Fitch: Đợt dịch mới không ảnh hưởng tới dự báo tăng trưởng năm 2021

Trưởng bộ phận phân tích về Việt Nam của Fitch Ratings dự báo GDP năm 2021 vẫn có thể tăng trưởng 7,5%, bất chấp đợt dịch mới đang bùng phát.

Đầu xuân Tân Sửu, bà Sagarika Chandra, Trưởng bộ phận phân tích về Việt Nam tại Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, chia sẻ với VnExpress về những biến số ảnh hưởng tới triển vọng tín nhiệm của Việt Nam năm 2021.

- Fitch dự báo gì về kinh tế Việt Nam năm 2021, nhất là trong bối cảnh đợt dịch mới đang diễn ra ở một số địa phương, có thể ảnh hưởng tới một số khu vực của nền kinh tế?

- Việt Nam kiểm soát rất tốt đại dịch Covid-19 nên chúng tôi nghĩ rằng nền kinh tế sẽ hồi phục khi nhu cầu nội địa tăng trưởng cao trở lại. Fitch dự báo năm 2021, GDP của các bạn sẽ có thể tăng trưởng 7,5%, đây là tốc độ tăng trưởng cao hơn đáng kể so với mức 2,91% của GDP năm 2020.

Đương nhiên, mức tăng trưởng 7,5% phản ánh cho thực tế rằng kinh tế Việt Nam hồi phục từ một cái nền thấp.

Bà Sagarika Chandra

Bà Sagarika Chandra - Trưởng bộ phận phân tích về Việt Nam của Fitch Ratings. Ảnh: Fitch.

Ngoài ra, chúng tôi nghĩ rằng có những yếu tố khác hỗ trợ cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng từ cả trước đại dịch, trong đó có vốn trực tiếp từ nước ngoài (FDI) – khu vực sẽ giữ vai trò quan trọng giúp kinh tế Việt Nam phục hồi. FDI vào Việt Nam sẽ vẫn duy trì ở mức cao, và theo dự báo hiện tại của chúng tôi, FDI ròng sẽ ở mức 4% GDP năm 2021 và 2022.

Về lạm phát trung bình năm 2021 và 2022, chúng tôi dự báo ở mức 3,5%.

Cần nói thêm rằng, kể cả sau những diễn biến mới về dịch bệnh tại Hải Dương và một số địa điểm khác của Việt Nam, Fitch vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng như trên. Lý do là chúng tôi nhìn vào quá trình chống dịch hiệu quả của Việt Nam đã giúp số ca lây nhiễm ở mức thấp, dựa trên các số liệu chính thức được công bố.

- Ở góc độ một tổ chức đánh giá tín nhiệm, Fitch đánh giá đâu là những thách thức lớn với kinh tế Việt Nam năm 2021?

- Dù dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 và 2022 sẽ hồi phục, Fitch cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ vẫn dễ chịu tác động từ bên ngoài bởi độ mở cao. Việt Nam sẽ vẫn đương đầu với nhiều rủi ro xuất phát từ nhóm các doanh nghiệp nhà nước và sự yếu kém về cấu trúc của ngành ngân hàng.

Những yếu tố có thể giúp Việt Nam có xếp hạng tín nhiệm cao hơn có thể là ổn định kinh tế vĩ mô thể hiện bởi độ linh hoạt chính sách cao, trong đó có bao gồm chính sách liên quan đến đảm bảo linh hoạt tiền tệ và duy trì dự trữ ngoại hối hoặc tình hình tài chính công cải thiện, thể hiện ở thâm hụt ngân sách nhỏ hơn hoặc nợ chính phủ nói chung giảm hoặc rủi ro với bảng cân đối kế toán quốc gia bắt nguồn từ lĩnh vực ngân hàng giảm.

Hay nói một cách khác, những yếu tố có thể khiến Việt Nam bị hạ xếp hạng tín nhiệm bao gồm: thay đổi chính sách gây ra bất ổn vĩ mô hoặc các yếu tố mất cân bằng vĩ mô tăng hoặc sự kết tinh của các khoản nợ tiềm tàng hoặc dự trữ ngoại tệ suy giảm, như đầu tư nước ngoài giảm với quy mô đủ để gây bất ổn nền kinh tế.

Đường phố Hà Nội vắng vẻ trong đợt cả nước thực hiện giãn cách chống dịch hồi tháng 4/2020. Ảnh: Giang Huy.

Đường phố Hà Nội vắng vẻ trong đợt cả nước thực hiện giãn cách chống dịch hồi tháng 4/2020. Ảnh: Giang Huy.

