80% doanh nghiệp da giày tại các tỉnh phía Nam dừng sản xuất, ở các nơi khác cũng giảm 30-50% công suất do giãn cách xã hội, thiếu lao động.
Đợt dịch thứ tư bùng phát, diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất của các doanh nghiệp da giày trong những tháng cuối năm.
"Các doanh nghiệp da giày bị thiệt hại lớn do phải ngừng hoặc giảm sản xuất, bị khách hàng huỷ đơn hàng xuất khẩu trong khi vẫn phải chịu các chi phí duy trì nhà máy, trả lương công nhân", theo Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso).
Lefaso cho biết, việc giãn cách xã hội kéo dài khiến 80% các nhà máy sản xuất da giày tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang, những nơi tập trung nhiều doanh nghiệp da giầy lớn trong các khu công nghiệp, phải ngừng sản xuất, do không đủ điều kiện thực hiện quy chế "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 điểm đến".
Số doanh nghiệp tại miền Bắc, miền Trung cũng giảm công suất 30-50% do giãn cách xã hội, thiếu lao động.
Các doanh nghiệp còn hoạt động cũng đang phải giảm sản lượng do phải giảm số lao động làm việc để thực hiện giãn cách. Họ cũng phát sinh nhiều chi phí do đứt gẫy chuỗi cung nguyên phụ liệu, chi phí phòng, chống Covid, như xét nghiệm, tiêm chủng, lo ăn, ở "3 tại chỗ" cho người lao động... Nhiều lao động bỏ về quê tránh lây lan dịch bệnh và khó khăn trong việc đi lại, di chuyển giữa các địa phương do phong tỏa, giản cách xã hội.
Mặt khác, việc thiếu container rỗng, chi phí logistics và vận chuyển tàu biển quốc tế tăng cao (gấp 5-10 lần), chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng cao đã ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu ngành hàng này.
Những khó khăn của các doanh nghiệp da giày phần nào phản ánh trong kết quả xuất khẩu tháng 8. Theo số liệu của Lefaso, tháng 8 giày dép xuất khẩu 850 triệu USD, giảm 38,5% so với cùng kỳ 2020; túi xách cũng giảm 37,9% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 150 triệu USD. Nhưng nhờ tăng trưởng cao 7 tháng trước đó, luỹ kế 8 tháng, giày dép xuất khẩu vẫn tăng 16,2% so với cùng kỳ (hơn 1,26 tỷ USD), túi xách chỉ tăng 2,1%. Hiện, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu da giày lớn nhất của Việt Nam, kế đến là EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong khi đó, báo cáo sản xuất công nghiệp, thương mại tháng 8 và 8 tháng của Bộ Công Thương cho thấy, chỉ số sản xuất da giày 8 tháng tăng 7,9% so với cùng kỳ 2020, nhưng giảm 5% so với nửa đầu năm. Chỉ số sử dụng lao động của ngành này trong 8 tháng đầu năm cũng giảm 17,3% so với cùng kỳ 2020.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hai mối lo mà các doanh nghiệp phải đối diện trong bối cảnh Covid-19 hiện nay, là cung và cầu.
Khó khăn lớn nhất về phía cung của các doanh nghiệp là không bảo đảm được quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa thông suốt. Tiêu thụ hàng hoá cũng gặp vướng vì các quy định về phòng dịch phức tạp, không thống nhất giữa các địa phương.
Cục Công nghiệp phân tích, đặc trưng của ngành là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính, do đó, các khó khăn về lưu thông, vận chuyển hàng hóa do yêu cầu phòng dịch sẽ dẫn đến nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu vào sản xuất.
"Một số quy định về phòng chống dịch bệnh cần phải được điều chỉnh để đảm bảo mục tiêu vừa duy trì sản xuất cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng cho người lao động và cộng đồng", đại diện Cục Công nghiệp kiến nghị.
Ở phía cầu, doanh nghiệp cũng bị sụt giảm đơn hàng trong nước do ảnh hưởng của dịch bệnh và các quy định của nhiều địa phương về giãn cách xã hội. Nhưng bù lại, đơn hàng xuất khẩu được dự báo tăng thời gian tới khi nhu cầu thị trường tiêu dùng thế giới phục hồi, do nhiều nước mở cửa lại nền kinh tế.
Tuy nhiên, đại diện Cục Công nghiệp cho rằng, nếu không sớm có các giải pháp giúp doanh nghiệp khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, sớm quay trở lại sản xuất thì họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ khách hàng quốc tế dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác. Và đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất.
Do vậy, cơ quan này nhấn mạnh, việc tận dụng cơ hội trong giành các đơn hàng lớn để phục hồi sản xuất trong nước trong bối cảnh dịch bệnh là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp vực dậy, vượt qua khó khăn vì dịch bệnh.
Còn Lefaso cho rằng, bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp da giày cần giảm chi phí, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện và lao động, cũng như tận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định FTA (nhất là hiệp định CPTPP và EVFTA), để sau khi dịch được khống chế có thể phục hồi ngay sản xuất, xuất khẩu.
Anh Minh