên) trong năm 2016, tăng 30 người so với năm trước đó. Trong một thập kỷ tới, Việt Nam cũng được dự báo là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới với 170%, lên 540 người. Theo sau là Ấn Độ với 150% và Trung Quốc (140%).

Báo cáo cũng ghi nhận Việt Nam hiện có một tỷ phú đôla. Con số này sẽ tăng lên 3 vào năm 2026.

viet-nam-co-200-nguoi-sieu-giau

Năm 2026, Việt Nam sẽ có hơn 500 người siêu giàu. Ảnh: Bloomberg

Knight Frank cho rằng tốc độ tăng trưởng ấn tượng về người siêu giàu tại châu Á sẽ được củng cố nhờ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Số triệu phú ở Việt Nam được dự báo tăng từ 14.300 lên 38.600 trong một thập kỷ tới.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) từng đánh giá sự biến đổi của kinh tế Việt Nam trong 25 năm qua là "ấn tượng". Cải cách kinh tế và chính trị đã giúp thu nhập của người dân tăng cao. Dù WB cảnh báo Việt Nam còn dễ tổn thương trước các cú sốc kinh tế và môi trường, triển vọng với nền kinh tế vẫn rất sáng sủa. Tăng trưởng GDP bình quân được dự báo vào khoảng 6% mỗi năm cho đến 2020. "Chúng tôi dự báo số triệu phú Việt Nam sẽ tăng mạnh nhờ sự phát triển của y tế, sản xuất và dịch vụ tài chính", ông Andrew Amoils - người đứng đầu nhóm nghiên cứu báo cáo nhận xét.

Knight Frank nhận định 2016 là một năm đầy biến động với thế giới, từ việc người Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU) đến ông Donald Trump bất ngờ đắc cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, bất chấp những biến động này, tài sản trên thế giới lại đang phình ra, trái ngược với mức giảm năm ngoái.  

Số người siêu giàu trên thế giới đã tăng thêm 6.340 người, lên hơn 193.000 người trong năm 2016. Khoảng 60 người đã có tài sản vượt mốc 1 tỷ USD, đưa tổng số tỷ phú toàn cầu lên hơn 2.000 người.

Số người siêu giàu vẫn tập trung chủ yếu ở Bắc Mỹ, với hơn 73.000 người năm 2016. Theo sau là châu Âu (hơn 49.000 người) và châu Á (hơn 46.000).

Dù vậy, đến năm 2026, thứ tự này sẽ có thay đổi. Dẫn đầu vẫn là Bắc Mỹ với hơn 95.000 người siêu giàu. Tuy nhiên, châu Á sẽ vượt qua châu Âu để lên thứ nhì với hơn 88.000 người. Tổng cộng trên toàn cầu, đến năm 2026, số người siêu giàu sẽ tăng 43% lên hơn 275.000 người.

Báo cáo cũng chỉ ra một số sở thích chi tiêu của người giàu. Đó là rượu vang, xe cổ và các tác phẩm nghệ thuật.

Hà Thu

Let's block ads! (Why?)