Trung QuốcLượng khách đặt phòng tại Garze tăng gấp đôi sau khi tỉnh Tứ Xuyên tung video quảng bá du lịch mời chàng trai chăn bò đóng.
Video mới gây sốt từ khi được đăng tải trên mạng xã hội Douyin vào 10/11. Theo đó, chàng trai chăn bò 20 tuổi người Tạng, Tashi Dingzhen (Đinh Chân), là tâm điểm, xuất hiện giữa khung cảnh núi tuyết quê nhà tại Khu tự trị dân tộc Tạng Garze, Tứ Xuyên.
Dingzhen hút hồn với làn da bánh mật in dấu nắng gió, nụ cười tỏa nắng cùng trang phục truyền thống của dân tộc Tạng - điều khiến không ít người nhầm lẫn mà tuyên bố họ sẽ đến Khu tự trị Tây Tạng để gặp anh chăn bò này.
Ngày 27/11, Dingzhen phải đăng tải một tấm ảnh cầm biển ghi dòng chữ "quê hương tôi là Tứ Xuyên", để thay lời giải thích với cộng đồng fan đông đảo tranh cãi trên mạng xã hội xem anh ở Tứ Xuyên hay Tây Tạng. Cuộc tranh luận này vô tình biến thành một chiến dịch quảng bá cho hàng loạt tỉnh và vùng miền của Trung Quốc, trong đó có tỉnh Sơn Đông - cách Garze gần 2.000 km - mời Dingzhen đến thăm.
Nhờ tầm ảnh hưởng của Dingzhen, lượng khách đến Garze tăng ngay cả vào tháng 11 - mùa thấp điểm. Nền tảng du lịch Qunar ghi nhận lượng đặt phòng tại Garze đạt 89% cùng kỳ năm ngoái. Vào ngày 17/11, lượng đặt phòng hàng ngày trong vùng tăng 111% so với cùng kỳ năm ngoái, và còn tăng trong tuần tiếp theo. Bên cạnh đó, Khang Định, thủ phủ của Garze, và Yading, một khu bảo tồn thiên nhiên trong vùng, đón lượng khách gấp đôi cùng kỳ năm ngoái từ ngày 16 - 25/11.
Ngày 21/11, Dingzhen thông báo rằng anh đã trở thành đại sứ du lịch cho chính quê nhà tại huyện Lý Đường, Garze. Mức lương anh nhận là 3.500 nhân dân tệ mỗi tháng (khoảng 532 USD). "Anh ấy khác với những người nổi tiếng trên mạng xã hội. Sức ảnh hưởng của anh ấy thực tế đã đem lại lợi ích cho người địa phương. Tôi hạnh phúc khi thấy những thay đổi này", một người dùng Weibo viết.
Dingzhen có thể vô tình nổi tiếng, nhưng thành công của chàng trai này cho thấy giới chức địa phương luôn sẵn sàng tận dụng mọi cơ hội để giúp người dân cải thiện đời sống, theo Du Xiaoshan, một nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Nông thôn thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.
Ông Du đánh giá trong những năm gần đây, cán bộ phát triển nông thôn đã chủ động nỗ lực và áp dụng những phương pháp mới, đặc biệt qua mạng xã hội, để quảng bá du lịch địa phương, giúp người dân buôn bán.
Bảo Ngọc (Theo ESCN)