Ý nghĩa của những chiếc bánh Trung thu

Việc cầm cả chiếc bánh nướng để ăn bị coi là thô lỗ, bạn cần cắt thành từng miếng, và ăn cùng mọi người.

Bánh Trung thu tượng trưng cho sự đoàn tụ gia đình và hạnh phúc. Tính biểu tượng này bắt nguồn từ việc các gia đình tụ họp cùng nhau để đón Tết Trung thu. Ngày nay, việc tặng bánh nướng trong tháng 8 Âm lịch là một truyền thống với nhiều người. Ngay cả trong đại dịch, thói quen này cũng không mai một. Tuy nhiên, thay vì ra quầy hàng mua bánh trực tiếp, người dân mua và tặng bánh cho nhau qua đặt hàng trực tuyến.

Bánh trung thu ngày nay có nhiều màu sắc, hình dạng bắt mắt. Ảnh: Delishably

Bánh trung thu ngày nay có nhiều màu sắc, hình dạng bắt mắt. Ảnh: Delishably

Với người Trung Quốc, việc cầm cả một chiếc bánh Trung thu để ăn bị coi là kỳ quặc, thậm chí là thô lỗ. Thay vào đó, bạn cần cắt chúng ra thành các miếng nhỏ, và ăn cùng với bạn bè, người thân.

Ngày nay, bánh có nhiều phiên bản theo từng khu vực. Loại phổ biến nhất được bày bán thường được gọi là kiểu Quảng Đông, có hình tròn, đường kính hơn 10 cm và dày khoảng 4 cm. Trên mặt bánh thường có những từ ngữ mang ý nghĩa tốt lành như "trường thọ", "thuận hòa"... hoặc tên nhà sản xuất. Nhân bánh thường là hỗn hợp hạt sen, đậu đỏ, táo tàu, trứng muối, quả hạch, các loại hạt, một miếng trái cây cắt nhỏ hay thịt hun khói. Ngoài ra còn có các loại bánh trung thu khác như kiểu Bắc Kinh, Hong Kong, Vân Nam...

Chiếc bánh này là biểu tượng của Tết Trung thu và gắn liền với Chang'e, nữ thần mặt trăng trong truyền thuyết dân gian (người Việt Nam vốn quen với tên gọi là chị Hằng hay Hằng Nga).

Bánh trung thu hình con thỏ được bán rộng rãi tại Trung Quốc. Ảnh: Delishably

Bánh trung thu hình con thỏ được bán rộng rãi tại Trung Quốc. Ảnh: Delishably

Tương truyền, chồng của Hằng Nga là Hậu Nghệ vì có công bắn rụng 9 mặt trời cứu nhân loại khỏi thảm họa bị thiêu đốt, đã được thưởng thuốc trường sinh. Tuy nhiên, để ngăn chặn một kẻ trộm muốn lấy thuốc này, Hằng Nga đã uống nó và trở nên bất tử. Nhưng vì hiệu lực thuốc quá mạnh, nên nàng bay lên trời và cuối cùng sống tại cung trăng. Hậu Nghệ mỗi lần nhớ vợ, thường đặt các loại bánh trái mà nàng yêu thích trước trăng. Theo thời gian, tục cúng trăng này gắn liền với Tết Trung thu.

Một loài vật gắn liền với Hằng Nga là những con thỏ. Vì vậy, người Trung Quốc thường trang trí hình con thỏ lên các hộp đựng bánh. Thậm chí, họ còn làm bánh Trung thu hình con vật này và rất được trẻ em yêu thích.

Bánh Trung thu Trung Quốc lần đầu được nhắc đến là từ thời nhà Tống (960-1279), xuất hiện trong cuốn Biên niên sử Nam Tống của Wu Zhimu. Khi đó, nó được gọi là yue bing (bánh Trung thu). Trong nhiều thế kỷ trước, nó còn được gọi với các tên khác như xiao bing (bánh quy). Thời vua Hy Tông (862-888) nhà Đường, bánh Trung thu cũng được triều đình ban thưởng cho quần thần dịp Tết Trung thu. Hành động này được cho là có thể đã truyền cảm hứng cho sự liên kết giữa bánh ngọt và lễ hội mùa thu.

Phong tục làm và ăn bánh Trung thu rộng rãi trong dịp rằm tháng tám chỉ bắt đầu vào thời nhà Minh (1368-1644). Còn giai đoạn giữa hai triều đại Đường và Minh, người ta đưa ra giả thuyết rằng món bánh này ban đầu xuất hiện như một thú vui, lễ nghĩa của giới quý tộc, rồi dần mở rộng ra toàn dân.

Anh Minh (Theo Delishably)

Cách ăn dim sum đúng chuẩn người Trung Quốc

Adblock test (Why?)