Người châu Âu nghỉ mát càng nhiều năng suất càng tăng

Người châu Âu vốn từ lâu có tiếng là thường nghỉ mát rất dài vào mỗi mùa hè. Ở Na Uy, thuật ngữ “fellesferie” dùng để chỉ khoảng thời gian kéo dài hai đến ba tuần mà những người lao động dùng để đi nghỉ mát vào tháng 7 hàng năm. Thông lệ này khiến nhiều công ty, nhà xưởng phải dừng hoạt động trong suốt giai đoạn đó.

Tại Hà Lan, thuật ngữ “bouwva” dùng để chỉ vài tuần nghỉ mát hàng năm của nhân viên ngành xây dựng. Còn ở Pháp, luật đã yêu cầu thợ làm bánh tại Paris phải luân phiên nghỉ mát để đảm bảo vẫn có cửa hàng bánh còn mở cửa phục vụ người dân và du khách trong mùa nghỉ mát của thợ làm bánh hàng năm.

Những gì đang diễn ra tại châu Âu hoàn toàn trái ngược với Mỹ. Trong khi các khảo sát cho biết nhiều người Mỹ rất sợ các kỳ nghỉ mát dài hạn vì áp lực công việc, thì với người châu Âu, càng nghỉ mát nhiều thì năng suất làm việc của họ càng tăng.

nguoi-chau-au-nghi-mat-cang-nhieu-nang-suat-cang-tang

Nhiều người châu Âu thường dồn ngày phép để nghỉ mát một lần 2 đến 3 tuần vào mùa hè.

Mỹ cũng là quốc gia duy nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) không có luật buộc các công ty phải có nghĩa vụ trả lương nghỉ mát cho nhân viên, ngược với châu Âu. Liên minh châu Âu quy định người lao động tại các quốc gia thành viên phải có ít nhất 20 ngày phỉ phép có lương hàng năm. Thậm chí, một số quốc gia châu Âu là thành viên của OECD còn ấn định thêm ngày nghỉ có lương cho người lao động. Anh, Pháp, Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Luxembourg và Thụy Điển đều yêu cầu doanh nghiệp phải đảm bảo từ 25 ngày nghỉ phép có lương trở lên cho nhân viên.

Các dữ liệu phân tích cho biết, thời gian nghỉ mát dài của người châu Âu không ảnh hưởng đến năng suất lao động, thậm chí là ngược lại. Chín trên mười nước có năng suất lao động cao nhất OECD tính theo GDP được tạo ra mỗi giờ làm là các nước châu Âu. Nước còn lại trong top 10 là Mỹ, xếp vị trí thứ 6.

Nghỉ mát nhiều hơn sẽ giúp năng suất lao động cao hơn thực tế cũng phần nào đúng tại Mỹ chứ không riêng gì châu Âu. Báo cáo nghiên cứu của dự án Time Off do Hiệp hội Du lịch Mỹ tài trợ công bố năm 2016 cho biết, những người lao động đã nghỉ từ 11 ngày trở lên mỗi năm thường được tăng lương và thưởng nhiều hơn trong 3 năm trước đó so với những người nghỉ từ 10 ngày trở xuống.

Tuy nhiên, bản báo cáo cũng cho biết, 42% người Mỹ ngại nghỉ phép dài ngày để đi du lịch vì e sợ khối công việc đồ sộ tồn đọng sau kỳ nghỉ. Cùng với đó, 32% được hỏi thú nhận họ không đủ khả năng để chi trả cho một kỳ nghỉ mát dài.

“Những ảnh hưởng tiêu cực khá lớn đã được rút ra sau nghiên cứu với những người không đi nghỉ mát trong nhiều năm”, bà Katie Denis – Trưởng nhóm nghiên cứu của dự án Time Off nhận xét.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để việc nghỉ mát tạo hiệu ứng tích cực đến năng suất làm việc thì người lao động cũng phải biết tổ chức đúng cách. Thông thường, các kỳ nghỉ ngắn ít ngày và thường xuyên có thể ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất làm việc. Thay vào đó, các chuyên gia khuyên người lao động nên tập trung ngày phép để nghỉ mát dài ngày hai lần mỗi năm, nhằm phục hồi thể chất và tinh thần một cách hiệu quả.

Một lưu ý khác là người lao động cần nghỉ ngơi hoàn toàn trong kỳ nghỉ. Cuộc khảo sát của  Associated Press - Trung tâm nghiên cứu công cộng NORC (Mỹ) cho hay, có đến một phần ba người Mỹ vẫn làm việc khi đi nghỉ mát. Theo các chuyên gia, điều này làm giảm đáng kể hiệu quả của kỳ nghỉ.

Phiên An (theo CNBC)

Let's block ads! (Why?)