- Năm 2020, ngành ngân hàng công bố lợi nhuận tăng trưởng cao. Cùng lúc đó, cũng có những khác biệt so với các năm trước: tăng trưởng tín dụng không cao, số lượng doanh nghiệp phá sản cao, số lao động bị sa thải nhiều. Vậy hai bức tranh trái ngược này tác động gì đến kinh tế và xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam?

- So tương đối với các nước khác trong khu vực, Việt Nam đã tăng trưởng tốt hơn. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng được 2,91% trong năm 2020 trong khi nhiều nền kinh tế khác tại Đông Nam Á thậm chí suy giảm mạnh. Như vậy, Việt Nam đã làm tốt hơn nhiều nước khác trong khu vực.

Trong năm 2020, chúng ta đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc nhưng cuối cùng nền kinh tế vẫn tăng trưởng được, điều này có cơ sở từ việc các bên vẫn giải quyết được vấn đề liên quan đến đại dịch Covid-19.

Năm ngoái, Fitch đã điều chỉnh triển vọng tín dụng của Việt Nam từ "tích cực" lên "ổn định". Khi điều chỉnh triển vọng tín dụng, chúng tôi đã tính đến cả những tác động của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế và đưa ra quyết định này. Tuy nhiên, so với những nước ở cùng mức xếp hạng BB như hiện tại, các chỉ số kinh tế quan trọng của Việt Nam vẫn tốt hơn so với các nước khác.

- Trong một năm qua trên khắp thế giới, dòng tiền đầu tư đổ mạnh vào chứng khoán, bất động sản, Bitcoin, đẩy giá của các loại tài sản này tăng lên nhanh chóng. Trong bối cảnh này, kinh tế Việt Nam có thể đương đầu với những rủi ro gì?

- Cho đến nay, những yếu tố biến động giá tài sản trên chưa ảnh hưởng nhiều đến tình hình ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, Fitch nhận thấy lạm phát vẫn được kiểm soát tốt, kinh tế tiếp tục tăng trưởng và dự báo còn tốt hơn năm ngoái. Diễn biến các dòng vốn bên ngoài nhìn chung chưa tạo ra rủi ro nào lớn với sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Nếu có trường hợp chúng tôi trở nên bi quan hơn với xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, nó sẽ đến từ một trong những yếu tố như việc mất ổn định kinh tế vĩ mô hay quản lý chính sách yếu kém. Tuy nhiên, trong trường hợp Việt Nam hiện tại, chúng tôi không thấy có khả năng trên sẽ xảy ra.

- Năm 2020, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng, thậm chí rất "nóng". Vậy những diễn biến này ảnh hưởng gì tới tín nhiệm của nền kinh tế?

- Xếp hạng tín nhiệm của quốc gia không thực sự chịu ảnh hưởng bởi thị trường trái phiếu doanh nghiệp mà theo đánh giá của chúng tôi, được tính toán dựa trên tăng trưởng kinh tế mạnh, bền vững và chính sách tập trung vào đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện tình hình tài khóa.

Tình hình tài chính nội địa sẽ giúp hỗ trợ cho kinh tế tăng trưởng nhưng đó không phải yếu tố quyết định duy nhất. Xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam được hỗ trợ bởi dòng vốn FDI mạnh, ổn định, tăng trưởng bền vững.

- Bộ Tài chính Mỹ đã "dán nhãn" Việt Nam là nước thao túng tiền tệ, tuy nhiên cho đến nay chưa đưa ra hành động cụ thể nào. Vậy điều này có ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm mà Fitch đang đưa ra với Việt Nam?

- Việc Việt Nam bị "dán nhãn" thao túng tiền tệ khiến cho quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ trở nên phức tạp hơn, nhưng chúng tôi tin rằng hai bên sẽ có các cuộc trao đổi trong những tháng tới để cố gắng làm giảm căng thẳng. Trong lúc đó, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục theo dõi các diễn biến để đánh giá xem liệu nó có thể ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm.

- Trong những năm gần đây, có xu thế nhiều doanh nghiệp nước ngoài chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang một số nước Đông Nam Á, trong đó đặc biệt là Việt Nam. Xu thế này sẽ như thế nào dưới chính quyền mới của Mỹ?

- Chúng tôi cho rằng Việt Nam và các nước láng giềng Đông Nam Á sẽ vẫn tiếp tục hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó có bao gồm xu thế dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc để tránh thuế cao.

Hiện chưa thể nói trước được quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn biến như thế nào, nhưng nhiều khả năng phía Mỹ sẽ có chiến lược chính sách ngoại giao dễ đoán và cách tiếp cận đa phương với các quan hệ kinh tế và điều này là tốt cho khu vực.

Diệu Thanh (thực hiện)

Let's block ads! (Why?)