Nếu triển khai 5G nhanh như từng làm với 2G, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tin Việt Nam đón được thời cơ bởi "5G sẽ thay đổi toàn bộ".
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 12/1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá Việt Nam triển khai 2G nhanh so với thế giới, 3G thuộc top trung bình nhưng 4G đi chậm. Còn công nghệ 5G, ông nhận xét, "đang vươn lên nhanh, nhưng mới ở quy mô khởi đầu thí điểm".
"Nếu lần này chúng ta cũng phát triển nhanh 5G được như 2G, thời cơ sẽ lại về tay chúng ta. 5G sẽ thay đổi toàn bộ, không đơn thuần là tốc độ", ông Đam khẳng định.
Công nghệ 5G dự kiến cũng được cấp phép để triển khai chính thức tại Việt Nam trong năm nay. Từ cuối năm ngoái, 3 nhà mạng gồm Viettel, Vinaphone, Mobifone đã thử nghiệm thương mại 5G tại một số khu vực ở Hà Nội, TP HCM.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đặt trọng tâm năm 2021 thúc đẩy hoàn tất thử nghiệm, đẩy nhanh thương mại hóa, quy hoạch, đấu giá và cấp phép băng tần triển khai 5G.
Việt Nam cũng đang đẩy mạnh chương trình chuyển đổi máy 2G/3G lên máy smartphone (hỗ trợ 4G/5G) qua một số giải pháp như yêu cầu các thiết bị đầu cuối di động được sản xuất, lưu thông trên thị trường Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ từ 4G trở lên. Các nhà mạng cũng có chương trình hỗ trợ đổi máy 4G cho các thuê bao sử dụng điện thoại "cục gạch".
Hiện tại, các doanh nghiệp trong nước như Viettel, Vinsmart... đã sản xuất được thiết bị 5G (thiết bị đầu cuối, thiết bị truy nhập vô tuyến). Ông Đam đánh giá, đây là những phần thiết bị rất quan trọng, dù doanh nghiệp Việt Nam chưa làm được tất cả.
"Những kết quả đạt được đáng mừng nhưng chỉ là ban đầu và rất nhỏ. Chúng ta có thị trường 100 triệu dân, nếu có sự điều phối tốt thì đủ sức ươm mầm ngay tại thị trường trong nước", Phó thủ tướng cho hay.
Tốc độ của 5G nhanh gấp khoảng 10 lần so với 4G, cho phép kết nối nhiều thiết bị hơn với độ trễ thấp. Công nghệ này được dự báo mở ra kỷ nguyên kết nối mới, giữa máy móc với máy móc.
Theo tính toán của PwC, vào năm 2035, 5G sẽ tạo ra 13.200 tỷ USD giá trị kinh tế trên toàn cầu và 22,3 triệu việc làm trong chuỗi giá trị này.
Những ngành nghề sẽ được hưởng lợi nhiều nhất là giao thông thông minh, xe tự lái; sản xuất thông minh; năng lượng; an ninh công cộng; y tế; truyền thông giải trí và các ngành hàng bán lẻ.
Anh Tú